(Baothanhhoa.vn) - Biết rõ, bảo hiểm chính là trang bị “cái phao” cho ngư dân khi hành nghề trên biển gặp điều không may. Thế nhưng, các chủ tàu cá vẫn “đánh cược” tài sản và tính mạng mình trên biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao ngư dân chưa mặn mà với bảo hiểm ?

Vì sao ngư dân chưa mặn mà với bảo hiểm ?

Phải bỏ ra một số tiền lớn khiến nhiều chủ tàu cá không mặn mà với việc mua bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Giang

Biết rõ, bảo hiểm chính là trang bị “cái phao” cho ngư dân khi hành nghề trên biển gặp điều không may. Thế nhưng, các chủ tàu cá vẫn “đánh cược” tài sản và tính mạng mình trên biển.

Nghề biển là nghề có nhiều rủi ro và việc tham gia bảo hiểm giúp ngư dân nhanh chóng khắc phục hậu quả khi gặp sự cố, tiếp tục vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, sau khi hết chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm tăng lên thì ngư dân trong tỉnh cũng không còn mặn mà với việc tham gia bảo hiểm.

Thờ ơ với “phao cứu sinh”

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến cuối tháng 7-2019, toàn tỉnh có 7.295 tàu cá (có 6.253 tàu đã đăng ký), trong đó, 1.676 lượt tàu tham gia mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị ngư lưới cụ, 12.823 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Trước đó, để giải quyết khó khăn trong nghề cá, đồng thời tạo niềm tin đối với ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu khai thác thủy sản xa bờ, có công suất máy chính 90CV trở lên với mức hỗ trợ 100% đối với bảo hiểm thuyền viên, 70% bảo hiểm đối với tàu từ 90CV đến dưới 400CV và 90% bảo hiểm đối với tàu từ 400CV trở lên. Những chính sách của Nhà nước về bảo hiểm tàu thuyền và thuyền viên đã trở thành chỗ dựa lớn, giúp ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, đến tháng 2-2018, Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67/2014/NĐ-CP, thì chính sách ưu đãi về bảo hiểm đối với ngư dân thay đổi. Cụ thể: Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu). Điều này, khiến hầu hết ngư dân không còn mặn mà với bảo hiểm.

Xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa có 96 tàu có công suất từ 200-800CV, trong đó có 4 tàu mua theo Nghị định số 67. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 1 tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân vỏ.

Anh Lê Viết Ngưng, thôn Linh Trường, xã Hoằng Trường, cho biết: Gia đình anh đã có truyền thống đi biển. Anh Ngưng đã mua tàu cá vươn khơi được 20 năm nay. Tàu cá của gia đình anh có công suất 420CV và thường đi đánh bắt xa bờ từ 7-10 ngày mới về. Những năm trước, khi còn hỗ trợ của Nhà nước, anh có tham gia bảo hiểm thân tàu. Vì được hỗ trợ lên đến 90% nên anh chỉ phải đóng khoảng 2,5 triệu/năm. Tuy nhiên, 2 năm lại đây do mức hỗ trợ giảm, mức đóng cao nên anh Ngưng không tham gia bảo hiểm thân tàu nữa.

Vì sao ngư dân chưa mặn mà với bảo hiểm ?

Anh Lê Viết Ngưng, thôn Linh Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) với tàu cá của gia đình.

Cũng theo anh Ngưng, với giá trị tàu của gia đình anh, mức đóng bảo hiểm của anh khoảng hơn 20 triệu/năm. Mức đóng này là quá cao, trong khi đó, vài năm lại đây giá xăng dầu tăng, giá cá lại rẻ nên thu nhập bị sụt giảm.

Tương tự, anh Trương Đình Lương có tàu cá công suất 400CV, mỗi tháng anh cùng các thuyền viên vươn khơi 2 chuyến (20 ngày). Lênh đênh trên biển nhiều nguy hiểm nhưng 2 năm nay anh Lương không tham gia bảo hiểm thân tàu. Anh Lương chia sẻ: “Dù biết tham gia bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh” khi chẳng may gặp rủi ro, tuy nhiên, do mức đóng bảo hiểm còn cao nên tôi cũng như nhiều chủ tàu ở đây không tham gia bảo hiểm. Nghề đi biển cũng ngày càng khó khăn, thu nhập giảm sút so với những năm trước nên việc bỏ ra hơn 20 triệu mua bảo hiểm tôi thấy tiếc”.

Không tham gia bảo hiểm vỏ tàu, nhiều chủ tàu và các thuyền viên cũng thờ ơ với bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Mặc dù, mức đóng bảo hiểm tai nạn thuyền viên không cao (tùy theo mức đóng, thông thường ngư dân tham gia mức từ gần 100.000 đồng - 300.000 đồng/người/năm), tuy nhiên số người tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên cũng đếm trên đầu ngón tay. Toàn xã Hoằng Trường có 2/96 tàu có tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Anh Lê Viết Ngưng cho biết thêm: Các lao động trên tàu cá phần lớn đều là lao động tự do, không ký hợp đồng với chủ tàu. Mặt khác, lao động thường đi tàu theo chuyến và không cố định làm cho tàu nào. Vì vậy, rất khó để mua bảo hiểm cho những lao động này. Trước đây, khi tham gia bảo hiểm vỏ tàu thì sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Từ năm 2018, anh Ngưng không tham gia bảo hiểm thân tàu nên cũng không tham gia bảo hiểm tai nạn cho 12 thuyền viên trên tàu.

Mức đóng cao hay tâm lý ỷ lại?

Qua tìm hiểu thì việc chủ tàu thờ ơ với các loại bảo hiểm nghề cá không chỉ xảy ra ở một vài chủ tàu mà là thực trạng chung ở các huyện ven biển và tồn tại đã nhiều năm nay. Đây không chỉ là do mức đóng bảo hiểm cao mà nguyên nhân lớn nhất là ngư dân còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự chủ động trong việc bảo đảm tài sản của mình và tính mạng của thuyền viên trên tàu.

Theo báo cáo của xã Hoằng Trường, khi còn có hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, thì 100% tàu cá đánh bắt xa bờ đều tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi không còn hỗ trợ, ngư dân cũng không còn quan tâm đến bảo hiểm.

Trên thực tế đã có nhiều tàu thuyền của ngư dân bị nạn khi đánh bắt trên biển, và mỗi lần bị nạn phải chịu tổn thất rất nặng, thậm chí nhiều người trở nên trắng tay vì tàu cá không mua bảo hiểm. Biết rõ, bảo hiểm chính là trang bị “cái phao” cho ngư dân khi hành nghề trên biển gặp điều không may. Thế nhưng, các chủ tàu cá vẫn “đánh cược” tài sản và tính mạng mình trên biển. Bởi các chủ tàu cá cho rằng, kinh phí quá lớn khiến họ khó “tự thân vận động” được. Mỗi con tàu có giá trị từ 2,5 tỷ đến 16 tỷ. Với tỷ lệ đóng bảo hiểm hiện nay, chủ tàu phải đóng hàng chục triệu đồng tiền bảo hiểm.

Tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, phần lớn các chủ tàu cá ở đây cũng không tham gia bảo hiểm thân vỏ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Anh Nguyễn Văn Sen, chủ tàu cá TH1386TS cho rằng, mức đóng bảo hiểm thân tàu còn cao nên anh cũng như nhiều chủ tàu trên địa bàn không mặn mà với bảo hiểm. Khi không tham gia bảo hiểm thân tàu thì đồng nghĩa với việc các chủ tàu cũng không tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các lao động trên tàu.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nghề đi biển nhiều rủi ro do điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Mỗi tàu cá là tài sản lớn của ngư dân, vì vậy, nếu không may gặp rủi ro mà ngư dân không tham gia bảo hiểm thân tàu sẽ rất khó khôi phục lại nghề. Hàng năm, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến các ngư dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo hiểm; lợi ích khi tham gia bảo hiểm... Thế nhưng, số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp. Hiện nay, do không có quy định bắt buộc chủ tàu phải mua bảo hiểm, bên cạnh đó, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm bị giảm xuống, ngư dân phải đóng số tiền lớn... nên mặc dù biết rõ lợi ích, quyền lợi khi tham gia nhưng nhiều ngư dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]