(Baothanhhoa.vn) - Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 13,51% năm 2016 xuống còn 2,2% cuối năm 2020.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 13,51% năm 2016 xuống còn 2,2% cuối năm 2020.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèoNhận bò hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là động lực để hộ bà Phạm Thị Đương ở xã Giao Thiện (Lang Chánh) nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Lang Chánh là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh và của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, huyện Lang Chánh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, để người dân phát huy tinh thần tự lực, chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước...

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, huyện kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và địa phương. Phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác phát triển kinh tế - xã hội từng xã. Huyện đã ban hành cơ chế khuyến khích cho các xã có thôn, bản giảm nghèo từ 10% trở lên/năm, với mức 30.000.000 đồng/thôn, bản.

Trong quá trình thực hiện, huyện tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, dự án, chính sách như: chương trình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu khác; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... Nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên, tính đến tháng 4-2021, huyện Lang Chánh giảm còn 645 hộ nghèo, chiếm 5,61%; 2.382 khẩu nghèo, chiếm 4,7%; 1.795 hộ cận nghèo, chiếm 15,6%.

Tại huyện Như Thanh, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, cần có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và đồng bộ của chính quyền, sự phối hợp tích cực của MTTQ và các đoàn thể; đồng thời phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; sự hỗ trợ của cấp trên thông qua các chương trình, dự án... UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động giảm nghèo cho cả giai đoạn 5 năm, hằng năm. Đồng thời, ban hành nghị quyết chuyên đề về xóa đói, giảm nghèo bền vững; kiện toàn ban chỉ đạo, phân công thành viên chỉ đạo cơ sở. Đặc biệt, khối MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ tiến hành rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của hội viên. Từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, chế độ hỗ trợ phù hợp để họ có điều kiện thoát nghèo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân trong hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Kiên trì mục tiêu mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội mỗi năm đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ ít nhất 1 hộ có điều kiện thoát nghèo; lấy kết quả xóa đói, giảm nghèo làm tiêu chí xếp loại tổ chức cơ sở đảng và xếp loại cán bộ, đảng viên...

Công tác giảm nghèo đã được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và Nhân dân trong toàn tỉnh tích cực tham gia. Các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội. Diện mạo các xã nghèo, đặc biệt khó khăn miền núi, vùng bãi ngang ven biển đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Thực tiễn cho thấy ở địa phương nào huy động được sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì ở đó thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và ngược lại. Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu giảm 5.931 hộ nghèo, tương ứng giảm 0,6% hộ nghèo so với năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu trên, sở tập trung phối hợp triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Ưu tiên đầu tư nguồn lực hỗ trợ cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống người nghèo, cận nghèo thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường, thông tin - truyền thông. Tiếp tục hỗ trợ, đỡ đầu các xã, thôn/bản có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%; thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát huy và nhân rộng các mô hình, dự án đã được triển khai thực hiện có hiệu quả; giảm dần chính sách cho không và mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, mới thoát nghèo. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động; thực hiện các giải pháp căn cơ, tạo đột phá trong công tác giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và hạn chế tái nghèo.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]