Giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực đầu tư hạ tầng thủy lợi
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực đầu tư hạ tầng thuỷ lợi.
Ảnh minh hoạ.
Cử tri huyện Hoằng Hóa đề nghị UBND tỉnh xem xét cho nâng cấp đê sông Bút từ địa phận Hoằng Đức đến xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa. Theo trả lời, đê sông Bút từ địa phận xã Hoằng Đức đến xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) mà cử tri kiến nghị được xác định là đoạn đê hữu Lạch Trường từ K2+00 - K12+734 (đê cấp III). Hiện nay, trong giai đoạn từ 2024 - 2030, đoạn đê hữu Lạch Trường nêu trên đã và đang được đưa vào danh mục đầu tư nâng cấp từ nhiều chương trình, dự án từ nguồn vốn của Trung ương: Dự án đầu tư công Trung hạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dự án xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê từ đê cấp III trở lên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án duy tu, bảo dưỡng đê điều tỉnh Thanh Hóa từ nguồn chi kinh phí sự nghiệp hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực, chủ động đấu mối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai thực hiện các dự án nêu trên; đồng thời sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện dự án, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Cử tri huyện Nông Cống đề nghị tỉnh có phương án đầu tư xây dựng tuyến đê tả Sông Yên. Theo trả lời: Trong các năm vừa qua, UBND tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ UBND huyện Nông Cống, kết hợp cùng với nguồn vốn của địa phương đã và đang đầu tư 5 đoạn trên tuyến đê tả sông Yên và 1 đoạn đê dự kiến sử dụng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách tỉnh các năm 2021, 2022 để đầu tư. Do nhu cầu kinh phí để thực hiện duy tu, nâng cấp tuyến đê tả sông Yên trên địa bàn huyện Nông Cống là khá lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn khó khăn; do đó, đối với các đoạn đê chưa được nâng cấp, để đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo, đề nghị UBND huyện Nông Cống có phương án phòng chống lụt bão và chuẩn bị các điều kiện về vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”,... kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, đề nghị UBND huyện Nông Cống xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các đoạn đê (bao gồm cả kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phù trợ) chưa đảm bảo phòng chống lũ, lụt, bão theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Cử tri huyện Đông Sơn tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho đầu tư nâng cấp trạm bơm tiêu xã Đông Thịnh. Theo trả lời: Công trình sửa chữa Trạm bơm tiêu Đông Thịnh, xã Đông Thịnh (Đông Sơn) đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa năm 2024 tại Quyết định số 4848/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024, tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, kinh phí bố trí năm 2024 là 3,4 tỷ đồng, để thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đang tổ chức lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật - dự toán công trình, dự kiến sẽ triển khai thi công hoàn thành trong năm 2024.
Cử tri huyện Thọ Xuân đề nghị tỉnh quan tâm lập Dự án nạo vét sông Hoàng phục vụ tiêu thoát lũ cho vùng sân bay Sao Vàng. Theo trả lời, để thực hiện việc tiêu thoát lũ cho vùng sân bay Sao Vàng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thọ Xuân đang triển khai thi công dự án nâng cấp, tu bổ các đoạn xung yếu tuyến đê sông Tiêu Thủy, huyện Thọ Xuân theo Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 19/1/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó có hạng mục nạo vét mở rộng lòng sông để đảm bảo việc tiêu thoát lũ cho vùng sân bay Sao Vàng. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Sông Chu (đơn vị quản lý vận hành và khai thác) thực hiện công tác nạo vét khơi thông dòng chảy thường xuyên trước mùa mưa, lũ để phá bỏ ách tắc trên hệ thống kênh Tiêu Thủy và theo dõi chặt chẽ diễn biến khi vận hành cống Tiêu Thủy và cống Hoàng Kim cho phù hợp để tăng khả năng tiêu thoát giảm thiểu tình trạng ngập úng cho vùng.
Cử tri huyện Yên Định đề nghị tỉnh xây dựng tuyến kênh tiêu thoát nước thải bên phải Khu làng nghề khai thác chế biến đá (năm 2020 tỉnh đã xây dựng tuyến kênh bên trái trục đường chính Khu làng nghề). Theo trả lời: Để xem xét, giải quyết đề nghị của cử tri; giao UBND huyện Yên Định chủ động kiểm tra, xác định sự cần thiết của việc xây dựng tuyến kênh tiêu thoát nước thải bên phải Khu làng nghề khai thác chế biến đá theo nội dung kiến nghị nêu trên. Trường hợp không cần thiết phải xây dựng tuyến kênh, giao UBND huyện có văn bản trả lời cho cử tri được biết; trường hợp cần thiết phải xây dựng tuyến kênh, giao UBND huyện Yên Định chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kính phí để xử lý, đảm bảo tiêu thoát cho khu vực nêu trên và phù hợp với các quy hoạch liên quan; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/6/2024 để xem xét trả lời kiến nghị của cử tri.
Cử tri huyện Thiệu Hóa đề nghị tỉnh đầu tư nạo vét toàn tuyến sông Dừa, đặc biệt là đoạn cuối nguồn (sông Dừa - sông Hoàng). Theo trả lời: Ngày 14/6/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 8355/UBND-NN giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương tập trung triển khai, thực hiện một số giải pháp để đảm bảo tiêu thoát cho tuyến sông Dừa nói riêng và hệ thống sông Hoàng nói chung trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo, cụ thể: Hàng năm, tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, phá rỡ ách tắc trên các trục tiêu; đặc biệt là các điểm ách tắc cục bộ trên dòng chính sông Hoàng, sông Dừa, đảm bảo tiêu thoát trong mùa mưa lũ (yêu cầu thực hiện xong trước 30/6 hàng năm). Về lâu dài, trên cơ sở tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kính phí để nạo vét, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình trên địa bàn quản lý, đảm bảo an toàn công trình, khả năng tiêu úng và phù hợp với quy hoạch được duyệt; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nếu vượt quá khả năng hoặc thẩm quyền của địa phương.
Cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị xem xét sớm thực hiện việc cứng hoá khu vực bờ sông đất bãi, xây dựng bờ kè đoạn sông Mã từ thôn Giang Đông đi thôn Nghĩa Kỳ. Theo trả lời: Ngày 14/12/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 18957/UBND-NN về việc xử lý sạt lở bờ sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc); trong đó giao UBND huyện Vĩnh Lộc lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện khảo sát, tính toán, đánh giá xác định cụ thể nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý sạt lở. Theo đó, HĐND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 22/12/2023 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực để xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông Mã tại thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc). Ngày 1/4/2024, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có Tờ trình số 84/TTr-UBND đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Mã tại thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc); UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4891/UBND-THKH ngày 10/4/2024.
Cử tri huyện Hà Trung đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp mặt đê Sông Hoạt, đê Tam Điệp, đê Hón Bông còn lại chưa được đầu tư, cụ thể: Đê tả Sông Hoạt (Đoạn xã Hà Bắc - xã Hà Giang chiều dài 9,5 km; Đoạn qua xã Hà Vinh chiều dài 1,0 km); Đê hữu Sông Hoạt (Đoạn qua xã Yên Dương chiều dài 1 km; Đoạn qua xã Hà Lai chiều dài 1,5 km); Đê Tam Điệp (Đoạn qua xã Hà Vinh chiều dài 2,5 km. Đê Hón Bông: Đoạn qua xã Hà Sơn chiều dài 1,8 km). Theo trả lời: Về nâng cấp đê tả Sông Hoạt (đoạn qua xã Hà Bắc - xã Hà Giang): Ngày 30/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 2635/QĐ-BNN-TL về phê duyệt dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng Bắc Thanh Hóa, trong đó có hạng mục nâng cấp đê tả sông Hoạt đoạn qua xã Hà Bắc với tổng chiều dài L = 2.014 m (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư). Để đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo, đề nghị UBND huyện Hà Trung có phương án phòng chống lụt bão và chuẩn bị các điều kiện về vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”,... kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài đề nghị UBND huyện Hà Trung xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện của tỉnh để đầu tư tu bổ, nâng cấp các đoạn đê chưa đảm bảo phòng chống lũ, lụt, bão theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Về nâng cấp đê tả Sông Hoạt (đoạn qua xã Hà Vinh): Đê tả sông Hoạt đoạn qua xã Hà Vinh dài 5,7 km từ K26+355 - K32+055, trong đó đã được nâng cấp, cứng hóa mặt đê bằng bê tông từ đầu tuyến đến cống Đình (K31+063), còn lại đoạn từ cống Đình đến cuối tuyến mặt đê hiện tại thấp, nhỏ, cao trình chưa đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế. Hiện nay, đoạn từ K30+260 - K30+980 đang trong quá trình tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện mặt cắt đê (theo nội dung tại Nghị quyết số 193/NQ-HĐND ngày 23/12/2022 của HĐND huyện Hà Trung về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp đê tả sông Hoạt đoạn xã Hà Vinh, huyện Hà Trung); còn lại đoạn từ K31+055 - K32+055 đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo (tại Nghị quyết số 259/NQ-HĐND ngày 21/12/2023 của HĐND huyện Hà Trung).
Về nâng cấp đê hữu Sông Hoạt (đoạn qua xã Yên Dương dài 1km, qua xã Hà Lai chiều dài 1,5 km): Đây là tuyến đê do địa phương quản lý, để đảm bảo công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa, lũ và thuận tiện giao thông đi lại của người dân trong khu vực, việc đầu tư tu sửa nâng cấp tuyến đê hữu sông Hoạt đoạn qua xã Yên Dương là cần thiết. Đề nghị UBND huyện Hà Trung xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho công trình đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão năm 2024 và các năm tiếp theo; về lâu dài, đề nghị UBND huyện Hà Trung xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh để tu bổ, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Về nâng cấp đê Tam Điệp (đoạn qua xã Hà Vinh): Hiện trạng đoạn đê Tam Điệp đoạn qua xã Hà Vinh dài 5,5km từ K7+300 - K12+800; năm 2023 đã được nâng cấp 2,6 km, còn lại 2,9 km mặt cắt đê thấp nhỏ, nhiều vị trí có “ổ gà” gây khó khăn cho giao thông đi lại và công tác ứng cứu hộ đê. Ngày 24/3/2022, HĐND huyện Hà Trung đã có Nghị quyết số 104/NQHĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đê sông Tam Điệp, đoạn xã Hà Vinh (Hà Trung), theo đó nâng cấp, mở rộng mặt đê sông Tam Điệp đoạn xã Hà Vinh (Hà Trung) với chiều dài 2.592 m đảm bảo cao trình chống lũ tần suất P = 5% (UBND huyện Hà Trung làm chủ đầu tư). Hiện nay, đang triển khai thực hiện dự án, dự kiến khởi công trong năm 2024.
Về nâng cấp đê Hón Bông (Đoạn qua xã Hà Sơn chiều dài 1,8 km): Hiện trạng tuyến đê Hón Bông đi qua xã Hà Sơn dài 3 km bắt đầu từ giáp cống Bông đến cuối đê giáp đường Long Sơn xã Hà Long, cao trình đỉnh đê toàn tuyến (+8.50) m đã đủ cao trình chống lũ thiết kế, trong đó có 1,2 km mặt đê đã gia cố bằng bê tông còn lại 1,8 km mặt đê được gia cố bằng cấp phối đá dăm. Đây là tuyến đê do địa phương quản lý, để đảm bảo công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa, lũ và thuận tiện giao thông đi lại của người dân trong khu vực, việc đầu tư tu sửa nâng cấp tuyến đê Hón Bông (đoạn qua xã Hà Sơn, xã Hà Lĩnh) là cần thiết. Đề nghị UBND huyện Hà Trung xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho công trình đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2024; về lâu dài, đề nghị huyện Hà Trung xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh để đầu tư tu bổ, nâng cấp đoạn đê trên, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng kè bờ sông Bưởi thuộc thôn Định Thành và khu Gò vừng thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực. Theo trả lời: Khu vực bờ sông Bưởi nằm ở thôn Định Thành và khu Gò Vừng thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực (Thạch Thành) xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, các điểm sạt lở nằm dọc bờ sông có chiều dài khoảng 1,0 km. Đây là khu vực không có đê, hiện trạng bờ sông khu vực sạt lở nêu trên không có dân cư sinh sống, phần đất sạt chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Trước mắt, đề nghị UBND huyện Thạch Thành triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn như lập rào chắn, cắm biển báo cảnh báo để người dân được biết và không đến gần khu vực sạt lở. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Thạch Thành nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến kè khi có điều kiện về nguồn vốn.
Quốc Hương (Tổng hợp)
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:06:00
Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
-
2024-11-21 08:23:00
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thống nhất cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam
-
2024-06-08 16:47:00
Tập trung giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá tham gia thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng
Giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Thiệu Hoá
Giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng
Tập trung giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị
Giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng
Giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị về lĩnh vực khoáng sản và môi trường
ĐBQH Mai Văn Hải tham gia chất vấn về lĩnh vực kiểm toán
MTTQ huyện Hậu Lộc với công tác tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri