(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn những vướng mắc, bất cập, cần các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong công tác tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn những vướng mắc, bất cập, cần các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.

Bất cập trong công tác tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Học sinh học tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn.

Ngày 30-8-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3485/QĐ-UBND sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Nga Sơn vào Trường Trung cấp nghề Nga Sơn. Chuyển giao nguyên trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức vào Trường Trung cấp nghề Nga Sơn; bổ sung chức năng, nhiệm vụ giảng dạy hệ GDTX cho nhà trường...

Sau khi sáp nhập, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và vùng lân cận, góp phần giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhà trường đều có giải. Kết quả thi tốt nghiệp THPT nằm tốp 10 toàn tỉnh...

Tương tự, Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn được thành lập theo Quyết định số 3486/QĐ-UBND ngày 30-8-2019 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX Bỉm Sơn vào Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn. Trường Trung cấp nghề Thạch Thành được thành lập theo Quyết định số 3484/QĐ-UBND ngày 30-8-2019 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX Thạch Thành vào Trường Trung cấp nghề Thạch Thành.

Tuy nhiên, ngày 31-7-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX về hướng dẫn tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề; thực hiện công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 561/SGDĐT-QLĐT&GDTX về việc dạy chương trình GDTX cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp) nói chung và nhà trường nói riêng không được phép tuyển sinh đối tượng học hệ GDTX cấp THPT. Các trường cao đẳng, trung cấp phải phối hợp với các trung tâm GDTX cấp tỉnh, cơ sở GDTX cấp huyện hoặc các trường THPT dạy học chương trình GDTX cấp THPT (đối với học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học trình độ trung cấp nhưng có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia).

Điều này đã dẫn đến việc nhà trường gặp lúng túng trong khâu tuyển sinh năm học 2021–2022, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh. Bởi quyết định của UBND thì giao cơ sở vật chất, con người, chức năng và nhiệm vụ liên quan đến giảng dạy hệ GDTX và cấp THPT cho nhà trường. Nhưng, theo văn bản của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT thì trường không được phép giảng dạy... Trong khi cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh năm học 2021-2022 định hướng cho học sinh và phụ huynh khi tham gia học tại trường sẽ được học song song một bằng văn hóa và một bằng nghề theo chương trình 9+. Nếu phải phối hợp với đơn vị thứ 3 để giảng dạy theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì cơ sở vật chất và số cán bộ, giáo viên đã sáp nhập sang sẽ xử lý làm sao? Kinh phí liên kết phối hợp lấy từ nguồn nào? Cách thức thực hiện? Có phải thay đổi cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ mà tỉnh đã giao?!

Tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có 6.864/8.310 học sinh, sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh (trụ sở chính) là học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề trình độ trung cấp vừa học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, bảo đảm người học khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có đủ năng lực tham gia thị trường lao động hoặc có thể tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn.

Nếu các trường cao đẳng, trung cấp không được dạy chương trình GDTX cấp THPT... thì có khoảng trên 200 nhà giáo đang giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh sẽ mất việc làm trong khi đa số là biên chế đang hưởng lương và các khoản phụ cấp theo lương từ ngân sách Nhà nước. Và nếu các trường cao đẳng, trung cấp phải hợp đồng với các trung tâm để giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho các em học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thì các trung tâm GDTX; trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX sẽ không thể bảo đảm được đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất để đào tạo cho hàng nghìn học sinh tại các trường trung cấp, cao đẳng; ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, đồng thời thuận lợi cho các trường trong quá trình đào tạo (quản lý học sinh; ký học bạ...), góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề; nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị cho phép các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trước đây đã được Sở GD&ĐT đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT tiếp tục giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ trung cấp có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đối với các trường trung cấp, cao đẳng chưa được Sở GD&ĐT đồng ý cho phép tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh tại trường thì phối hợp với các trung tâm GDTX để giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT tại Công văn số 561/SGDĐT-QLĐT&GDTX.

Riêng đối với 3 trường trung cấp tỉnh đã sáp nhập, chuyển giao nguyên trạng Trung tâm GDTX vào trường trung cấp nghề của huyện và bổ sung chức năng, nhiệm vụ giảng dạy hệ GDTX thì đề xuất Bộ GD&ĐT, có cơ chế đặc thù để tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp có nguyện vọng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để đảm bảo quyền lợi cho người học và người dạy.

Bài và ảnh: Vân Sơn


Bài và ảnh: Vân Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]