(Baothanhhoa.vn) - Quảng Thái - mảnh đất nằm ở phía Đông Nam huyện Quảng Xương được thiên nhiên ưu đãi ban tặng 4,8km đường bờ biển trải dài trên địa bàn 10 thôn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, của huyện cùng nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, du lịch biển Quảng Thái dần hình thành, khởi sắc, hòa mình vào bức tranh đa sắc, đa thanh của du lịch biển xứ Thanh.

Hoang sơ biển Quảng Thái

Quảng Thái - mảnh đất nằm ở phía Đông Nam huyện Quảng Xương được thiên nhiên ưu đãi ban tặng 4,8km đường bờ biển trải dài trên địa bàn 10 thôn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, của huyện cùng nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, du lịch biển Quảng Thái dần hình thành, khởi sắc, hòa mình vào bức tranh đa sắc, đa thanh của du lịch biển xứ Thanh.

Hoang sơ biển Quảng Thái

Bình yên biển Quảng Thái.

Đi dọc bờ biển Quảng Thái, mở căng lồng ngực đón gió lồng lộng thổi, tinh nghịch nô đùa với những hàng phi lao xanh mướt mát mới cảm nhận hết được vẻ đẹp, sức hấp dẫn, lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch của vùng biển nơi đây. Biển Quảng Thái mang vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi, vừa có nét phóng khoáng như những cô gái Bô-hê-miêng nhưng vẫn không kém phần duyên dáng, mềm mại, trữ tình. Biển Quảng Thái có bãi cát trải dài, trắng mịn, cảnh sắc thiên nhiên chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Hòa vào cảnh sắc thiên nhiên, bao đời nay, Quảng Thái có nghề biển, người dân chủ yếu đi bè mảng, đi về trong ngày nên luôn có hải sản tươi ngon, giá cả hợp lý cho du khách lựa chọn. Hình ảnh những chiếc bè mảng rẽ sóng đi về từ phía biển không chỉ là nét chấm phá đặc sắc, sinh động cho bức tranh du lịch biển mà còn tạo nên sự thích thú, hấp dẫn khách du lịch. Đến với biển Quảng Thái, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa bản địa, phương thức lao động sản xuất, thưởng thức nhiều món ăn ngon hay mua về làm quà cho bạn bè, người thân để hiểu, biết yêu thêm đất và người nơi đây.

Di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng trên vùng đất biển này cũng rất phong phú, độc đáo. Ví như ngôi đền Đồn Điền, tài liệu chính sử và sử liệu địa phương đều khẳng định: Làng Đồn Điền được thành lập vào năm Hồng Đức thứ 4, triều vua Lê Thánh tông (1473). Chính sách đồn điền được thực hiện rộng rãi, năm 1462, lang trung Hoàng Thanh dâng sớ xin lập đồn điền ở những vùng đất hoang. Nhiều sở đồn điền được thành lập do việc tổ chức binh lính, mộ dân lưu vong, khai khẩn những vùng đất chưa được khai phá. Trong đó, đền Đồn Điền là nơi thờ tự Thành hoàng làng Đồn Điền – Phó sứ Uông Ngọc Châu và phối thờ một số vị thần khác. Hiện chưa xác định được tư liệu về thời điểm xây dựng đền Đồn Điền, chỉ biết được rằng: Đền làng Đồn Điền được xây dựng trên một mặt bằng khá rộng, với kiến trúc bao gồm một dãy nhà tiền đường 5 gian, thiết kế theo kiểu chồng giường kẻ bẩy và một hậu cung (chính tẩm) nối với dãy nhà tiền đường tạo thành kiến trúc hình chữ Đinh. Cũng như nhiều di tích trên dải đất hình chữ S này, trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, đền Đồn Điền từng bị phá dỡ hoàn toàn, vật liệu của đền được đưa về để xây dựng trường học, trạm xá. Nhằm tỏ lòng tri ân sâu sắc công lao người xưa, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng, các thế hệ cháu con của làng đã chung tay góp sức trùng tu, tôn tạo lại để đền có được diện mạo đẹp, khang trang như ngày hôm nay. Hằng năm, vào các ngày mồng một, hai, ba - tháng hai âm lịch, nơi đây lại diễn ra lễ tế thần thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo được các thế hệ cháu con bảo tồn, phát huy, góp phần cố kết cộng đồng, tạo nguồn động lực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Ngoài đền Đồn Điền, trên địa bàn xã có di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Ông và ngôi chùa Diên Phúc tọa lạc. Đây là những điểm kết nối, tăng thêm trải nghiệm cho du khách trên hành trình về với biển Quảng Thái.

Quảng Thái có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, tuy nhiên, trước đây, người dân chưa có khái niệm làm du lịch. 5 năm trở lại đây, cùng với sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch xứ Thanh nói chung, du lịch biển nói riêng, biển Quảng Thái dần được quan tâm, đầu tư khai thác, phát triển du lịch với nhiều tín hiệu khởi sắc.

Quảng Thái hôm nay đầy hào hứng, tự tin, hy vọng giới thiệu mình trên bản đồ du lịch biển huyện Quảng Xương nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh những khách sạn, nhà hàng, quán ăn của các hộ kinh doanh mở ra phục vụ du khách dọc bãi biển, Quảng Thái đã có homestay được đầu tư, xây dựng quy mô, bài bản, không gian mở ra phía biển, hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành. Chị Lưu Thị Hạnh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng một vài người bạn về nghỉ dưỡng cuối tuần tại vùng biển Quảng Thái cho biết: “Tuy xa quê đã lâu nhưng mình vẫn luôn thích trở về quê, thăm thú nơi này nơi kia. Quê mình ở Sầm Sơn, vốn có truyền thống khai thác du lịch biển từ rất lâu. Nhưng biển Quảng Thái lại gợi lên cho mình nhiều điều thích thú, hào hứng, mới mẻ. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp, mộc mạc, gần gũi. Điều khiến mình thích thú nhất ở vùng biển này là du khách vừa được đi du lịch mà vẫn có được sự thanh bình, riêng tư".

Với phong cách thiết kế độc đáo, đặc trưng là nhà gỗ, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, điểm nhấn là các phòng nghỉ theo mô hình bungalow, chất lượng dịch vụ tốt, Quang Thai Homestay and Restaurant (Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quảng Thái) là lựa chọn lý tưởng cho những dịp giao lưu, gặp gỡ với đối tác, tổ chức sự kiện hoặc đơn giản tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi, thư giãn, vui vẻ, thoải mái bên gia đình, người thân, bè bạn sau biết bao bộn bề, lo toan cuộc sống. Anh Uông Mạnh Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quảng Thái chia sẻ: “Làm du lịch không đơn thuần là tạo ra một điểm đến, phục vụ các nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí. Quang Thai Homestay and Restaurant mong muốn có thể khai thác, biến các đặc trưng văn hóa bản địa thành sản phẩm du lịch, thổi hồn vào du lịch để du khách đắm say, gợi thương, gợi nhớ về mảnh đất và con người nơi đây”. Từ khi có chủ trương mở cửa du lịch đến nay, trung bình mỗi tuần, Quang Thai Homestay and Restaurant đón khoảng 300 lượt khách; vào các ngày cuối tuần, du khách đặt kín phòng.

Đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Quảng Xương đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của huyện Quảng Xương sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan (khu vực sông, biển) gắn với du lịch cộng đồng (tại các xã Quảng Thái, Quảng Lưu, Tiên Trang); phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2026-2030, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh du lịch biển (tại khu, điểm du lịch biển Tiên Trang, Quảng Nham, Quảng Hải, Quảng Lưu), sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm đa dạng, đẳng cấp. Đây là cơ hội, điểm tựa, động lực, định hướng để du lịch Quảng Thái bứt phá trong thời gian tới.

Ông Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái nhận định: “Biển Quảng Thái giống như một viên ngọc thô chưa được mài giũa, tuy hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn chưa có đủ tiềm lực để bứt phá, phát triển. Trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, huyện, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Thái, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, du lịch biển Quảng Thái sẽ phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế”.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]