(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù thủ đoạn không mới và cũng thường xuyên được các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tuyên truyền, cảnh báo, song nhiều người dân vẫn dễ dàng mắc bẫy hoặc cố tình xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái pháp luật để rồi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài - Bài cuối: Nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn

Mặc dù thủ đoạn không mới và cũng thường xuyên được các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tuyên truyền, cảnh báo, song nhiều người dân vẫn dễ dàng mắc bẫy hoặc cố tình xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái pháp luật để rồi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài - Bài cuối: Nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn

Tạo công ăn việc làm ổn định là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang các nước.

Nguyên nhân chính được xác định là do điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động không có việc làm, thu nhập ổn định, nhất là nhận thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế; nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là sang nước ngoài lao động, tích góp được một số tiền nho nhỏ gửi về phụ giúp gia đình mà không nghĩ rằng đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và các nước sở tại, mà quan trọng hơn nó còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Không thể phủ nhận, trong số những người xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài có nhiều người may mắn tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình (chủ yếu là xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch). Tuy nhiên, đa phần công dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, nên quyền lợi không được bảo đảm. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái pháp luật, những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị và văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, Công an tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép”, chỉ đạo và giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đồng loạt vào cuộc và triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, xuất cảnh, nhập cảnh; nhận thức rõ các phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh sang nước ngoài lao động trái phép; tổ chức gặp gỡ, đối thoại, ký cam kết không tin và nghe theo lời rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu. Tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, thậm chí bắt, xử lý hình sự đối với những đối tượng môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật.

Xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài - Bài cuối: Nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn

Công an huyện Hậu Lộc phát hiện, ngăn chặn 17 công dân trên địa bàn chuẩn bị sang Trung Quốc lao động trái phép.

Thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý hành chính nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tổ chức tuyên truyền, vận động phòng ngừa chung. Riêng lực lượng công an, với chức năng là đơn vị tham mưu nòng cốt trên lĩnh vực ANTT đã liên tục mở các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc và nước ngoài, nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán. Chỉ tính, từ năm 2015 đến nay đã phát hiện, bắt, khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; xử lý hành chính 43 trường hợp công dân xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc.

Điển hình, ngày 27/6/2019, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thanh Hóa đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét khẩn cấp nơi ở của Hoàng Thị Hương (37 tuổi), quê quán ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An hiện đang thường trú tại phòng B2606 tòa nhà HATECO, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội do phạm tội: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Theo tài liệu của Cơ quan An ninh Điều tra: Từ năm 2015, Hoàng Thị Hương đã đứng ra thành lập Cty TNHH Bright Prosperite Việt Nam (có tên giao dịch là VPROS CO.,LTD) do chính Hương làm Tổng Giám đốc. Mặc dù ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn tổng hợp, nhưng dưới vỏ bọc của Cty này, từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, Hương đã cấu kết với vợ chồng Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh (Công ty Hoàng Phát, đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) để tư vấn, làm thủ tục cho 13 trường hợp là lao động ở các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, TP.Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An sang Nhật Bản lao động theo đơn hàng kỹ sư nhưng thực chất là đi theo visa duc lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản để lao động bất hợp pháp.

Trung tá Vũ Đức Tĩnh, Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an Thanh Hóa cho biết: Qua điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật thì thủ đoạn của các đối tượng thường là gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, để hưởng hoa hồng và thù lao. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gần 900 công dân lao động từ Trung Quốc về quê ký cam kết không vi phạm việc xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại nước ngoài; 464 gia đình có người thân lao động trái pháp luật tại Trung Quốc cam kết kêu gọi người thân trở về nước; phát hiện, ngăn chặn 27 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc, xử phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.

Cùng với các biện pháp xử lý quyết liệt của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc và có nhiều giải pháp giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật như: Kêu gọi đầu tư tạo việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển các ngành nghề truyền thống... Tiêu biểu như xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc đã liên hệ với những công ty xuất khẩu lao động chính ngạch đưa được khoảng 300 lao động sang các nước lao động hợp pháp; đồng thời tạo việc làm mới cho khoảng 500 lao động khác tại địa phương và các tỉnh lân cận; xây dựng hơn 50 dự án tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại thu hút được hàng trăm lao động vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Nhờ đó năm 2015, trên địa bàn xã có gần 300 trường hợp công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc nhưng đến năm 2019 giảm xuống còn khoảng 70 lao động.

Điển hình như anh Nguyễn Văn Đoàn (sinh năm 1987), ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, năm 2013 vượt biên sang Trung Quốc lao động tại một xưởng sản xuất rau. Mới sang được hơn 1 tháng thì bị công an Trung Quốc bắt giam, sau đó bị trao trả về Việt Nam. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, anh cho biết: Nghe bạn bè nói sang đó lương cao nên tôi cũng vay mượn hơn chục triệu đồng để đưa cho “cò” và làm lộ phí đi đường. Không ngờ rằng sang đó lại vất vả vậy, vừa xa vợ con, lại vừa phải lo đối phó với lực lượng chức năng, trong khi tiếng thì không biết, người ta bảo mình làm là phải làm, bảo ăn thì ăn, ngủ thì ngủ, mọi quyền lợi không được đảm bảo. Nói thật giờ nghĩ sang Trung Quốc lao động là tôi “ngán”, chắc sẽ không bao giờ có lần thứ 2.

Xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài - Bài cuối: Nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn

Anh Nguyễn Văn Đoàn hạnh phúc bên vợ con khi làm việc gần gia đình.

Sau khi về nước, được xã giới thiệu, anh Đoàn được nhận vào làm việc tại một tàu cá ngoài Hải Phòng với mức lương trên 8 triệu đồng/tháng và đã gắn bó gần 4 năm nay. Anh Đoàn cũng cho biết thêm: Lao động ở Việt Nam có thể thu nhập không cao bằng, nhưng đổi lại thấy thoải mái, mệt thì xin phép nghỉ, vợ con ốm đau thì mình còn biết về mà chăm sóc, chứ bên Trung Quốc thì chịu. Hiện tại, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng cảm thấy hạnh phúc bên vợ con và gia đình của mình.

Cùng quan điểm với anh Đoàn, anh Đỗ Đức Đạt, ở Thiệu Vân, TP.Thanh Hóa cho biết: Năm 2014 tôi sang Quảng Đông, Trung Quốc làm tại một công ty ván ép, được phân công đứng lò đốt nên lương khá cao. Nhưng 2 năm làm việc bên đó, tôi thấy khổ cực quá, làm từ sáng đến tận 8 giờ tối, vừa ăn cơm xong là phải vào làm việc ngay, khi có việc gấp, nửa đêm chủ cũng gọi dậy đi làm. Nghĩ cảnh vợ con ở quê sống chết thế nào không biết nên năm 2016 sau khi về ăn Tết tôi ở nhà hẳn. Từ đó đến nay, tôi về phụ gia đình bán cát đá, gạch ngói, tuy thu nhập thấp hơn nhưng an toàn và luôn được gần gũi, có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an tỉnh tình trạng công dân xuất cảnh sang nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc lao động trái phép đã được đấu tranh, ngặn chặn và giảm rõ rệt. Nếu như vào những năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 14 nghìn công dân lao động trái pháp luật tại Trung Quốc thì đến nay chỉ còn khoảng 1 nghìn người. Hàng chục nghìn công dân đã từng sang Trung Quốc lao động trái pháp luật sau khi được tuyên truyền, giải thích đã tự nguyện ở lại địa phương tự tạo công ăn việc làm, hoặc là tìm kiếm việc làm trong các công ty, xí nghiệp được mở tại địa phương.

Mặc dù những kết quả trên là tích cực, song để phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc, trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12 với những giải pháp toàn diện và đồng bộ hơn. Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, để mỗi công dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng phạm tội. Muốn vậy, ngoài sự cố gắng nỗ lực của lực lượng công an, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp./.

Đình Hợp


Đình Hợp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]