(Baothanhhoa.vn) - Vùi sâu ký ức xám xịt, buồn đau về những ngày “cơn lốc” cuốn qua, người dân Xuân Chinh (Thường Xuân) đang tập trung chăm sóc ruộng nương, vườn tược, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Xa rồi “cơn lốc” vàng

Vùi sâu ký ức xám xịt, buồn đau về những ngày “cơn lốc” cuốn qua, người dân Xuân Chinh (Thường Xuân) đang tập trung chăm sóc ruộng nương, vườn tược, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Xa rồi “cơn lốc” vàng

Trẻ em xã Xuân Chinh đã được học tập trong ngôi trường khang trang, kiên cố.

Trời vừa hửng nắng sau nhiều ngày mưa dầm dề, con đường nội thôn Tú Ạc trở nên lầy lội, xe máy không thể đi lại. Chúng tôi đành bộ hành về phía đồi Pù Lè, nơi những hầm mỏ cuối cùng bị đánh sập, chấm dứt nạn khai thác vàng trái phép trên mảnh đất này từ năm 2018. Từ đó đến nay, khu đồi đã không còn người “bén bảng”, chỉ thi thoảng một vài người dân tranh thủ đi chặt cây măng, hay tìm một vài bọng ong mang về quay lấy mật.

Khi nhắc về những ngày cả làng đi đào vàng, gương mặt anh Lục Văn Hoa (52 tuổi) ở thôn Tú Ạc hiện rõ vẻ buồn rầu. Anh thở dài: “Ngày ấy vì không có cái ăn, cái mặc, tôi và nhiều người dân trong xã Xuân Chinh xách máng, cầm xẻng đi làm vàng. Ai cũng nghĩ đào vàng kiếm tiền đong gạo, chứ không biết là vi phạm pháp luật. Nhưng nhiều năm hì hục đào, bì bõm dầm người trong nước đãi vàng, cũng chẳng có ai khấm khá lên được. Như tôi, ngày đi đào vàng, tối đến vẫn mò mẫm vào rừng đi đào củ mài về ăn thay cơm”.

Theo lời anh Hoa, nạn “vàng tặc” ở Xuân Chinh xuất hiện từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Ban đầu xuất hiện thông tin không ai kiểm duyệt, rằng có người đi làm nhặt được vàng cục bên sông Ạc. Thế rồi người dân trong làng, ngoài xã rỉ tai nhau, rầm rập đi tìm vàng. Đầu tiên là xuống sông lấy đất đãi vàng, sau rồi đào bới lên bờ, đến đầu những năm 90, có thêm hàng trăm người từ các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình... đổ về Xuân Chinh tìm vàng.

Bản làng yên bình bỗng chốc trở nên nhốn nhào vì “cơn lốc” vàng. Người dân cũng chẳng còn tha thiết chăm sóc ruộng nương nữa, nhiều nhà còn bán vội trâu bò, lợn gà; trẻ em nghỉ học... chỉ để tập trung nhân lực cho “sự nghiệp” khai thác vàng, với những hy vọng đổi đời nơi rừng sâu, suối xiết. Những ruộng lúa dọc con sông Ạc, đoạn từ thôn Hành đến thôn Thông dài cả cây số bỗng chốc trở nên nham nhở với những hố sâu do người tỉnh ngoài mang máy móc vào đào xới tìm vàng. Rồi những trận ẩu đả, đánh nhau vì vàng. “Không hôm nào mà không có đánh nhau, nhiều người phải nhập viện. Những người ở tỉnh ngoài xăm trổ đầy mình làm mất trật tự an ninh. Dân làng đang đào thì họ xua đuổi cũng phải đi chỗ khác”, anh Hoa kể.

Đào xới xong ở phía hạ nguồn, đoàn phu vàng cứ xịch dần lên phía thượng nguồn dòng sông Ạc. Đến khoảng năm 2007, khu đồi Pù Lè cũng chịu chung số phận, thành “cứ điểm” để những phu vàng “oanh tạc”, đầy rẫy những hố, hầm xuyên sâu vào lòng đất. Cả nhà Lục Văn Hoa cũng bìu díu nhau cầm máng, cầm xẻng lên đồi.

Tôi hỏi: “Đã bao giờ anh đào được vàng chưa?”. Anh Hoa lôi ra từ trong tủ một cái cân tiểu ly đã hỏng và một cục đá trắng xen lẫn những vệt màu vàng nhạt, rồi nói: “Có chứ. Có ngày cặm cụi đào đãi được một phân vàng. Có ngày không được gì cả”. “Thế thì anh đã giàu lắm còn gì” - tôi hỏi. “Đào được vàng thì có người đến thu mua ngay. Một phân vàng có lúc đổi được 5kg gạo, có lúc đổi được cột bánh nướng Toàn Thành. Biết là quá rẻ mạt nhưng phải đổi thôi, vì đói quá, không có gì để ăn. Trong khi đường giao thông về chợ gặp rất nhiều khó khăn”, anh Hoa kể.

Anh Hoa nói tiếp: “Mang tiếng là được vàng, nhưng vẫn không đủ ăn, thân hình ngày càng tiều tụy, bủng beo”. Trong khi đó, đã có người phải bỏ mạng nơi rừng sâu heo hút do sập hầm. Mà đến giờ nhắc lại, anh Hoa vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảnh đào bới tìm kiếm thi thể vùi sâu dưới lớp đất sâu.

Trước những bất ổn do nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn, trong nhiều năm liền, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Chinh đã xây dựng phương án, tổ chức lực lượng thực hiện các giải pháp ngăn chặn, như huy động lực lượng công an và dân quân canh gác, phong tỏa, thậm chí là đốt, lấp hầm khai thác vàng... Tuy nhiên những giải pháp này cũng chỉ là ngắn hạn, thời gian nạn khai thác vàng trái phép tạm lắng không dài. Nguyên nhân là lực lượng mỏng, kinh phí duy trì lại không có, trong khi sinh kế người dân chưa được đảm bảo...

Cho đến năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của huyện Thường Xuân và các lực lượng chức năng của tỉnh, những hầm khai thác vàng trái phép kia đã bị đánh sập. Đồng thời các ban, phòng, lực lượng chức năng của huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân không khai thác vàng trái phép. UBND xã Xuân Chinh cũng huy động lực lượng canh gác trên đồi Pù Lè, ngăn chặn các đối tượng thực hiện hành vi khai thác vàng trái pháp luật. Nạn khai thác vàng trái phép ở Xuân Chinh được ngăn chặn triệt để từ đó.

Giờ đây, đồi Pù Lè đã bạt ngàn màu xanh thẳm với những thân cây đu đưa trong gió và tiếng ríu rít của chim rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh Cầm Bá Tuất chỉ tay vào một vài lối đi đang bị cây rừng che kín, kể: “Đã có thời gian, anh em cán bộ xã phải làm lán ở trong rừng này để canh gác cả tháng trời. Nhiều anh em, ban ngày đi đến nhà dân tuyên truyền, vận động, ra đồng hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ban đêm lại vào rừng canh gác”.

Được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn, Lục Văn Hoa không đi làm vàng nữa mà ở nhà tập trung cải tạo khu đồi để trồng keo, trồng sắn xen kẽ, trồng lúa nương và nuôi thêm bò, lợn. Nhờ vậy mà cuộc sống cũng dần ổn định, giờ đây anh đã có hai khu nhà ở ven đường lớn.

“Vàng tặc” được ngăn chặn, núi rừng Xuân Chinh đã hồi sinh trở lại. Khu đất ven sông Ạc từng bị đào bới tan hoang giờ là công sở xã, trường học và những ngôi nhà khang trang kiên cố. Con đường từ xã về trung tâm huyện cũng đã được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa và đi lại của Nhân dân...

Dẫu biết rằng, Xuân Chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều thanh niên phải đi làm ăn xa, song dẹp bỏ được nạn “vàng tặc”, mang lại bình yên cho bản làng vùng cao là một thành công của chính quyền địa phương. Giờ đây, với tiềm năng và lợi thế sẵn có về đất rừng, khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động..., cùng sự quyết tâm cao trong phát triển quê hương, tin tưởng rằng vùng đất Xuân Chinh sẽ no ấm và giàu đẹp hơn.

Bài và ảnh: Đỗ Đức


Bài và ảnh: Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]