(Baothanhhoa.vn) - Là những di sản có “giá trị đặc biệt, quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, do vậy, những bảo vật quốc gia (BVQG) ở Lam Kinh truyền tải bức thông điệp văn hóa vô cùng sống động và tinh tế...

Những bảo vật quốc gia ở Lam Kinh

Là những di sản có “giá trị đặc biệt, quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, do vậy, những bảo vật quốc gia (BVQG) ở Lam Kinh truyền tải bức thông điệp văn hóa vô cùng sống động và tinh tế...

Những bảo vật quốc gia ở Lam KinhKhu Di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Phạm Nam

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đang lưu giữ 5 Bảo vật quốc gia (BVQG), gồm bia Vĩnh Lăng (bia Vua Lê Thái tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Vua Lê Thánh tông), bia Dụ Lăng (bia Vua Lê Hiến tông), bia Kính Lăng (bia Vua Lê Dụ tông). Mỗi một bảo vật này không chỉ là một công trình nghệ thuật giàu giá trị; mà nó còn có thể ví nó như một “lát cắt” lịch sử được phản ánh qua thân thế, sự nghiệp của nhân vật được khắc trên bia. Hay nói cách khác, mỗi bảo vật ở đây phải thỏa mãn các tiêu chí khắt khe đặt ra đối với BVQG, đó là tính độc bản, khác biệt, độc đáo và khả năng lưu giữ nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử hay truyền thống dân tộc được hình thành từ chiều sâu quá khứ và sẽ còn được lưu lại cho mai sau.

Tiêu biểu bậc nhất cho các BVQG ở Lam Kinh phải kể đến bia Vĩnh Lăng. Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm Quý Sửu 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6), nằm chếch phía Tây Nam, cách lăng mộ Vua Lê Thái tổ chừng 300m. Nhà bia Vĩnh Lăng nổi bật với kiến trúc bằng gỗ lim, vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột bằng cả sải tay người ôm. Nhà bia này là công trình được phục dựng trên nền móng và chân tảng cũ từ những năm 60 của thế kỷ trước, để bảo vệ bia Vĩnh Lăng. Bia được làm bằng đá trầm tích nguyên khối hình chữ nhật được đặt trên lưng rùa, đầu bia khắc “Lưỡng long chầu nguyệt”, chân bia lại khắc những vân sóng nước tựa hình người đang ngồi niệm Phật.

Điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất của bia là hoa văn hình rồng 5 móng chạm nổi ở chính giữa tượng trưng cho nhà vua hay quyền uy vương giả; thân rồng uốn lượn theo chiều kim đồng hồ, mặt hướng thẳng về phía trước. Hai bên diềm bia trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề khắc hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại, đầu hướng lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc... Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán. Đây được xem là bản tổng kết thu nhỏ, nguyên bản về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi – vị cao tổ khởi nghiệp vương triều Hậu Lê. Văn bia do Vinh Lộc đại phu Nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi vâng soạn. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá cao văn bia bởi lối văn biền ngẫu đầy khí thế, ngòi bút tung hoành say sưa đã khắc họa nên chân dung vị hoàng đế anh minh, cơ trí, mạnh mẽ và quyết đoán. Với các giá trị đặc biệt, riêng có và độc đáo, bia Vĩnh Lăng được xem là “một điển hình trọn vẹn nhất”, một pho tư liệu quý lưu giữ nguyên vẹn đặc trưng nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê sơ đã đạt đến trình độ cao của sự tinh tế, tỉ mỉ, vừa mềm mại vừa chắc khỏe.

Cùng với bia Vĩnh Lăng, Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi (bia lăng Vua Lê Thánh tông) cũng là một BVQG độc đáo và giàu giá trị. Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời Vua Lê Hiến tông. Bia cao 2,76m, rộng 1,9m, dày 0,28m được đặt trên lưng rùa. Cả bia và rùa được làm bằng hai tấm đá nguyên khối, màu xanh đen, nhẵn mịn. Bia hình chữ nhật, trán bia hình vòng cung, mặt trước trán bia khắc nổi ba hình rồng, chính giữa là một hình rồng lớn, cuộn tròn, mặt hướng ra ngoài, hai bên khắc hai rồng thân hình mập, uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa. Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau, nối từ đỉnh bia xuống đế bia tạo thành hình chữ nhật ôm trọn toàn bộ văn bia chữ Hán. Giữa hai đường chỉ nổi mỗi bên trang trí 6 hình rồng thân uốn cong nhiều đoạn (rồng yên ngựa), miệng há to phun ra các đao lửa đang trong tư thế vờn lên. Phần diềm phía dưới bia trang trí tương xứng 6 hình rồng, mỗi bên 3 con nối nhau chầu vào, đầu chạm hình những đao lửa, đuôi uốn lượn tạo hình tam sơn. Hai bên hông bia, mỗi bên khắc một rồng lớn, đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, đuôi giống đuôi cá chuối, tư thế vút cao, dưới đuôi rồng trang trí hoa văn hình tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây... Cùng với hoa văn được chạm trổ tinh tế là hơn 3.000 chữ Hán được khắc công phu, ghi lại thân thế, sự nghiệp, công lao của Vua Lê Thánh tông.

Các tấm bia ký ở Lam Kinh là một minh chứng về sự tài hoa, khéo léo và kỳ công trong quá trình tạo tác của người thợ. Để rồi, dẫu bị “mài” qua lớp nước thời gian hàng trăm năm, khiến vẻ ngoài của nó ít nhiều bị bào mòn; song những gì còn lưu giữ lại cho đến ngày nay, vẫn đủ khiến hậu thế phải nghiêng mình thán phục. Tưởng chừng như trầm tích đá cũng chính là trầm tích của tinh thần sáng tạo, của bề dày lịch sử và văn hóa. Nói cách khác, chỉ có tinh thần lao động không ngơi nghỉ và sức sáng tạo của tiền nhân, mới tạo tác nên những kỳ công nghệ thuật cho muôn đời. Các BVQG này là sự hòa quện độc đáo và tinh tế các yếu tố hình dáng, kích thước, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác, đánh dấu bước phát triển lên tầm cao mới của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Đại Việt thời Lê sơ. Đồng thời, mỗi bảo vật có giá trị đặc biệt liên quan đến sự nghiệp của các vị vua và hoàng hậu Nhà Lê. Mỗi bảo vật đang gìn giữ, truyền tải một thông điệp văn hóa - lịch sử giàu giá trị.

Được vinh danh BVQG là điều đáng trân trọng và tự hào, song cũng đặt ra trách nhiệm cho các ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc bảo vệ, bảo tồn, nhằm tránh hư hỏng, mất mát. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Các BVQG mang giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật điêu khắc, thể hiện sự kết tinh văn hóa cung đình thời Hậu Lê. Do vậy, cần quan tâm gìn giữ, bảo vệ và tuyên truyền, góp phần lan tỏa giá trị to lớn của các bảo vật quý giá đã được công nhận tại Lam Kinh. Hiện các bảo vật đã được lắp lan can xung quanh để bảo vệ bia; đồng thời, Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh cũng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở khách tham quan không chạm lên bia và rùa. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến bảo vật, góp phần gìn giữ vẻ đẹp và giá trị trường tồn của di sản cho muôn đời.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]