(Baothanhhoa.vn) - Nhìn lên vì kèo luồng đang oằn mình chống đỡ mái ngói xiêu vẹo, chị Lê Thị Dung buông tiếng thở dài, đưa ánh mắt một vòng theo bức tường nhà ngang dọc vết nứt nghiêng xuống dòng Kênh Vinh. Ngoài kia, con đường Duy Tân vừa được thảm nhựa, nhộn nhịp người xe mang theo quất, đào, kẹo bánh. Chị mong niềm vui sẽ sớm về với gia đình mình cùng hơn trăm hộ dân trên xóm “quy hoạch treo” này.

Thăm xóm... “chờ bố trí tái định cư”

Nhìn lên vì kèo luồng đang oằn mình chống đỡ mái ngói xiêu vẹo, chị Lê Thị Dung buông tiếng thở dài, đưa ánh mắt một vòng theo bức tường nhà ngang dọc vết nứt nghiêng xuống dòng Kênh Vinh. Ngoài kia, con đường Duy Tân vừa được thảm nhựa, nhộn nhịp người xe mang theo quất, đào, kẹo bánh. Chị mong niềm vui sẽ sớm về với gia đình mình cùng hơn trăm hộ dân trên xóm “quy hoạch treo” này.

Thăm xóm... “chờ bố trí tái định cư”Nằm trong căn nhà chật chội, chằng chịt vết nứt, chị Lê Thị Dung ở tổ dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) mong mỏi được chuyển đến nơi ở mới.

Chị Dung sinh năm 1973, nhà nằm trên đường Nguyễn Chích, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), hơn 20 năm về làm vợ anh Lê Xuân Hải, hai vợ chồng đến nay vẫn sống trong căn nhà xiêu vẹo. Cưới nhau về, chị làm lao động tự do, còn anh đi làm thuê trên con thuyền chở hàng rong ruổi trên những khúc sông, mỗi năm chỉ ghé nhà ít lần. Vợ chồng bươn chải là thế, song cũng chẳng dư dật là bao. Đã thế, gần 4 năm trước, sau cơn bạo bệnh, chị bị liệt cả 2 chân, phải nằm một chỗ đến giờ. Hoàn cảnh vốn khó khăn, lại phải mượn người trợ giúp việc nhà, nên nhà chị trở thành hộ nghèo và nay là cận nghèo. Căn nhà cấp 4 chật hẹp, xuống cấp như sắp tuột xuống sông Kênh Vinh ấy vẫn là nơi sinh sống của 2 mẹ con chị trong nhiều năm qua. Những lúc mưa bão, cả nhà phải xin tá túc ở nhà mẹ đẻ.

Chị buồn rầu nói: “Nếu được sửa chữa, thì vợ chồng cũng vay mượn để căn nhà không thấm dột, cuộc sống đỡ vất vả. Nhưng mà có tiền cũng không sửa được, không ai cho phép, vì căn nhà đã là tài sản của Nhà nước. Hôm nào trời mưa to, chỗ tôi nằm cũng bị dột, phải đặt cả xô, chậu lên giường”.

Hỏi về nghịch lý có tiền nhưng không được sửa nhà, ông Nguyễn Đức Cảnh, tổ trưởng tổ dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn, trầm ngâm: Không chỉ riêng nhà chị Dung, từ khoảng năm 2010, hơn 100 hộ dân trong tổ dân phố sinh sống dọc bên bờ Kênh Vinh được thông báo vào vùng quy hoạch thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu úng Đông Sơn (gọi tắt là Dự án tiêu úng Đông Sơn - PV), sẽ được di dời đến nơi ở mới tốt đẹp hơn. Đến năm 2016 phần nhiều trong số họ đã nhận tiền đền bù tài sản, vật kiến trúc trên đất, chờ nhận đất tái định cư. Nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ quan nào thông báo lúc nào bà con sẽ được di dời đến nơi ở mới. Thành ra họ vẫn phải ở trong những căn nhà lụp xụp, xuống cấp mà không được phép sửa chữa, xây mới, hay chuyển nhượng đất.

Cách nhà chị Dung không xa, hộ gia đình ông Đỗ Ngọc Dung (sinh năm 1963) cũng chẳng khác là bao. Cả nhà ông gồm 2 vợ chồng và một đứa con đã phải ở trong một căn nhà chỉ độ hơn 15m2 và một công trình phụ từ nhiều năm nay. Trên hai công trình tách bạch ấy nằm nghiêng xuống dòng Kênh Vinh cũng đã chi chít vết nứt. Ông nói có làm đơn xin sửa chữa, trám vá lại, xong không được, đành phải căng bạt che mưa.

Thăm xóm... “chờ bố trí tái định cư”Dọc theo đường Duy Tân, bên phía bờ sông Kênh Vinh là nhấp nhô những căn nhà xuống cấp.

Đi dọc con đường Duy Tân, từ cầu Bốn Voi ra âu thuyền phía bờ Kênh Vinh giờ đây nhấp nhô những căn nhà xuống cấp, tường vôi hoen ố, mái ngói mấp mô. Nhiều căn đã nứt toác, nghiêng ra phía bờ sông tưởng như có thể đổ sập bất kể lúc nào. Ở đây, tuy điều kiện kinh tế, mức thu nhập của người dân và kiến trúc nhà có khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những căn nhà thường được phủ, hoặc che bạt. Phía dưới kia là dòng nước Kênh Vinh quặn đục lững lờ như giằng níu những dở dang của một đại dự án mang tên tiêu úng Đông Sơn, níu lại khát vọng, niềm mong mỏi về sự ổn định của hàng trăm hộ dân ven bờ.

Nhìn những ngôi nhà ấy, ông Cảnh đượm buồn, rồi hướng ra bờ lau đang phất phơ trong gió, như giấu đi bao nỗi niềm dọc ngang. Rồi ông dẫn tôi về thăm nhà văn hóa tổ dân phố lợp bằng proximăng đã chằng chịt vết gia cố. Căn nhà được xây dựng phía dưới nền đất thấp đã lâu, rồi do sụt lún nên ông chỉ cần đứng trên mặt đường Duy Tân đã chạm được trên mái. Chỉ còn ít ngày nữa tổ dân phố Tiền Phong sẽ kiện toàn lại tổ chức, ông không tham gia làm trưởng phố nữa, nên đứng trước tôi, hầu như tâm can ông bị giằng xé điều gì đó với người dân. Ông nói: “Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền, qua tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND cấp trên, song do Dự án tiêu úng Đông Sơn dang dở, nên bà con chưa biết đến bao giờ mới có đất tái định cư để di dời đến nơi ở mới”.

Ông kể về lịch sử hình thành khu dân cư bên bờ sông này. Theo đó, những năm 50 của thế kỷ trước, dọc trên sông Nhà Lê, sông Kênh Vinh, sông Mã có rất nhiều hộ dân sinh sống, làm nghề đánh bắt cá, vận chuyển hàng hóa... Năm 1959 theo chủ trương của Đảng, bà con hợp lại và thành lập HTX vận tải đường thủy Tiền Phong, vận chuyển hàng hóa trên các dòng sông phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bản thân ông cũng từng tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm hàng hóa qua lại Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, rồi làm phó chủ nhiệm HTX từ năm 1989 đến năm 1991. Từ khoảng năm 1970 bà con bắt đầu lên bờ, định cư ven Kênh Vinh, sông Mã, họ sinh con đẻ cái, tạo làng, lập phố cho đến tận bây giờ.

Câu chuyện đời sống dân sinh ở tổ dân phố Tiền Phong cũng khiến Bí thư Đảng ủy phường Nam Ngạn Trần Đăng Thông thở dài: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Đảng, Nhà nước cấp trên quan tâm giải quyết, song tất cả đều gặp khó do các gói thầu của Dự án tiêu ứng Đông Sơn qua địa bàn phường bị ngưng trệ, dở dang”.

Ông cho biết địa bàn phường Nam Ngạn chịu ảnh hưởng của gói thầu số 17 và số 21, Dự án tiêu úng Đông Sơn với 248 hộ dân, 3 tổ chức và 1 nhà văn hóa phải di dời. Riêng gói thầu số 17 có 163 hộ dân và 1 nhà văn hóa dọc theo đường Duy Tân, thuộc 2 tổ dân phố: Hưng Hà và Tiền Phong bị ảnh hưởng. Trong số này đã có 145 hộ nhận tiền đền bù tài sản vật kiến trúc trên đất và chưa hộ nào được cấp đất tái định cư. Phường Nam Ngạn mong muốn cấp trên và cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cấp đất tái định cư, để bà con vùng chịu ảnh hưởng của dự án sớm ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa: Theo phương án được duyệt, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án tiêu úng Đông Sơn trên đường Duy Tân (đoạn từ cầu Bốn Voi ra âu thuyền) được bố trí tái định cư tại mặt bằng quy hoạch 5186, phường Nam Ngạn. Việc triển khai xây dựng mặt bằng quy hoạch này sắp hoàn thành.

Trên thực địa, mặt bằng quy hoạch 5186 phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án tiêu úng Đông Sơn đã cơ bản hoàn thiện nền đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước... Chẳng bao lâu nữa, bà con sinh sống trên đường Duy Tân bị ảnh hưởng của dự án sẽ được đến nơi ở mới. Và khi ấy, niềm mong mỏi, khát vọng ổn định cuộc sống bao lâu nay của chị Dung và hơn trăm hộ dân tổ dân phố Tiền Phong sẽ về.

Ghi chép của Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]