(Baothanhhoa.vn) - Dải đất vùng biên Nhi Sơn, Pù Nhi (Mường Lát) - địa danh một thời được biết đến là “thánh địa” của cây thuốc phiện, giờ đã là quá vãng. Thay thế cho loại cây trồng này, giờ đây là những nương ngô, rẫy sắn, cánh đồng lúa tốt tươi. Cuộc sống đang từng ngày “thay da, đổi thịt” với bà con đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái...

Về nơi một thời là “thủ phủ thuốc phiện” xứ Thanh

Dải đất vùng biên Nhi Sơn, Pù Nhi (Mường Lát) - địa danh một thời được biết đến là “thánh địa” của cây thuốc phiện, giờ đã là quá vãng. Thay thế cho loại cây trồng này, giờ đây là những nương ngô, rẫy sắn, cánh đồng lúa tốt tươi. Cuộc sống đang từng ngày “thay da, đổi thịt” với bà con đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái...

Về nơi một thời là “thủ phủ thuốc phiện” xứ Thanh

Bộ đội biên phòng hỗ trợ bà con dân bản về con nuôi phát triển kinh tế.

Chuyến xe của chúng tôi ngược biên từ khá sớm. Qua Cổng Trời thuộc địa bàn xã Trung Lý khi sương mù hãy còn phủ kín lối đi. Xe di chuyển chậm, chừng hơn chục kilomet thì chạm đất Nhi Sơn, Pù Nhi. Hai xã này trước khi chia tách là một và cũng là vùng được gắn biệt danh “thủ phủ” của cây thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh.

Trong căn nhà truyền thống của người Mông được làm cách tân với sự phối trộn của bê tông cốt thép, ông Hơ Chứ Hơ, nguyên trưởng bản Cá Nọi (xã Pù Nhi) nay dậy sớm hơn thường lệ. Với bộ quần áo tinh tươm, nước da rắn khỏe so với cái tuổi đã ngoài 60, ông Hơ vẫn nhớ như in một thời bà con dân bản bám riết với cây thuốc phiện. Đó là vào những năm 80, nhà nhà, người người trồng thuốc phiện. Trong tâm trí ông Hơ, từ khi trồng loại cây này, nhiều hộ dân cũng xa vào lối sống du canh, du cư, giống như con nai, con hoẵng lang thang khắp các cánh rừng để tìm đất trồng thuốc phiện. Tìm không được đất thì bất quá chặt rừng...

Vào mỗi mùa thu hoạch thuốc phiện (khoảng tháng 3 âm lịch), đứng từ trên “cổng trời” nhìn xuống, là bạt ngàn sắc tím của hoa anh túc. Mặc dù giá trị từ nhựa cây thuốc phiện được bán với giá cao, từ 1 đến 2 triệu đồng/1 kg, song đời sống của bà con nơi đây vẫn nghèo, đói. Nghèo đói đã đành, nhiều gia đình, bố không hút thì con, cháu hút. Thuốc phiện bủa vây bản làng.

Trước tác hại của cây thuốc phiện, Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được diễn ra một cách quyết liệt. Ông Lâu Gia Pó, ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, nguyên cán bộ xã lúc bấy giờ và sau này là Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, kể: “Cuộc chiến dẹp bỏ cây thuốc phiện diễn ra dai dẳng và vô cùng gian nan. Đến nhà dân tuyên truyền về việc phá bỏ loại cây nguy hại này, nhiều gia đình hiểu, đồng ý, nhưng cũng không ít gia đình chống đối chủ trương, với suy nghĩ, bỏ cây thuốc phiện thì nhà ta ăn gì, lấy gì để bán, có tiền. Lấy gì để tiếp khách, chữa bệnh”.

Ông Pó nhớ, trường hợp ông Va Văn Di (ở bản Pù Ngùa) là người có thâm niên nghiện hút thuốc phiện 15 năm. Từ một gia đình có của ăn, của để của bản, xã, nhà ông Di trở nên nghèo xơ nghèo xác vì nghiện thuốc phiện. Thấy vợ con khổ, ông Di kiên trì cai nghiện thành công, sau này ông được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ xã. Trường hợp của ông Di cũng giúp cho nhiều gia đình thay đổi cách suy nghĩ.

Rất nhanh, ngay sau khi đưa ra chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30a... Hỗ trợ bà con giống cây, giống con; hỗ trợ hộ nghèo làm nhà; kéo điện, làm đường, trường, trạm,... Từ đó, giúp bà con “đoạn tuyệt” với cây thuốc phiện một cách bền vững.

Dẫn chúng tôi thi thăm bản làng, ông Pó, ông Hơ vui ra mặt khi nói về sự đổi thay của bản Cá Nọi cũng như xã Pù Nhi hôm nay. Từ 75 hộ dân, nay bản Cá Nọi đã tăng lên 145 hộ. Cả bản không ai trồng thuốc phiện, không ai nghiện thuốc phiện. Giờ đây, người dân được cán bộ xã, cán bộ biên phòng quan tâm hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, con cái được đến trường học cái chữ...

Nếu như những năm trước, bà con dân bản chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì nay nhiều gia đình cũng đã biết chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Bà Thao Thị Dính, bản Pù Toong hồ hởi khi chỉ tay vào cánh đồi trồng mận của gia đình, nói: “Giờ không ai trồng anh túc nữa mà đã chuyển đổi sang trồng đào, mận. Nhà ta trồng gần 4 héc-ta mận. Mùa mận vừa qua bán được giá, lãi cả chục triệu đồng”.

Chủ tịch UBND xã Pù Nhi Bùi Văn Nhân khẳng định: “Mặc dù gặp khó khăn bởi địa hình, khí hậu, nhưng nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân Pù Nhi, thủ phủ thuốc phiện ngày nào nay đã khởi sắc”. Ông Nhân dẫn chứng từ vụ gieo trồng vừa qua, toàn xã đạt 708,5 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.012,8 tấn. Hiện xã có 14.721 con nuôi, trong đó có 768 con trâu, 1.924 con bò, 11.393 con gia cầm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17 triệu đồng/người/năm...

Riêng những vùng trước đây vốn là nơi ngự trị của cây thuốc phiện, giờ đã được xã xây dựng thành vùng chuyên canh cây mận, cây đào. Đây là 2 loại cây trồng tiềm năng, chủ lực của địa phương. Mục tiêu của xã là thương hiệu (hướng đến sản phẩm OCOP), có liên kết bao tiêu và được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch...

Đêm hôm đó, trong bữa cơm thân mật cùng ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, tôi được nghe ông nói nhiều về cây thuốc phiện, về những tác hại làm người dân vùng biên đói nghèo, cũng như cuộc chiến xóa bỏ loại cây này ra khỏi tâm thức, đời sống bà con. Ông Xiết cho rằng, chính tinh thần quyết liệt từ các cấp chính quyền, lực lượng biên phòng, đặc biệt là các Chương trình 134, 30a... đã triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp bà con dân bản vùng biên “đoạn tuyệt” được hoàn toàn với cây thuốc phiện.

Bài và ảnh: Đình Giang


Bài và ảnh: Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]