(Baothanhhoa.vn) - Với tiềm năng lớn phục vụ khai thác và phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển

Với tiềm năng lớn phục vụ khai thác và phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Biến tiềm năng thành lợi thế phát triểnKhách tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Yên Định.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm vừa quen thuộc, vừa mới lạ, độc đáo. Khi lựa chọn loại hình du lịch này, du khách sẽ có các trải nghiệm thú vị, chẳng hạn như thử làm nông dân, tự tay làm đồ thủ công mỹ nghệ, tham quan các làng nghề truyền thống, mua sắm đồ lưu niệm, đồ đặc sản vùng miền... hay đơn giản là check-in các cảnh đẹp làng quê như cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen, nhà cổ, cổng làng, ngõ nhỏ... Đó là những trải nghiệm vừa quen thuộc, bởi nông thôn vốn dĩ là “cái nôi” sản sinh và nuôi dưỡng cội nguồn văn hóa dân tộc; là gốc rễ vun đắp nên những truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Và cũng vừa mới lạ là khi xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của điểm đến - chẳng hạn như vẻ đẹp làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp và đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của con người ngày càng đủ đầy, phong phú - các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là những người làm du lịch, cộng đồng dân cư bản địa xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Thực tế cho thấy, dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số địa phương trong tỉnh đã bước đầu đưa vào khai thác phục vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan. Chẳng hạn như, dựa trên hệ sinh thái và văn hóa truyền thống được bảo tồn tương đối đa dạng và hiệu quả, một số huyện miền núi cao như Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (nghỉ dưỡng gắn với khám phá, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu đa dạng sinh học...) và du lịch cộng đồng. Điển hình phải kể đến như Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên... Các loại hình du lịch này ngày càng được đánh giá cao và đang góp phần cải thiện yếu tố mùa vụ cho du lịch Thanh Hóa (vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch nghỉ dưỡng biển); đồng thời, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 116 làng nghề đã được công nhận; có 346 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 - 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao; 16 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống. Đây là cơ sở khai thác thêm dòng sản phẩm du lịch nghề, có khả năng bổ trợ cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một hướng đi rất cần được đẩy mạnh. Bởi du lịch không chỉ là một kênh quảng bá rất tiềm năng, mà còn là một kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 10 mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch. Trong đó, một số mô hình được đưa vào khai thác bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách và mang lại hiệu quả như nông trại nông nghiệp Queen farm, nông trại sinh thái Linh kỳ mộc, nông trại T-Farm, nông trại Golden Cow, nông trại Ánh Dương...

Đặc biệt, kết quả bước đầu từ quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo dựng nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn xứ Thanh. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ; kinh tế, xã hội và môi trường phát triển ngày càng hài hòa; môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; an ninh chính trị được giữ vững... Tính đến giữa tháng 6-2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây cũng chính là tiền đề, là lợi thế lớn để tỉnh ta khai thác phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 14-4-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thanh Hóa”; trong đó xác định: Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù...

Để hoàn thành các mục tiêu trên, nhằm đi đến cái đích cuối cùng là tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang lại giá trị kinh tế cao, trước hết tỉnh và các địa phương cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho việc tổ chức không gian các khu, điểm du lịch; đồng bộ kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, chú trọng công tác tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến. Đồng thời, quan tâm đào tạo nhân lực; xúc tiến quảng bá; kết nối tour, tuyến du lịch với các điểm đến trong tỉnh.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng vùng, miền và theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Song song với khai thác, tỉnh cũng cần có các chính sách để bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích lịch sử; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản truyền thống... để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế. Từ đó, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn để níu chân du khách.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]