(Baothanhhoa.vn) - Xuôi theo sông Mã một chiều tháng 8 chớm thu, đầy gợi nhắc, gợi nhớ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm bóng dáng “Bàn A thập cảnh”

Xuôi theo sông Mã một chiều tháng 8 chớm thu, đầy gợi nhắc, gợi nhớ...

Tìm bóng dáng “Bàn A thập cảnh”

Bình yên một khúc sông quê.

Nhìn cảnh vật đôi bờ, chợt nhớ đến một nhà văn tài hoa từng dùng thứ ngôn ngữ tiếng Việt đầy kỳ diệu, mà vẽ nên cái vẻ đẹp mông lung và kỳ ảo của dòng sông: “Bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Sông Mã ở đây không dữ dằn và khắc nghiệt khi quăng mình qua ghềnh đá hiểm trở phía thượng nguồn, nơi nước tung xối xả và cái mũi khoan nước bén nhọn cứ hung hăng khoan vào bờ đá, ăn mòn hai bờ nó tràn qua. Sông Mã vùng hạ lưu, yên ả và bình thản đến kỳ lạ, tưởng chừng như đó vốn dĩ là bản tính của sông vậy. Suốt bao đời nay, dòng nước mênh mang ấy đã ôm ấp lấy và bồi tụ nên đôi bờ sự sống.

Hoa xoan đã rụng tự bao giờ và mất hút trong những lối mòn giữa bãi bồi, chỉ còn lại sắc xanh mướt mát của bãi mía, nương dâu. Tiếng gà eo óc từ đâu vọng lại, tưởng chừng lạc lõng lại cứ vấn vít lấy từng vạt khói bếp. Mặt trời treo trên đỉnh núi, trải lên xóm làng cái sắc đỏ dịu cuối ngày. Một buổi chiều bình yên nơi làng quê hay một miền non nước hữu tình đầy thi ca nhạc họa. Tiếng ngư phủ khua mái chèo gợi dậy tiềm thức trong con người một thời chưa xa. Tuổi thơ sinh ra từ làng, có mấy ai không tắm mình trên một dòng sông, với cái thuở “khúc sông bên lở bên bồi/ bên lở thì đói, bên bồi thì no”? Vật vã trong cuộc mưu sinh, những đứa trẻ rồi cũng lớn lên, có kẻ đi ra và thành đạt, có người ở lại với mảnh ruộng và cuộc sống lặng lẽ như nhịp chảy trôi của con nước mùa cạn.

Sông Mã, con sông của những ẩn ức quá khứ, những câu chuyện thấm đẫm chất sống dung dị của hồn lúa, hồn khoai và hồn văn hóa mộc mạc trải ra từ sự sống ven bờ: “Nhà tranh thôn nhỏ lặng lờ/ chuông chùa văng vẳng đâu bờ bên kia/ chông chênh bãi nổi trâu quỳ/ tựa ghềnh ngư phủ chiều về ngóng mây”. Đó là cuộc sống tự tại và thoát tục biết chừng nào. Cũng từ điểm nhìn dòng sông ấy, mà không ít tao nhân mặc khách đã tức cảnh sinh tình. Nhờ đó, hậu thế mới biết rằng, nơi tình tự của những dòng sông đã nức tiếng một thời với “Bàn A thập cảnh” (mười cảnh đẹp nổi tiếng). Sách “Dư địa chí” của Phan Huy Chú đã tả về núi Bàn A, chẳng khác nào bức tranh được họa sư khéo léo dùng màu sắc mà gom góp hết cảnh đẹp vào một khuôn hình: “Núi rất cao mà quanh co uốn éo, thâm nghiêm mà rộng thoáng đáng ưa. Trông xuống thì sông Lương ở liền chân núi. Một dải từ bên hữu chạy ra là núi Na Sơn, một dải từ huyện Thụy Nguyên chạy xuống là núi Thái Bình. Sông Mã chảy đến đấy họp lại, cảnh trí rất đẹp”.

Có người đã nói, một dòng sông nếu chỉ trơ trọi bản thân nó, thì khó tạo nên cảnh đẹp toàn bích. Sông và núi phải như đôi bạn cố tri, như cặp vợ chồng son sắt, ý hợp tâm đầu, thì mới trở thành giai cảnh. Giai cảnh ấy chính là “Bàn A thập cảnh”, với “Khánh - Bằng liệt trướng” (núi Khánh, núi Bằng như bức màn giăng), “Lương, Mã song phàm” (buồm trên sông Lương và sông Mã song song), “Viễn sầm yên thụ” (rừng cây lặng lẽ xa mờ), “Cô thôn mao xá” (nhà tranh trong xóm vắng), “Cách ngạn thiền lâm” (cảnh chùa bên kia sông), “Sơn hạ ngư ky” (cảnh thuyền chài đỗ dưới vụng sông bên ghềnh đá), “Thạch Tượng dục hà” (voi đá tắm sông), “Lĩnh Quy hí thủy” (rùa đùa rỡn nước), “Cổ độ kỳ đình” (đình cắm cờ trên bến xưa), “Giang trung mục phố” (bãi tắm trâu giữa sông).

Những cảnh đẹp phảng phất đầy ý thơ, ý nhạc ấy cũng là mười đề từ đầy cảm hứng cho các danh sĩ xưa xướng họa, ngâm vịnh. Nhà thơ Ninh Tốn (thế kỷ XVIII) đã vẽ bức tranh “Lương – Mã song phàm” bằng thơ: “Hun hút mui thuyền gió lọt tai/ Y nguyên cảnh đẹp trước nơi ngồi/ Hai dòng nước tới cùng nhau gặp/ Đôi lá buồm xuôi đối diện trôi/ Bờ, nước chợt chia rồi chợt gặp/ Gió, thuyền ai ngược lại ai xuôi/ Đêm khuya sào cắm nơi cao hát/ Dậy thấy ông câu sửa chỗ ngồi”. Ngày nay, những“Cô thôn mao xá”, “Lương, Mã song phàm”, “Viễn sầm yên thụ”, “Giang trung mục phố”... chỉ còn là hồi ức, hay một vệt quá khứ vô tình lướt qua tiềm thức. Để rồi, xuôi theo dòng nước tìm lại bóng dáng “Bàn A thập cảnh” xưa, có cảm giác như cũng là hành trình kiếm tìm lại một phần hồi ức đã bị chôn giấu đâu đó, trong một đoạn tuổi thơ đã nằm lại trên khúc sông quê.

Dẫu chẳng còn cái không gian của bến đò xưa bên xóm vắng. Nhưng khi xuôi qua bến sông, nơi có con phà nặng nề vắt ngang dòng nước, nối liền bờ bên này là xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), với bờ bên kia là xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa), người nhìn bỗng thích thú đến lạ, khi bắt gặp thấp thoáng bóng dáng của“Cách ngạn thiền lâm”. Chùa Thái Bình bên kia sông, nằm lặng lẽ dưới tán cây um tùm, lưng tựa vào ngọn đồi thấp nhìn ra khúc ngoặt dòng sông. Trên đỉnh ngọn đồi, một trụ đá tự nhiên lực lưỡng và cô độc vươn lên không gian. Dưới chân nó, bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đang nhìn xuống chúng sinh bằng ánh nhìn phổ độ từ bi. Còn bên này sông, chùa Vồm – ngôi chùa cổ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hài hòa giữa mái ngói rêu phong với cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên chốn thiền tịnh linh thiêng.

Ngã ba Giàng, nơi hai dòng Mã Giang và Lương Giang (tên xưa của sông Chu) gặp gỡ. Và rồi, cuộc hò hẹn trăm năm ấy đã khiến “con ngựa bất kham” phía thượng nguồn, bỗng trở nên dịu dàng đến lạ. Bao nhiêu vây nước sắc nhọn đã được mài mòn hết, chỉ còn lại con nước hiền hòa chầm chậm xuôi về biển. Nơi đây xưa kia, vào khoảng những năm 111 trước Công nguyên, thành Tư Phố bắt đầu được xây dựng trên sườn núi Vồm (thuộc Dương Xá hay làng Giàng). Trải nhiều thế kỷ, qua các đời Trần – Lê, Tư Phố giữ vai trò là trấn sở của Thanh Hóa. Sự tồn tại lâu dài của Tư Phố, đã để lại cho mảnh đất này những tây Trấn Thành, trạm Trung Đô sầm uất phố phường. Ngày nay, tại di chỉ Dương Xá (thuộc xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa), người ta tìm thấy nhiều công cụ và vũ khí bằng đồng, bằng đá mài, xương thú và nhiều đồ trang sức, tiền đồng, ấn đồng... Đây là cơ sở để đưa đến nhận định, ở Dương Xá hẳn phải có một lớp người sang trọng và sự phân chia giai cấp cũng là một động lực quan trọng, thúc đẩy xã hội phát triển.

Cũng dọc đôi bờ Mã Giang, Lương Giang, còn vô số câu chuyện từ thuở hồng hoang của loài người, đã được kể lại đầy sinh động và thuyết phục qua các di chỉ khảo cổ núi Đọ, núi Nuông. Đi từ thời đồ đá, với các mảnh tước, rìu đã dùng trong săn bắt, hái lượm; qua thời đại đồng thau với nhiều vật dụng bằng gốm nung như nồi, vò, bát, đĩa... con người đã bước một bước dài hàng vạn năm để chuyển từ người nguyên thủy “ăn lông ở lỗ” sang lớp cư dân Cồn Chân Tiên – cốt lõi đầu tiên làm cơ sở hình thành bộ Cửu Chân thuộc nhà nước Văn Lang sau này. Đồng thời, từ văn hóa Cồn Chân Tiên, con người nơi đây đã mở dần cánh cửa để bước chân vào nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Việc người nguyên thủy chọn vùng núi Đọ, núi Nuông làm nơi quần tụ, chắc hẳn là bởi những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cuộc sống thời bấy giờ. Song, điều đáng nói và đáng quý hơn cả, những con người từ buổi đầu tiên ấy, trải qua cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt suốt hàng nghìn năm đã luôn gắn chặt cùng “mảnh đất được chọn” để tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, đầy thuyết phục và đầy tính văn hóa.

...

Trên hành trình dằng dặc và không mệt mỏi, sông Mã cùng với tri kỷ của nó, không chỉ làm nên vẻ đẹp “Bàn A thập cảnh”; mà còn bồi đắp và gìn giữ cùng lịch sử dòng sông, vô số lớp văn hóa rực rỡ và giàu giá trị, mà làm nên vùng đất cổ xứ Thanh.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]