(Baothanhhoa.vn) - Năm 2018 toàn tỉnh đã đưa được 10.020 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó 11 huyện miền núi đưa được 2.760 lao động, nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng gần 30.000 người. Số tiền người lao động gửi về nước trên 100 triệu USD. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lao động

Năm 2018 toàn tỉnh đã đưa được 10.020 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó 11 huyện miền núi đưa được 2.760 lao động, nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng gần 30.000 người. Số tiền người lao động gửi về nước trên 100 triệu USD. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lao động

Từ nguồn tiền đi XKLĐ, một gia đình ở xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) đã xây dựng ngôi nhà khang trang với tiện nghi đầy đủ.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Lao động việc làm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường XKLĐ tập trung chủ yếu vẫn là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út... trong đó 2 thị trường trọng điểm là Đài Loan và Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động cao, đa dạng các ngành nghề, có điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt và ổn định nên được nhiều lao động đăng ký tham gia (chiếm khoảng 80% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài). Ngoài ra, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà lao động của tỉnh đáp ứng tốt, điển hình như lao động trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý và lao động trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp đã tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động tham gia thị trường XKLĐ. Đặc biệt, một số thị trường châu Âu có nhu cầu tiếp nhận lao động nhiều như: Ru-ma-ni, Ba Lan, Na Uy là điều kiện khá thuận lợi cho công tác XKLĐ của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nhiều địa phương có phong trào XKLĐ tốt, đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: TP Thanh Hóa 620 người, Yên Định 620 người, Đông Sơn 670 người, Hậu Lộc 564 người... Đặc biệt, một số huyện miền núi thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ nên có số người tham gia vượt chỉ tiêu so với kế hoạch như: Cẩm Thủy 550 người, Thạch Thành 420 người, Ngọc Lặc 350 người, Như Xuân 280 người... Đáng chú ý, có huyện có năm không có người đi XKLĐ thì đến năm 2018 đã ”khởi sắc” như huyện Mường Lát đã đưa được 70 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Có được những con số ấn tượng trên, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về XKLĐ cũng như công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp, tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ của Trung ương và địa phương. Lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia XKLĐ. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có khả năng, uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động XKLĐ trên địa bàn nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa các hoạt động dịch vụ môi giới vi phạm pháp luật, đưa hoạt động XKLĐ của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tăng nhanh về số lượng, chất lượng và ngày càng hiệu quả.

Cùng với những giải pháp cụ thể, sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể trong công tác XKLĐ phải kể đến những đóng góp tích cực của trên 50 doanh nghiệp XKLĐ về phối hợp tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tham gia tuyển chọn và cung ứng được nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, như: Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát; Công ty CP Xây dựng, Cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (TAMAX); Công ty CP Du lịch IIG; Công ty Việt Nhật; Công ty CP Đầu tư và Cung ứng nhân lực Hoàng Long... Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc chi nhánh Công ty TAMAX tại Thanh Hóa cho biết: Tuy thành lập chi nhánh tại Thanh Hóa mới được thời gian ngắn nhưng đã đưa được hơn 2.500 lao động đi XKLĐ. Ngoài các thị trường truyền thống như Đài Loan, UAE, Ả-rập Xê-út, công ty còn mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, trong năm 2018 công ty đã đưa được 120 lao động sang Ru-ma-ni làm việc với mức thu nhập ổn định từ 18 đến 24 triệu đồng/người/tháng.

Là huyện nằm trong danh sách top đầu của tỉnh có phong trào XKLĐ luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao, ông Trương Thanh Quế, phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa, cho biết: Bình quân mỗi năm huyện đưa được từ 450 đến 600 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2018, toàn huyện có 792 người đi XKLĐ, đạt 132% kế hoạch tỉnh giao, trong đó nhiều lao động đã tiếp cận được thị trường mới, có thu nhập cao như: Anh, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Cô-oét, Đức... Một số xã thực hiện vượt kế hoạch, chỉ tiêu giao là Hoằng Đạt, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Ngọc,... Ngoài tuyên truyền đẩy mạnh XKLĐ, huyện thực hiện kịp thời chính sách khuyến khích, hỗ trợ người đi XKLĐ lần đầu theo hợp đồng. Trong năm, huyện tiến hành thụ lý được 626 hồ sơ và đã hỗ trợ được 230 hồ sơ với số tiền hỗ trợ là 690 triệu đồng.

Không nằm trong danh sách tốp đầu có phong trào XKLĐ tốt của tỉnh, song mỗi năm Quảng Xương có trên 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ông Bùi Sĩ Hào, phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội UBND huyện Quảng Xương cho biết: Có được những kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó lấy điển hình là những thôn, xã có phong trào đi XKLĐ và những người đã từng đi xuất khẩu để chứng minh cho những người chưa đi. Theo ông Hào, đây chính là biện pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao nhất, lôi cuốn được nhiều lao động địa phương tham gia. Với cách làm đó, đến nay ngoài những xã có truyền thống đi XKLĐ tốt như Quảng Tân, Quảng Trạch, Quảng Yên..., phong trào này đã phát triển mạnh đến các xã ven biển.

Dù có nhiều khởi sắc trong công tác XKLĐ, song số lao động có trình độ tay nghề mới chiếm khoảng 50%, còn lại hầu hết là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động xuất khẩu hiện nay, người lao động cũng khó tiếp cận với thị trường tiềm năng, thu nhập cao do yếu cả về ngoại ngữ và tay nghề. Trong khi một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của XKLĐ trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động hoạt động kém hiệu quả đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân muốn đi XKLĐ. Do cơ hội vào thị trường có thu nhập cao khó khăn dẫn đến nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng lao động theo chương trình EPS ở Hàn Quốc không chịu về nước khiến thị trường này không còn rộng mở cho lao động Thanh Hóa...

Để đảm bảo mục tiêu đưa được trên 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 và những năm tiếp theo, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh cần quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt là thị trường có thu nhập cao, cần thu hút doanh nghiệp cung ứng lao động có năng lực, uy tín và nhiều đơn hàng về các địa phương tuyển chọn người đi XKLĐ. Đối với các địa phương chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực XKLĐ cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận được thị trường có thu nhập cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cần thực hiện tốt chính sách cho vay và nhu cầu vay vốn XKLĐ. Trong đó ưu tiên đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Mặt khác, các địa phương cần tuyên truyền, vận động để giảm tỷ lệ lao động Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động, không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp xuống còn dưới 30%... Có như vậy, mục tiêu đưa trên 10.000 người đi XKLĐ mới trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]