(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ là “giải pháp tình thế’”, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc làm thiết thực, hiệu quả này góp phần giải tỏa bớt áp lực cho ngành giáo dục, phụ huynh và các em học sinh, xóa nhòa những khoảng cách, nêu cao tinh thần “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong việc dạy và học online. Những giá trị nhân văn cao cả, tốt đẹp của chương trình đã và đang được hưởng ứng, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xã hội.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Lan tỏa các giá trị nhân văn

Không chỉ là “giải pháp tình thế’”, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc làm thiết thực, hiệu quả này góp phần giải tỏa bớt áp lực cho ngành giáo dục, phụ huynh và các em học sinh, xóa nhòa những khoảng cách, nêu cao tinh thần “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong việc dạy và học online. Những giá trị nhân văn cao cả, tốt đẹp của chương trình đã và đang được hưởng ứng, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xã hội.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Lan tỏa các giá trị nhân vănToàn cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phát động của Chương trình "Máy tính cho em" của ngành giáo dục.

Những ngày này, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa diễn biến phức tạp khi liên tục ghi nhận các ca nhiễm, đáng chú ý có nhiều ca F0 là học sinh tại các trường học trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Ngọc (phố Vĩnh Ngọc, phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) lo lắng không yên. Phần vì lo cho sức khỏe của các con, phần vì nghĩ đến trường hợp hai con nếu phải chuyển sang học trực tuyến thì khó khăn, vất vả đủ điều.

Đợt TP Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả hai con của chị là: cháu Nguyễn Xuân Anh (lớp 7B) và cháu Nguyễn Thị Minh Tuyết (6C), Trường THCS Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) đều phải học trực tuyến. Kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, không có điều kiện mua máy tính nên việc học của hai con trông cậy cả vào cái smartphone cũ của chị. Chị Ngọc chia sẻ: “Chồng thường xuyên đi làm xa nên nhà có mỗi cái điện thoại của mẹ. Tuy chẳng phải “hàng xịn” gì nhưng kết nối internet được nên dù đi làm cả ngày, nhiều khi bất tiện nhưng chị cũng phải để điện thoại ở nhà cho hai đứa thay phiên nhau học. Nếu hai đứa trùng lịch học thì chị phải mượn thêm điện thoại của bà ngoại cho con học”.

Giải quyết được phần thiết bị học tập thì vấn đề lại tiếp tục phát sinh. Đó là mạng internet để kết nối với các nền tảng học trực tuyến. Chị cười nói: “Nhà chị cũng chưa lắp mạng nên đành phải sang nhà hàng xóm xin được “dùng ké”. Bởi vậy nên nhiều lúc, mạng chậm, yếu, các con đang học lại bị gián đoạn, thoát ra vào lại không biết bao nhiều lần. Có lúc, các cháu phàn nàn: Thầy, cô nói thì con nghe nhưng con nói thì cô không nghe. Nhiều cái không hiểu muốn trao đổi lại với thầy, cô mà không được”.

Biết rằng những hạn chế về thiết bị, mạng... sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng học tập của các con, nhiều khi thương con chị tặc lưỡi: “Hay là vay mượn, xoay sở thế nào mua cho con cái máy tính. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ở cái tầm tuổi nó, nhu cầu sử dụng máy tính cũng không quá nhiều. Nếu tình hình dịch ổn định, đi học trở lại bình thường thì máy tính không dùng đến cũng lãng phí nên cứ cân nhắc mãi”.

Hoàn cảnh của gia đình chị Ngọc cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình khi có con phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có 265.868 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Không chỉ ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang mà ngay trên địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện, thị được xem là tương đối phát triển của tỉnh, con số thống kê số học sinh không có thiết bị học trực tuyến cũng khiến chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ. Được biết, tính đến tháng 9–2021, TP Thanh Hóa có 70.097 học sinh các cấp học, từ tiểu học đến THPT, trong đó có 4.481 học sinh không có thiết bị học trực tuyến; TP Sầm Sơn có 22.609 học sinh, trong đó có 10.632 học sinh không có thiết bị học trực tuyến; thị xã Nghi Sơn có 43.187 học sinh các cấp học, trong đó có 20.503 học sinh không có thiết bị học trực tuyến...

Trước những khó khăn, hạn chế mà nhiều em học sinh, thầy cô và phụ huynh phải đối mặt trong quá trình dạy và học trực tuyến, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Mục tiêu cao nhất của chương trình là hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, bình đẳng trong xã hội học tập.

Nhận thức sâu sắc điều ấy, tỉnh Thanh Hóa tích cực hưởng ứng, tuyên truyền, lan tỏa giá trị, ý nghĩa nhân văn của chương trình đến các cấp, các ngành, cá nhân, doanh nghiệp và đông đảo quần chúng Nhân dân. Ngày 20-9-2021 Sở Giáo dục Đào tạo và công đoàn ngành giáo dục ban hành Kế hoạch liên tịch số 2580/KHLT-SGDĐT-CĐN về việc triển khai chương trình “Máy tính cho em” năm học 2021-2022. Theo đó, kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong ngành tổ chức quyên góp, ủng hộ theo nhiều hình thức cho chương trình “Máy tính cho em”... Ngày 15-11-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND về việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Kế hoạch nêu rõ: Huy động nguồn lực tổng thể của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân tham gia hỗ trợ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện học tập trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền sâu rộng, đảm bảo tính tự nguyện, tự giác của các tập thể, cá nhân; các thiết bị, dịch vụ được trao tặng cần đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thành phần, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả hỗ trợ quá trình học tập của học sinh, sinh viên.

Các cơ sở giáo dục trong ngành đã triển khai và phát động mỗi cán bộ quản lý, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí cho chương trình tối thiểu là 1 ngày thu nhập. Tính đến ngày 24-11-2021, tổng số tiền ngành giáo dục Thanh Hóa đã ủng hộ là hơn 4,7 tỷ đồng. Ông Trần Văn Bình, chủ tịch công đoàn ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa nhận định: “Việc quyên góp, ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” là việc làm thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, sẻ chia; thể hiện truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái” của dân tộc và nêu cao tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Ông Bình nêu rõ: “Ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đề nghị thủ trưởng các đơn vị kịp thời tuyên truyền, vận động, kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, học sinh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thể hiện trách nhiệm với ngành, tích cực hơn nữa tham gia ủng hộ chương trình, quyết tâm không để một học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì đại dịch”.

Chung tay, góp sức với ngành giáo dục Thanh Hóa, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, ủng hộ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. MobiFone Thanh Hóa đã tài trợ 6.500 tài khoản truy cập, phần mềm dạy, học trực tuyến MSCHOOL và 125 suất học bổng với tổng trị giá 1,25 tỷ đồng. VNPT Thanh Hóa ủng hộ các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành trong ngành giáo dục và ưu đãi nâng tốc độ internet cho các trường dạy học online với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng. Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa ủng hộ 50 triệu đồng. Viettell Thanh Hóa tặng học bổng “Vì em hiếu học” năm học 2021-2022 với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, hành động thiết thực, ý nghĩa này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà cho thấy những nỗ lực, sự quan tâm, đồng hành mà các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt kéo gần khoảng cách xã hội, đảm bảo quyền lợi cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được trao cơ hội học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Sau khi chương trình kết thúc, ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công đoàn ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam để điều phối giữa các địa phương trong cả nước, ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; điều phối, hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh giữa các địa phương trong tỉnh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Ông Trần Văn Bình, chủ tịch công đoàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Mặc dù chương trình đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn nhưng nhu cầu về sóng và thiết bị học trực tuyến của các em học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Vì vậy, chương trình cần có sự lan tỏa, kết nối mạnh mẽ hơn nữa để tinh thần, giá trị nhân văn vươn xa hơn tới cộng đồng, xã hội để cùng nhau xây dựng xã hội học tập bình đẳng, linh hoạt thích ứng trong thời đại số”.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]