(Baothanhhoa.vn) - Là vùng đất có bề dày lịch sử, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo, những năm qua huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch tâm linh gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần mang lại những sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hoằng Hóa quan tâm kết nối du lịch với phát huy giá trị di tích

Là vùng đất có bề dày lịch sử, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo, những năm qua huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch tâm linh gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần mang lại những sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hoằng Hóa quan tâm kết nối du lịch với phát huy giá trị di tích

Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan.

Từ xưa đến nay, xã Hoằng Lộc nổi tiếng là một vùng quê văn hiến, một vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi đã sinh ra nhiều bậc nhân tài, trí thức. Bởi vậy, có dịp đến đây du khách không chỉ được tìm hiểu vùng đất hiếu học bậc nhất của xứ Thanh, mà còn được tham quan hệ thống di tích gắn liền với những câu chuyện lịch sử. Ví như, khi đến nhà thờ cụ Nguyễn Quỳnh, du khách sẽ được tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của một danh nhân văn hóa, người có nhiều đóng góp trong kho tàng văn hóa dân tộc ở thế kỷ XVIII; hay đến Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Bảng Môn Đình, du khách sẽ được nghe câu chuyện kể về nét đẹp trong công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương; hay du khách sẽ được tìm hiểu về giai đoạn lịch sử của đất nước thời Lê Trung hưng ở đền thờ và lăng mộ tướng công Bùi Khắc Nhất... Sự đa dạng, phong phú về tài nguyên văn hóa vật thể cũng chính là nguồn lực quan trọng để những năm qua xã xây dựng và hình thành nên những sản phẩm du lịch tâm linh. Để loại hình du lịch này ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, xã đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức của họ trong việc xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa. Cùng với đó là quan tâm tổ chức các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong Nhân dân để có thêm những trải nghiệm mới cho du khách. Đồng thời, bố trí nguồn nhân lực am hiểu về di sản văn hóa để giới thiệu, thuyết trình cho du khách đến tham quan. Do đó, lượng khách du lịch tìm đến tham quan, trải nghiệm trên địa bàn xã ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Hoằng Trường từ lâu cũng được biết đến với những di tích lịch sử - văn hóa cách mạng, hay những địa danh đã đi vào lịch sử. Nổi bật nhất phải kể đến Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, ngắm nhìn khung cảnh yên ả, trong xanh của biển, đồng thời cũng được khám phá thêm những công trình mang dấu ấn lịch sử, tín ngưỡng tâm linh nằm trong công viên như: phủ Mẫu, đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành, chùa Bụt... Nằm trong tuyến du lịch của xã, tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường - nơi ghi dấu chiến công của các lão dân quân đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, cũng là địa điểm mà du khách không thể bỏ qua. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về một thời hào hùng trong đấu tranh cách mạng của quân và dân Hoằng Hóa... Với bề dày về lịch sử hình thành và phát triển, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì ở xã còn có nét văn hóa đặc trưng mang đậm dấu ấn của cư dân vùng biển, được thể hiện qua các loại hình văn hóa dân gian được lưu truyền từ bao thế hệ, gắn với đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân... Phát huy những tiềm năng đó, xã đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo thống kê, hiện nay huyện Hoằng Hóa có 94 di tích, trong đó có 78 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia. Việc phát triển du lịch về nguồn, du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử - văn hóa đã được xác định rõ trong Chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Bởi vậy, huyện đã xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa trong và ngoài huyện như: từ cầu tàu du lịch Hải Tiến đi cầu Tào Xuyên, đi qua và kết nối các điểm tham quan chính trên tuyến bao gồm cảng Lạch Trường - núi Linh Trường - phủ Máng - làng nghề mộc Đạt Tài - chùa Trù Ninh (Hoằng Đạt) - đình Bái Xuyên (Hoằng Xuyên) - chùa Cát Lâm (Hoằng Cát); từ bến tàu du lịch tại cảng cá Hoằng Phụ đi sông Cung - sông Lạch Trường - biển Hải Tiến đi qua và kết nối các điểm du lịch chính trên tuyến bao gồm: cảng cá - làng nghề truyền thống nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Phụ) - chùa Trào Âm (Hoằng Lưu) - đền Lê Trung Giang (Hoằng Ngọc) - phủ Máng (Hoằng Yến) - Khu Du lịch Hải Tiến; từ Hải Tiến đi các di tích quốc gia xã Hoằng Lộc, kết nối các điểm tham quan gồm Di tích Bảng Môn Đình; nhà thờ Nguyễn Quỳnh; Di tích Bùi Khắc Nhất...

Cùng với đó là tạo ra các sản phẩm bổ trợ để du khách trải nghiệm đời sống văn hóa, sản xuất, sinh hoạt văn hóa thông qua việc khôi phục và tổ chức trình diễn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, như hát trống quân, chèo, tuồng... các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian... phục vụ phát triển du lịch và các nghề truyền thống; trưng bày và bán quà lưu niệm là các đặc sản dân dã địa phương.

Thông qua các hoạt động đó đã đem lại những kết quả tích cực vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lại vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Thiên, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: Di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành “tiền đề” quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển sẽ tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng. Bởi vậy, để đưa di sản văn hóa vật thể thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, trong những năm qua, huyện đã quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa để đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các địa phương tạo liên kết hình thành các tuyến điểm du lịch, mang đến những sản phẩm du lịch mới... Từ đó, lượng khách du lịch tìm về tham quan, trải nghiệm ở địa phương ngày càng tăng.

Dù hiệu quả mang lại đã nhìn thấy rõ, song huyện cũng xác định không nên chủ trương phát triển du lịch bằng bất cứ giá nào, để thu được nguồn lợi kinh tế mà không tính đến mặt trái của du lịch. Vì vậy, thời gian tới huyện tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; đảm bảo việc phát triển các dự án du lịch không làm mất đi các giá trị văn hóa và phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường... Trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị di tích thì du lịch mới phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]