(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm gần đây, không ít trường mầm non trên địa bàn tỉnh tổ chức cho trẻ làm quen với tếng Anh - ngôn ngữ được xem là phổ biến và thông dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Anh ở các trường mầm non đã thực sự hiệu quả hay chưa đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Dạy học tiếng Anh trong trường mầm non đã thực sự hiệu quả?

Nhiều năm gần đây, không ít trường mầm non trên địa bàn tỉnh tổ chức cho trẻ làm quen với tếng Anh - ngôn ngữ được xem là phổ biến và thông dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Anh ở các trường mầm non đã thực sự hiệu quả hay chưa đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Dạy học tiếng Anh trong trường mầm non đã thực sự hiệu quả?

Một giờ làm quen với tiếng Anh của các cháu học sinh Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa).

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là cấp học quan trọng đặt nền móng phát triển về trí tuệ, tình cảm, thể chất của trẻ em và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của cấp học sau. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn “vàng” đối với sự phát triển. Ở giai đoạn này trẻ hoàn toàn có khả năng làm quen thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, để trẻ thuần thục một ngôn ngữ nào đó đòi hỏi một quá trình kéo dài nhiều năm. Vì vậy, lứa tuổi mầm non không phải lúc nào cũng có thể hình thành năng lực song ngữ một cách tự nhiên. Hiện nay, việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh có những thuận lợi cơ bản đó là nhu cầu của các bậc cha mẹ học sinh, sự quan tâm triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc làm này đang bộc lộ những hạn chế.

Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 30 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, đơn cử như: Trường Mầm non Trường Thi B, Mầm non Hoa Mai, Mầm non Điện Biên, Mầm non Tân Sơn... Vì học theo nhu cầu của phụ huynh nên số lượng trẻ ở những trường này tham gia học cũng khác nhau, trường ít thì 50 cháu tham gia học, trường nhiều hơn 100 cháu. Các trường này đều không có giáo viên tiếng Anh cơ hữu tham gia dạy nên phải hợp đồng với Trung tâm Anh ngữ Sao Mai hoặc Công ty TNHH Anh ngữ Việt List để tổ chức lớp học. Đây là 2 đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép phối hợp với các trường mầm non có nhu cầu để tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ. Theo cô giáo Phạm Thị Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa), nhà trường tổ chức cho trẻ làm quen với tếng Anh từ hơn 10 năm nay. Mỗi năm có khoảng hơn 100 cháu đăng ký tham gia. Hoạt động này được tổ chức từ 2 - 3 buổi/tuần vào cuối buổi chiều hằng ngày. Mục tiêu của nhà trường là cho trẻ tiếp cận, làm quen với tiếng Anh trên tinh thần vừa học, vừa chơi.

Tại huyện Quảng Xương, theo chia sẻ của Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Thu, trong năm học 2021-2022 toàn huyện có 15 trường mầm non phối hợp với Công ty TNHH Anh ngữ Việt List tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Đây cũng là năm đầu tiên các trường trên địa bàn huyện tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 này các trường đang tạm dừng hoạt động để chờ hướng dẫn triển khai thực hiện của Sở GD&ĐT theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo một số trường có tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng như giáo viên của các trung tâm trực tiếp giảng dạy thì kết quả của hoạt động này khá tốt, trẻ hào hứng tham gia, vì vừa học, vừa chơi nên trẻ có thêm kỹ năng sống... Tuy nhiên, không ít phụ huynh quan tâm và đầu tư cho con học tiếng Anh lại phàn nàn việc học của con mình chưa được như mong muốn. Chị Nguyễn Thị T. có con học tại Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Cháu nhà tôi học tiếng Anh cũng được hơn 1 năm rồi, nhưng cháu không biết nhiều, bi bô vài từ nhưng không hiểu nghĩa của từ ấy là gì. Thấy chưa hiệu quả tôi định không cho cháu học nữa, nhưng với xu thế cần ngoại ngữ như hiện nay nên tôi vẫn phải đóng học phí cho cháu theo học, được đến đâu hay đến đó”.

Nhận định của nhiều giáo viên mầm non cũng như phụ huynh, việc dạy học tiếng Anh cho trẻ mầm non hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Việc này liên quan tới điều kiện, chất lượng giáo viên cũng như hình thức, nội dung dạy học chưa phù hợp với lứa tuổi. Thực tế, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh cho trẻ làm quen với tiếng Anh đều dựa vào các trung tâm ngoại ngữ. Và người dạy chủ yếu là giáo viên ngoại ngữ chưa có chứng chỉ sư phạm mầm non, chưa hiểu hết về tâm sinh lý của lứa tuổi mầm non. Trong khi đó, việc xây dựng nội dung chương trình phù hợp để cho trẻ làm quen với tiếng Anh chưa có sự nghiên cứu đầy đủ, mà vẫn mang tính tự phát hoặc là dựa vào các chương trình của nước ngoài. Nhiều giáo viên giảng dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học cho biết, phần lớn những cháu tham gia học tiếng Anh ở bậc học mầm non không hỗ trợ nhiều khi học ở cấp học tiểu học, gần như các cháu không lưu được nội dung đã được học ở trường mầm non.

Trước việc dạy học tiếng Anh không bảo đảm chất lượng và hiệu quả ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã từng ra văn bản cấm dạy tiếng Anh trong trường mầm non. Tuy nhiên, không lâu sau đó bộ lại “dỡ bỏ” lệnh cấm này. Theo đó, tháng 3-2014, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 1303/BGDĐT-GDMN lưu ý một số vấn đề trong việc dạy học tiếng Anh ở các trường mầm non. Cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Theo nội dung của thông tư, việc dạy học tiếng Anh ở các trường mầm non hoàn toàn không bắt buộc mà chỉ ở nơi nào có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu thì nhà trường thực hiện. Nhận định về thông tư này, nhiều người cho rằng, thông tư đã gắn với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh tạo điều kiện học tập, làm quen tiếng Anh cho con em mình. Tuy nhiên, việc triển khai là rất khó với không ít địa phương, nhất là khi đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non chỉ là “con số không”. Điều này buộc các nhà trường vẫn phải phối hợp, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để triển khai thực hiện. Được biết, Sở GD&ĐT đang chỉ đạo các địa phương rà soát các trường đủ điều kiện đăng ký tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của thông tư.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu cần thiết. Thế nhưng, để hoạt động này mang lại hiệu quả thực sự ngành giáo dục cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ và cái nhìn thực tế hơn. Trong đó, cần nêu cao trách nhiệm theo dõi, giám sát thường xuyên việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở các trường mầm non cũng như bảo đảm việc thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ có chất lượng, theo đúng quy định. Quan tâm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết như tranh ảnh, đồ chơi, thiết bị nghe nhìn cùng với chương trình giảng dạy bảo đảm về mặt nội dung, thời lượng, cường độ cũng như tính liên tục và sự chuyển tiếp để trẻ có thể học tiếng Anh hiệu quả ở những bậc học tiếp theo.

Bài và ảnh: P.S


Bài và ảnh: P.S

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]