(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng chậm giải ngân vốn các dự án đã và đang ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn “chạy nước rút” cần quyết tâm, nỗ lực rất lớn và những giải pháp khả thi, hiệu quả.

Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”

Tình trạng chậm giải ngân vốn các dự án đã và đang ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn “chạy nước rút” cần quyết tâm, nỗ lực rất lớn và những giải pháp khả thi, hiệu quả.

Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”Mô hình hỗ trợ trồng bưởi da xanh cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Ái Thượng (Bá Thước). Ảnh: P.V

Tháo dần “nút thắt”

Dự án 5 về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, được xem là một trong những dự án “đi sau vượt trước” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình). Theo rà soát, tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới/sửa chữa nhà ở là 6.045 hộ; tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022-2025 là 263,080 tỷ đồng. Năm 2023, Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa 182,140 tỷ đồng và tỉnh đã phân bổ 100% vốn cho 6 huyện nghèo. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2023, các huyện mới giải ngân được 2,928 tỷ đồng, đạt 1,61%. Việc chậm giải ngân nguồn vốn này được cho là ban đầu các huyện rà soát, phê duyệt danh sách chưa đúng đối tượng nên phải rà soát, phê duyệt lại đối tượng, cho nên đến tháng 6/2023 UBND tỉnh mới phê duyệt đề án. Bên cạnh đó, việc Sở Xây dựng chậm trễ trong việc tổ chức lấy ý kiến, đề xuất các mẫu thiết kế nhà ở để tham khảo, lựa chọn cũng khiến cho dự án thiếu cơ sở để giải ngân...

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đã gấp rút ban hành mẫu thiết kế nhà ở cho hộ nghèo, theo tiêu chí 3 cứng (mái cứng, khung cứng và nền cứng) và diện tích tối thiểu 30m2. Đồng thời, phối hợp thường xuyên với các địa phương để hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền... Với các giải pháp đồng bộ, tính đến ngày 12/11/2023, đã hỗ trợ cho 3.385 hộ (xây mới 1.643 hộ, sửa chữa 1.742 hộ), với số tiền đã giải ngân theo tiến độ được 81,708 tỷ đồng, đạt 44,86% kế hoạch (Thường Xuân 16,880 tỷ đồng; Lang Chánh 3,380 tỷ đồng; Bá Thước 27,316 tỷ đồng; Quan Hóa 6,942 tỷ đồng; Quan Sơn 19,660 tỷ đồng; Mường Lát 7,530 tỷ đồng).

Với phương châm “rõ trách nhiệm - việc thông suốt”, sau khi nắm bắt khó khăn của cơ sở, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) - cơ quan Thường trực Chương trình, đã phối hợp nghiên cứu, ban hành hướng dẫn liên ngành, mẫu hóa hồ sơ, báo cáo thực hiện những nội dung còn vướng mắc. Sau khi được hướng dẫn chi tiết và có hồ sơ mẫu cụ thể, cán bộ cơ sở đã hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục thực hiện từ khâu rà soát, bình xét, lập danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách; đến việc tính toán bảo đảm việc hỗ trợ công bằng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của hộ gia đình; mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ...

Thời gian qua, nhờ việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm tại địa phương..., tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã giảm từ 7,34% năm 2021 xuống còn 5,75% năm 2023. Mức sống của người dân từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng vùng khó khăn được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện, cho biết: Để triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao, huyện Cẩm Thủy đã giao cán bộ phụ trách dự án nghiên cứu văn bản để nắm bắt các quy định, nhằm triển khai sát, đúng. Về thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình, huyện được phân bổ 8,168 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Ước đến hết tháng 11/2023, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt trên 70%. Hiện nay, các dự án, tiểu dự án đã và đang được triển khai và dự kiến đến hết tháng 12/2023 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng LĐTB&XH huyện Bá Thước đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương. Trong đó xác định rõ mục tiêu cụ thể và các giải pháp tác động theo từng nhóm nguyên nhân nghèo, về các chiều thiếu hụt để có giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước được thực hiện đúng quy định, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm (năm 2022 giảm 3.756 hộ, đạt 29,49%; ước thực hiện năm 2023 giảm 3.588 hộ, đạt 28,18%). Đặc biệt, Bá Thước cũng là một trong những địa phương triển khai tương đối hiệu quả các dự án thuộc Chương trình, như dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo...

Tổng nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình trên địa bàn là 220,041 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 120,519 tỷ đồng để thực hiện 13 công trình (gồm 3 công trình chuyển tiếp các năm trước sang năm 2022 và 5 công trình khởi công mới giai đoạn 2021-2025; 5 công trình hỗ trợ huyện nghèo thoát nghèo). Đến nay, đã giải ngân đạt 86,802 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch. Đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao là 99,522 tỷ đồng (năm 2021 là 1,371 tỷ đồng, đã thực hiện xong; năm 2022 là 8,086 tỷ đồng, để thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần, trong đó có một số dự án, tiểu dự án tỷ lệ giải ngân cao từ 60% đến 100%; năm 2023 là 84,457 tỷ đồng, để thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần, với tỷ lệ giải ngân khá cao (chẳng hạn: Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững, đã giải ngân được 601,5/658 triệu đồng, đạt 91,4%. Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có tổng vốn phân bổ 65 tỷ đồng, năm 2023 đã phê duyệt danh sách làm nhà, sửa nhà cho 1.690 hộ, với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng, đạt 81,6%...).

Đẩy nhanh tiến độ

Những tháng cuối năm là giai đoạn “chạy nước rút” trong giải ngân vốn đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Theo đó, khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, diễn ra vào ngày 10/10/2023, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra yêu cầu cho thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai Chương trình. Đó là: Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG các cấp. Đồng thời, tăng cường quản lý, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Phát huy vai trò chủ động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư ở thôn, bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”Mô hình trồng cây gai xanh tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo. Nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các chương trình MTQG, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình, làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của Chương trình đến môi trường sinh sống của cộng đồng.

Trên cơ sở đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình, trước hết công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình phải được chú trọng. Đó là việc phân công, phân cấp trách nhiệm của các cấp và cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình MTQG do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và 4 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Ngoài ra, Sở LĐTB&XH và các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng (các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần), cần nâng cao trách nhiệm, tích cực đấu mối với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành có liên quan để tranh thủ những giải pháp, nhằm chủ động hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy tham mưu, giúp việc; thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vướng mắc, khó khăn đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Khẳng định, cơ chế, chính sách đã cơ bản không còn vướng, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, vậy vấn đề của công tác giải ngân vốn đầu tư Chương trình lúc này là từ phía người thực thi, mà cụ thể ở đây là vai trò của các huyện, các chủ đầu tư được giao vốn trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Theo đó, UBND cấp huyện cần tăng cường tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện cần quan tâm, chỉ đạo những việc khó, nhất là chỉ đạo của phòng chuyên môn (phòng tài chính) trong việc sát sao đồng hành, hướng dẫn để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững các cấp, đảm bảo đủ năng lực để tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Xác định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp thuộc Chương trình những tháng cuối năm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và do đó hơn lúc nào hết, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tập trung cao độ và ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, chú trọng các dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân liên quan trực tiếp đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo như Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo); Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng); Dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững); Dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo), hạn chế tối đa việc hủy dự toán đã được giao...

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư để triển khai các dự án, cũng là góp phần đạt được các mục tiêu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó của Chương trình.

Lê Dung - Trần Hằng

Tin liên quan:
  • Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”
    Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài ...

    Xây dựng các cơ chế, chính sách sát đúng với thực tiễn là điều kiện cần, trong khi triển khai thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả là điều kiện đủ để đưa chính sách vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đang cho thấy sự “lệch pha” giữa chính sách và thực thi chính sách, dẫn đến tiến độ triển khai có độ trễ.

  • Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”
    Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài ...

    Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách trong đời sống, đặc biệt là của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trái với mong đợi, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đã và đang khiến cho tiến độ giải ngân các dự án diễn ra khá chậm.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]