(Baothanhhoa.vn) - Trong cái nắng hanh vàng ngày cuối thu, chúng tôi lại có dịp ngược miền Tây xứ Thanh, núi rừng như chìm trong màn sương giăng mắc. Trên cung đường uốn lượn theo sườn núi những tán lá rừng bắt đầu ngả vàng.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững ở miền Tây xứ Thanh

Trong cái nắng hanh vàng ngày cuối thu, chúng tôi lại có dịp ngược miền Tây xứ Thanh, núi rừng như chìm trong màn sương giăng mắc. Trên cung đường uốn lượn theo sườn núi những tán lá rừng bắt đầu ngả vàng.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững ở miền Tây xứ ThanhNgười dân xã Nam Xuân (Quan Hóa) phát triển các mô hình kinh tế để xóa đói, giảm nghèo.

Có đi mới cảm nhận hết được những đổi thay trên những bản làng vùng cao xứ Thanh. Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, miền Tây giờ đây đang thay da đổi thịt từng ngày, những nương sắn, đồi ngô, ruộng lúa bậc thang, cánh rừng xoan, lát xanh ngút ngàn trải dài tít tắp… tất cả như minh chứng cho cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo đói đã có sự bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Quý ở thôn Lương Thiện, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2016 được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, được vay vốn hỗ trợ sinh kế, vợ chồng ông đã đầu tư nuôi thêm các loại gia cầm. Với tính chịu thương chịu khó, lập kế hoạch thoát nghèo, sau 5 năm phát triển sản xuất, hiện gia đình ông đã nhân giống được 3 con bò; gần 200 con gà thương phẩm. Sau nhiều năm tích cóp gia đình ông cũng đã xây dựng được căn nhà mới khang trang và ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Còn đối với ông Phạm Văn Phúc ở thôn Quang Bái, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) lại lựa chọn mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Điều kiện kinh tế ổn định, ông Phúc đã viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo. Ông Phúc chỉ là một trong hàng chục hộ gia đình ở xã Quang Trung tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, xã Quang Trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn ưu đãi gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hộ nghèo. Xã Quang Trung cũng xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, như mô hình chăn nuôi thỏ, nuôi ong lấy mật ở thôn Quang Hưng; mô hình chăn nuôi dê ở thôn Quang Sơn cho thu nhập hàng năm từ 200 đến 660 triệu đồng; mô hình trồng cây dứa gai cho thu nhập từ 100 đến 140 triệu đồng/ha/năm. Những mô hình sản xuất không chỉ góp phần phát triển kinh tế của xã Quang Trung, mà còn giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ vậy, tính đến năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,84%.

Công tác giảm nghèo ở huyện Ngọc Lặc được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền các cấp. Mỗi địa phương đã tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm tính minh bạch, đúng đối tượng; đồng thời hạn chế chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng... Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, nhiều chương trình giảm nghèo đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ, điển hình như: Mô hình phát triển vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển cây công nghiệp ngắn ngày; xây dựng vùng lúa thâm canh tại các xã Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Quang Trung, Minh Sơn, Kiên Thọ... Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, đó là gia đình ông Bùi Văn Quang ở thôn Quang Hòa, xã Quang Trung trồng 1,2 ha chanh leo kết hợp trồng nghệ, trồng gấc, 250 gốc bưởi Diễn và 2 ha trồng keo; gia đình ông Nguyễn Trung Dũng ở xã Minh Sơn với mô hình trồng mía, keo lấy gỗ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

Tại huyện Như Thanh, điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của người dân nơi đây, được minh chứng qua sự đổi thay trên mỗi con đường, từng mái nhà, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh việc lồng ghép các Chương trình 30a, 135, 134, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa... Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân... Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/năm. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Như Thanh giảm còn 1,61%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,21%; giúp trên 7.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 4.300 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 890 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Trong những năm trở lại đây, huyện Mường Lát đã triển khai 14 mô hình giảm nghèo với gần 3.000 hộ gia đình tham gia, tiêu biểu như hỗ trợ bò giống, chăn nuôi gia súc dưới tán rừng; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình tiêu biểu như sản xuất thâm canh cây lúa nước trên ruộng bậc thang bằng sử dụng phân viên nén dúi sâu, sử dụng giống lúa mới tại bản Khằm, xã Trung Lý; bản Chai, xã Mường Chanh, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn; mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản bước đầu được triển khai ở 6 hộ, tại 5 bản thuộc 3 xã Trung Lý, Nhi Sơn, Tén Tằn…

Từ thực tiễn cho thấy, công cuộc xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chương trình được chỉ đạo sâu sát, có cách làm hiệu quả, thiết thực, thông qua các chính sách, chế độ do Trung ương, tỉnh, huyện ban hành để hỗ trợ cho người nghèo, như hỗ trợ điện nước sinh hoạt, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm cho người nghèo; hướng dẫn người nghèo cách làm ăn thông qua dự án khuyến nông, khuyến ngư… Từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng, thực hiện được gần 400 dự án phát triển sản xuất, trong đó giai đoạn 2011-2016 đã xây dựng và thực hiện được gần 300 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 19 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo…; năm 2017 thực hiện 45 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 18 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề tại các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn cho trên 160.000 lượt hộ dân. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp cho gần 50.000 hộ nghèo và trên 10.000 hộ nghèo đa chiều vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]