(Baothanhhoa.vn) - Những ngày giữa tháng 2, đất trời êm dịu, biển khơi không còn những cơn sóng lớn làm tinh thần ngư dân thêm phấn chấn, không khí ra khơi - vào lộng của tàu thuyền trên các cảng cá và cửa biển thêm phần nhộn nhịp. Chen giữa những con tàu cập bờ, mở hầm bán cá là những chiếc tàu đang tiếp dầu, đá và bổ sung lương thực, thực phẩm. Tiếng máy xay đá, tiếng bơm dầu, bơm nước, người gọi nhau í ới vang động khắp bến cảng.

Vào mùa biển mới

Những ngày giữa tháng 2, đất trời êm dịu, biển khơi không còn những cơn sóng lớn làm tinh thần ngư dân thêm phấn chấn, không khí ra khơi - vào lộng của tàu thuyền trên các cảng cá và cửa biển thêm phần nhộn nhịp. Chen giữa những con tàu cập bờ, mở hầm bán cá là những chiếc tàu đang tiếp dầu, đá và bổ sung lương thực, thực phẩm. Tiếng máy xay đá, tiếng bơm dầu, bơm nước, người gọi nhau í ới vang động khắp bến cảng.

Vào mùa biển mới

Cảnh mua bán nhộn nhịp ở bến cá xã Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Lộc biển đầu năm

Ngay từ sáng sớm những chiếc tàu đánh bắt xuyên tết chở đầy cá, tôm tấp nập vào Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) để đưa “chiến lợi phẩm” lên bờ bán cho thương lái. Khi những hầm cá trên tàu được mở ra là lúc “đội quân” khiêng cá gồm các bà, các chị tất tả đưa cá từ tàu vào các điểm thu mua. Những con cá tươi rói đã được nhanh chóng chuyển vào khu vực sơ chế rồi đẩy thẳng lên các xe đông lạnh trong niềm phấn khởi của cả chủ tàu lẫn người thu mua cá. Đứng bên người thân ghi trọng lượng từng khay cá, đôi mắt của chủ tàu Trần Văn Dần, xã Ngư Lộc, ánh lên niềm vui. Được biết, ngày 19 tháng Chạp năm Tân Sửu, dù chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần, nhưng ông cùng 5 bạn thuyền khác vẫn quyết định ra khơi vì thấy thời tiết thuận lợi. “Tết ai cũng muốn ở nhà sum vầy đầm ấm cùng gia đình, bè bạn, nhưng nhiều năm qua ngư dân chúng tôi thường chọn cách ăn tết trên biển, bởi thời điểm này những luồng cá di chuyển từ phía Bắc chạy về phía Nam nhiều hơn so với những thời điểm khác trong năm. Đi chuyến biển xuyên tết, nếu trúng được luồng cá lớn thì về ăn tết muộn vẫn vô cùng vui vẻ và ấm no”, ông Dần chia sẻ.

Không phụ lòng ngư dân gác lại ăn tết để vươn khơi, tàu ông Dần may mắn gặp được luồng cá nên mới gần 20 ngày ra khơi đã mang về hơn 25 tấn hải sản, chủ yếu là cá thu, cá nanh và nhiều loại hải sản khác tươi ngon. Sau khi trừ chi phí chuyến biển, chủ tàu thu được gần 150 triệu đồng, mỗi bạn thuyền nhận xấp xỉ 15 triệu đồng. “Bám biển xuyên tết, chúng tôi thu được thành quả lớn, rất phấn khởi. Sau vài ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường xa hơn, rộng hơn” - ông Dần phấn khởi cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cũng có không ít tàu nhỏ, công suất trên - dưới 90CV vươn khơi khai thác ở vùng biển từ 15 - 30 hải lý trở vào bờ với các loại cá, như: cá đục, cá bơn, tôm, ghẹ, mực... Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, sau tết là thời điểm biển có nhiều luồng tôm, cá. Tàu chỉ cần nổ máy ra biển khoảng vài tiếng đồng hồ là thu được từ 1 - 2 tạ hải sản các loại. Hiện nay, mực lá có giá từ 350 - 370.000 đồng/kg, tôm biển từ 250 - 450.000 đồng/kg, cá đù từ 50 - 70.000 đồng/kg, cá đục 150 - 180.000 đồng/kg tùy loại, tăng gần gấp rưỡi so với ngày thường. Nhờ được giá nên những chuyến biển đầu năm mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các ngư dân. Có người gặp may còn kiếm được vài triệu đồng mỗi ngày từ đi biển. Ngư dân Trương Văn Hoành, xã Hòa Lộc, đang sở hữu một tàu cá có công suất 20CV. Tàu của gia đình anh từ sau tết hầu như đêm nào cũng có mặt trên vùng biển cách bờ khoảng 7 - 10 hải lý. Mỗi chuyến biển từ đêm đến sáng trở về, tàu đánh bắt được hàng chục cân cá các loại. Sau những ngày cỗ bàn đầy thịt, nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản của người dân tăng cao, nên vợ anh chỉ mang ra chợ bán một lúc là hết. “Bình quân mỗi ngày, tôi thu được hơn 1 triệu đồng từ tiền bán cá và ghẹ đánh bắt được. Với ngư dân chuyên dùng tàu nhỏ đi lộng như chúng tôi, thì mức thu nhập như thế là tạm ổn để lo cho sinh hoạt gia đình cũng như việc học của mấy đứa con”, anh Hoành phấn khởi cho hay.

Mang nhiều kỳ vọng

Tại Cảng cá Lạch Hới, hàng trăm chiếc tàu của ngư dân TP Sầm Sơn đang chuẩn bị rẽ sóng vươn khơi, mở hàng cho một mùa biển mới với nhiều niềm tin và hy vọng. Ông Phạm Văn Phúc, TP Sầm Sơn, vừa đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 1.000CV, số tiền đóng tàu được ông tích cóp sau nhiều năm theo đuổi con cá, số còn lại ông vay ngân hàng và mượn người thân. Đầu năm nay, tàu của ông hạ thủy, bắt đầu hành trình bám biển với hy vọng tàu sẽ “mã đáo thành công” thu về nhiều lộc biển. Trong chuyến ra khơi đầu năm, ông Phúc chuẩn bị 400 cây đá lạnh, 10.000 lít dầu, và 5 tạ gạo cho 12 thuyền viên. Ông Phúc chia sẻ: “Muốn bám biển phải đóng tàu lớn để vươn đến những ngư trường xa. Trước đây, tôi đi bạn (bạn tàu) với người bà con. Sau nhiều năm tích cóp, tôi quyết tâm đóng một chiếc tàu mới cho riêng mình”.

Còn với ngư dân Nguyễn Văn Thảo, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, chủ của 5 tàu cá, chuyến biển đầu năm lúc nào cũng làm anh lo lắng, phần vì tổn phí cao, phần khác lại phải trang bị sắm mới một số dụng cụ, như: lưới chài, đèn... Cụ thể, mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài cả tháng, chủ tàu phải chuẩn bị 5.000 - 7.000 lít dầu, 1.000 lít nước, gần 1 tấn lương thực, thực phẩm với tổng chi phí trên dưới 200 triệu đồng. Chưa kể, chủ tàu bây giờ vẫn phải “nuôi” lao động đi biển (bạn thuyền) như nuôi “con cưng”. Mỗi phiên biển, chưa biết được hay không nhưng phải ứng trước cho mỗi bạn thuyền từ 4 - 5 triệu đồng để giữ chân lao động. Anh Thảo chia sẻ: “Mấy năm vừa rồi đi biển không gặp may do nhiều nguyên nhân nhưng nghề đánh bắt hải sản là truyền thống của ngư dân chúng tôi nên không thể bỏ. Trước tết, ngư dân chúng tôi nhận được tiền hỗ trợ dầu. Nhờ có tiền, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ... có thể tiếp tục vươn khơi bám biển trở lại.

TP Sầm Sơn là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh với 208 tàu thuyền, khai thác bằng các nghề lưới rê hỗn hợp, lưới vây, lưới kéo, lưới chụp... Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay đã có hơn 100 phương tiện được cấp phép ra khơi, dự kiến đến hết tháng Giêng mới hết tàu cá xuất bến đánh bắt cho chuyến đầu năm này. Đối với những chủ tàu đăng ký ra khơi, đơn vị cũng bố trí cán bộ túc trực tại cầu cảng để hướng dẫn tàu thuyền lấy đá, lấy nước và nhu yếu phẩm cho thuận lợi nhất. Đồng thời tạo điều kiện cho bà con làm thủ tục xuất bến nhanh nhất có thể.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện tại ngư dân toàn tỉnh có 6.696 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.174 tàu. Tính từ ngày 1-1 đến 26-1-2022, sản lượng hải sản toàn tỉnh khai thác ước đạt 12.821 tấn. Để tạo động lực, giúp ngư dân tiếp tục yên tâm bám biển, ngành luôn hỗ trợ thủ tục để giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách đặc thù như hỗ trợ nhiên liệu với mức cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm, hỗ trợ đóng mới hầm bảo quản sản phẩm, hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển giúp ngư dân chuyển nghề đánh bắt hải sản mới, hiệu quả; hạn chế khai thác hải sản ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để cập nhật về thiết bị hàng hải tiên tiến, giúp ngư dân sản xuất tốt hơn. Toàn tỉnh đặt chỉ tiêu khai thác hải sản năm 2022 đạt 133.600 tấn.

Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn, trở ngại do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... nhưng bà con ngư dân vẫn kiên trì vươn khơi bám biển. Với bà con ngư dân vùng biển, những chuyến ra khơi đầu năm 2022 không chỉ giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn có ý nghĩa khởi đầu cho một mùa biển mới mang nhiều hy vọng và niềm tin thắng lợi.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]