(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi trở lại huyện Cẩm Thủy vào những ngày sau lũ. Nhiều ruộng lúa đang vào độ chín vàng, những bãi mía đang ở thời kỳ tích mật... vẫn nằm sâu trong lớp bùn đất dày, xám xịt. Trên nét mặt của mỗi người nông dân nơi đây vẫn nặng những nỗi suy tư, khi kế sinh nhai không còn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng gọi từ đồng đất

Chúng tôi trở lại huyện Cẩm Thủy vào những ngày sau lũ. Nhiều ruộng lúa đang vào độ chín vàng, những bãi mía đang ở thời kỳ tích mật... vẫn nằm sâu trong lớp bùn đất dày, xám xịt. Trên nét mặt của mỗi người nông dân nơi đây vẫn nặng những nỗi suy tư, khi kế sinh nhai không còn...

Đất bãi trồng ngô và rau màu của xã Cẩm Lương trở thành bãi đất bùn hoang hóa.

Những bãi mía ngả nghiêng. Những dải đất chỉ trơ một màu xám bạc, gồ cao... là những gì chúng tôi nhìn thấy tại một số địa phương ở huyện Cẩm Thủy sau gần 1 tháng vùng đất này phải chịu “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên. Cơn lũ dữ tràn qua cuốn phăng biết bao tài sản, nhà cửa và vùi lấp đi những thành quả lao động của người dân, để lại biết bao ưu tư, sầu muộn và những ám ảnh dai dẳng. Có lẽ vì thế mà giữa cái nắng oi ả sau chuỗi ngày mưa, bà Phạm Thị Lược, thôn Kim Mẫm 2, xã Cẩm Lương vẫn chẳng thể rời khỏi cánh đồng - nơi cách đây chừng 1 tháng được xem là vựa lúa của thôn, giờ chỉ còn một màu xám của sình lầy đặc quánh. Thẩn thơ lội ruộng, mò mẫm như vớt vát chút hy vọng, nhưng bà Lược chỉ biết thở dài: “Mất hết rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa, toàn bộ lúa, ngô đã thối hết. Bùn đất dày thế này cây cối nào sống nổi, biết đến khi nào gột gỡ hết lớp bùn đất này để sản xuất trở lại đây?”. Nói rồi bà lại cặm cụi lội khắp ngả, vớt những bông lúa đã thối đen nhô lên khỏi bùn lầy. Nét mặt khắc khổ, buồn bã của bà Lược như ẩn chứa biết bao nỗi niềm. Đó là sự hẫng hụt, mất mát nhưng hơn tất cả có lẽ là sự bất lực khi 6 sào ruộng vốn là kế sinh nhai của 4 khẩu gia đình chưa biết đến khi nào mới có thể hồi sinh.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tới vùng bãi đất ven sông, nơi từng xem là niềm tự hào của xã Cẩm Lương về phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, anh Lê Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương, vừa đi vừa kể: Bãi đất ven sông này rộng khoảng 13 ha, người dân luân canh hoa màu 4 vụ/năm, nào ngô, lạc, rau màu... mang lại thu nhập hơn 100 triệu/ha/năm cho người dân. Trù phú, màu mỡ là thế nhưng giờ đây thiên nhiên đã xóa sổ; bùn, đất, cát bồi lắng, phủ lấp trắng xóa, tiêu điều đến vậy đấy. Rồi, anh Bảo cứ như độc thoại, chất vấn chính mình và cả chúng tôi về cách hồi sinh, cải hóa vùng đất này. Tất cả các phương án đều bất khả thi khi anh nói, có những nơi bùn đất ngập sâu gần 1 mét, để cải tạo vùng đất này cần nhiều thời gian, kinh phí mà với nội lực hiện tại của địa phương và người dân, đó là một mục tiêu xa vời...

Rời vùng đất Cẩm Lương, chúng tôi đến xã Cẩm Bình, địa phương có khoảng 764/1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp trong lũ. Đón chúng tôi tại cổng làng Xăm, anh Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình đưa chúng tôi ra cánh đồng làng, nơi người dân đã và đang bắt tay phục hồi sản xuất. Người thu dọn những cây trồng bị bùn đất vùi lấp, làm chết, người cố dựng lại ruộng mía đổ và có những người đang chăm sóc thửa rau mới gieo hạt... Dùng khăn lau từng thân mía, bà Nguyễn Thị Hương, làng Xăm, buồn rầu nói: Gia đình có hơn 4,5 ha mía, trong đó vùng đất cao trồng mía tím, mía ép nước, vùng thấp trồng mía nguyên liệu. Gần 2 ha mía tím và mía ép nước, trước khi cơn lũ ập đến, gia đình bà đã nhận cọc tiền đồng ý bán cho thương lái với giá 10 triệu đồng/sào. Giờ, ruộng tan hoang, mía bị ngâm cả tháng trời trong bùn, đất, chất lượng không bảo đảm, chúng tôi đã phải trả lại tiền cọc và lo không biết bán cả khu có đủ tiền công thu hoạch, vận chuyển chứ mong gì đến thu hồi vốn, thu lời. Giờ tôi cũng không biết làm gì, cứ lau sạch từng cây mong có người đến mua, còn giải phóng ruộng, tìm cách sản xuất trở lại. Nhưng đồng lầy, đường ngập ngụa như thế biết đến khi nào?...

Lũ qua đi, người dân xã Cẩm Bình đã dồn sức xóa dấu tích mà nó để lại nhưng xóm làng vẫn còn tan hoang, ruộng đồng vẫn còn xơ xác, nhiều nông dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại những khủng khiếp của mưa, lũ vừa qua. “Không khóc nữa, đứng dậy ra đồng thôi!”. Họ đã động viên nhau như thế. Vì hiểu rằng những mất mát đã qua không thể lấy lại bằng nước mắt mà phải gồng mình đứng dậy để làm lại từ đầu. Và người dân hiểu rằng, ở thời điểm hiện tại, đồng đất địa phương cần bàn tay họ cải hóa, hồi sinh càng sớm càng tốt. Nhưng chính quyền và người dân xã Cẩm Bình gần như bất lực trước lớp bùn đất phủ dầy cả mét. “Theo kinh nghiệm và hướng dẫn của ngành chuyên môn, lớp bùn đất này vốn có hàm lượng phù sa lớn nhưng bết dính, không có không khí lại lẫn tạp nhiều thành phần nên cây trồng khó sinh trưởng, phát triển. Không có cách nào khác là phải cải tạo đồng đất, khử tạp chất mới mong sản xuất trở lại. Với những vùng bị đất, bùn bồi lấp dày dưới 10cm, thì đợi khi nắng ráo có thể dùng sức người để cày xới, gột gỡ lớp phủ trên bề mặt, giảm độ ẩm tăng không khí trong đất thì mới có thể gieo trồng lứa cây mới; còn với những khu vực bị vùi lấp sâu hơn phải đưa máy móc cơ giới vào cải tạo, đào xới... Tuy nhiên, giao thông nội đồng hầu như bị xói mòn, hư hỏng nặng. Khó khăn chồng khó khăn, nhiều vùng đất của địa phương sẽ mất một thời gian dài mới mong canh tác trở lại được”, anh Lê Minh Đức, chia sẻ.

Theo tiếng gọi từ đồng ruộng, nông dân vùng lũ đã ra đồng để phục hồi sản xuất. Họ biết phía dưới lớp bùn đất kia là cả khối tài sản, thành quả của thời gian lao động, dù tiếc nhưng nén lại đau thương để mong tìm lại màu xanh cho đồng ruộng. Song, với diện tích bị vùi lấp, khối lượng bùn đất nhiều và khó khăn như hiện nay thì việc cải tạo, phục hồi chưa thể thực hiện. Được mục sở thị tại một số địa phương ven sông Mã, chúng tôi nhận thấy hàng trăm ha đồng đất bị bùn đất phủ kín, chưa thể khôi phục sản xuất, hàng nghìn ha cây trồng đang gắng gượng vươn lên khi bùn, đất, cát, rác... quấn quanh mình. Lật lại báo cáo thiệt hại của UBND huyện Cẩm Thủy, trên địa bàn vẫn còn hơn 420 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất bãi ven sông bị vùi lấp hoàn toàn không có khả năng cải tạo để sản xuất vụ đông 2018-2019, kéo theo đó là hàng trăm nghìn hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất. Mọi nỗ lực, hỗ trợ đang được hướng về vùng lũ, về những hộ dân nghèo của địa phương, song đó chỉ là những trợ lực trước mắt. Về lâu dài, người dân cần đất sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống. Như lời đồng chí Ngô Văn Hạnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Việc khôi phục sản xuất nông nghiệp trên vùng đất lũ là điều rất khó khăn. Diện tích này tuy nhiều phù sa nhưng không có độ tơi xốp, sít dính, lẫn nhiều tạp chất nên khó để trồng cây. Kinh phí để khắc phục thiệt hại đối với vùng đất nông nghiệp bị vùi lấp là rất lớn. Do đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đang rất cần sự chung tay hỗ trợ để từng bước khắc phục tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp và để màu xanh, sự trù phú trở lại trên những cánh đồng...


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]