(Baothanhhoa.vn) - Đó là chủ đề chính của Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, vừa được tổ chức sáng 15-3. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định: Du lịch không thể phát triển một mình; không thể phát triển nếu hạ tầng và văn hóa không phát triển; không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh và bền vững.

“Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”

Đó là chủ đề chính của Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, vừa được tổ chức sáng 15-3. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định: Du lịch không thể phát triển một mình; không thể phát triển nếu hạ tầng và văn hóa không phát triển; không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh và bền vững.

“Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng - một điểm dừng chân thú vị của du khách trên hành trình “Ngược xuôi sông Mã”.

Sau khi mở cửa trở lại (khoảng tháng 3-2022) sau thời gian dài bị “đóng băng” do dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành quả nhất định, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa làm nền tảng cho du lịch tìm lại đà tăng trưởng. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, thì tròn 1 năm tính từ thời điểm mở cửa trở lại, chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế; đồng thời có 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, nhờ đó du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Đặc biệt, việc nghiên cứu nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn về cơ chế, chính sách để thu hút khách du lịch; trong đó, xem du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế. Cùng với việc tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch cũng góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Chiến lược marketing về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; tổ chức các chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số, gắn với slogan “Việt Nam - Đi để yêu” bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số ngành du lịch được xác định là một giải pháp “cứu cánh”, cũng là điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2022. Nhờ đó, hệ sinh thái du lịch thông minh đã từng bước được hình thành trên nền các tảng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ du lịch Việt Nam - Vietnam Travel... cùng nhiều sản phẩm công nghệ khác đang hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kết nối dữ liệu trên cơ sở Đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách tham quan điểm đến... làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch...

Cùng với các kết quả đạt được, hội nghị cũng nêu rõ các hạn chế, tồn tại mang tính “cố hữu” của du lịch Việt Nam, mà một trong số đó phải kể đến là sự nghèo nàn về chất lượng sản phẩm du lịch, sản phẩm chưa bắt kịp với xu thế du lịch thế giới. Đồng thời, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phục vụ xây dựng sản phẩm và thu hút du khách. Đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến việc du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”? tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đồng thời khẳng định, du lịch không thể phát triển một mình; không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển; không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh và bền vững.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch và các địa phương cần thay đổi tư duy “cung cấp cái mình có” và chuyển đổi cách làm du lịch một mùa. Bởi, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch. Đồng thời, nhu cầu của khách du lịch cũng liên tục thay đổi, họ đòi hỏi ngày càng cao hơn về “chất” các sản phẩm, các trải nghiệm tại mỗi điểm đến. Đặc biệt, du lịch theo hướng “xanh”, văn minh, thân thiện và đề cao văn hóa gồm cả văn hóa du lịch và văn hóa bản địa, để đa dạng các trải nghiệm, tăng thêm sự hiểu biết cho du khách về điểm đến.

Xuất phát từ yêu cầu khách quan đó, cho nên du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương có thế mạnh về du lịch nói riêng phải nhanh nhạy nắm bắt xu hướng và chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”. Đồng thời, từ du lịch “một mùa” sang du lịch “4 mùa” để thu hút khách trở lại nhiều lần... Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh 3 phương châm trong phát triển du lịch hiện nay là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam; tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch.

Thanh Hóa là một trong những địa phương được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch, cũng đồng thời là tỉnh có sự bứt tốc nhanh chóng khi đón được hơn 11 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022. Song, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế của du lịch Thanh Hóa, trong đó, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch đang là vấn đề rất cần được quan tâm. Cùng với đó là hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, môi trường du lịch... cũng đang cho thấy những bất cập. Trước thực trạng trên và nhất là từ sự định hướng, gợi mở của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có thể rút ra những bài học cũng như các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn, trên cơ sở các lợi thế so sánh về di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử... để tập trung xây dựng một hoặc một số sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, giàu bản sắc và có tính cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong khu vực và trong cả nước gắn với phương châm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Ngoài ra, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân về vai trò của du lịch. Từ đó, hướng đến mục tiêu “mỗi người dân là một đại sứ thân thiện của du lịch”...

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Bài có sử dụng một số thông tin trong trang https://baochinhphu.vn/tong-thuat-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-du-lich-nam-2023



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]