(Baothanhhoa.vn) - Một ngày như mọi ngày, bãi biển thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc lộng gió. Trong đám người cào, xúc bùn, kéo lưới, khênh vác trên cánh đồng nuôi ngao có những người phụ nữ ngày ngày miệt mài “cào cấu” biển để mưu sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhọc nhằn nữ “phu ngao”

Một ngày như mọi ngày, bãi biển thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc lộng gió. Trong đám người cào, xúc bùn, kéo lưới, khênh vác trên cánh đồng nuôi ngao có những người phụ nữ ngày ngày miệt mài “cào cấu” biển để mưu sinh.

Lao động nữ trên đồng ngao xã Hải Lộc (Hậu Lộc).

Nghề... “ngâm nước mặn”

Hơn 12 giờ trưa, tôi bì bõm theo chân những người lao động lội trên cánh đồng nuôi ngao của xã Hải Lộc. Cả một dải mấy km có hàng trăm chòi canh, nước rút để lộ những vệt loang lổ trên từng cọc chòi. Mỗi nhà chòi ấy để canh một vuông ngao. Bãi biển giữa trưa loang loáng ánh mặt trời phả vào mặt bùn cát quánh lầy. Có những gương mặt để trần, đen sạm. Có cả những cặp mắt lộ ra giữa khe khăn che mặt, nhăn nheo. Những vết chân của họ vừa kịp thành hình đã bị bùn chảy làm méo mó, rồi lấp đầy. Và, lẫn trong bùn cát là những con ngao mà những người phụ nữ ven biển có nhiệm vụ xúc, cào, rửa sạch mang về. Mấy người dân trong xã bảo cái nghề này vốn bạc, công cán chẳng được bao nhiêu, rát da rát thịt cùng muối biển mặn chát mà cũng không khấm khá được.

Tại vuông ngao nhà bà Nguyễn Thị Hưởng (57 tuổi, thôn Tân Lộc) những người phụ nữ đang cần mẫn cào đất, nhặt nhạnh những con ngao to đem bán. Công cụ khá đơn giản, chỉ cần một chiếc cào và một chiếc rổ nhỏ là đủ để các bà, các mẹ “tác nghiệp”. Chiếc cào được làm bằng sắt nhọn, có tay cầm như chiếc cào đất nhưng chỉ ngắn chừng 30cm. Giữa mùa đông, trời lạnh nhưng các bà, các mẹ chỉ mang trên mình chiếc áo khoác mỏng và manh áo mưa rách. Chẳng ai bảo ai, họ cứ thế cần mẫn làm việc.

Để nhặt được ngao, người cào ngao thường phải ngồi xổm hoặc quỳ 2 gối xuống bãi biển, một tay giữ cán cào rồi ghì chặt vào đầu cào ấn mạnh xuống đất và xúc lên từng mảng cát bùn, tay còn lại làm tơi đất để tìm những con ngao ẩn sâu trong lớp bùn. Cứ như thế, hai chân cùng đầu lưỡi cào làm “phương tiện” để họ di chuyển trên bãi biển mênh mông. “Ngao nhà tôi mới nuôi nên tôi chỉ khai thác những con ngao to, vì vậy công việc cũng rất nhẹ nhàng. Những nhà bên cạnh, ngao đủ ngày, đủ tháng, to, đầy, họ tập trung nhân công “vét vuông” thu hàng chục tấn. Vì thế, công việc của người lao động sẽ vất vả hơn gấp bội” - bà Hưởng cho biết.

“Tránh.. ra.. tránh... ra...”- Tiếng quát ở phía xa làm tôi giật mình, nhìn sang đầm ngao nhà bên, thấy hàng dài phụ nữ đang xếp thành hình cánh cung gò lưng kéo dải lưới dài mấy chục mét. Mỗi khi có những tiếng dzô “đi nào.. đi nào” là cả dải lưới nặng nề dịch lên phía trước, gom vào trong nó đầy bùn cát. Khi mẻ lưới đã gom được thành một đống to bùn cát, lập tức một người phụ nữ oằn lưng vác trên vai ống bơm loại “phi 10” nhào tới, dí vòi nước trắng xóa phụt sục cho bùn cát trôi đi để lộ ra những con ngao trắng tròn.

Đó cũng là lúc những người phụ nữ ở “hàng xúc” được tranh thủ “thở cho lại sức”. Một người phụ nữ mặt tím tái vì lạnh, thở không ra hơi hổn hển: “Nay nước xuống sớm, đi làm từ hơn 12 giờ trưa, chắc chỉ độ tối là về thôi, sớm chán”. - Vậy về muộn là khi nào? – “Vô cùng lắm. Có hôm đến đêm vẫn chưa xong ấy chứ...”.

Mỗi buổi cào ngao kéo dài theo con nước, thời gian lao động 8-10 tiếng. Biển vẫn luôn hào phóng với con người. Song, nó cũng rất khắc nghiệt về quy luật triều lên, xuống. Thế nên, những phận nữ phải gồng mình tận dụng thời gian khi con nước triều xuống làm thật nhanh, thật nhiều cho “được công”. Chính vì phụ thuộc vào con nước mà chị em thường xuyên phải lấy đêm làm ngày, ngâm mình ướt đẫm trong sương đêm, trong muối biển đến lợt lạt chân tay, lưng mỏi nhừ, mắt ngầu đỏ.

Đang dở câu chuyện, một phụ nữ khác đến giục: “Làm thôi có nhỡ hàng..”. Chỉ một loáng, cả 2 người phụ nữ đã khớp vào một hàng hơn chục chị em đang khom lưng cầm xẻng hỳ hục xúc bùn cát dồn thành từng luống dài trong lưới. Cứ thế, công việc của họ liên hồi, không lúc nào ngơi tay. Rồi sau đó lại thay nhau lặc lè khiêng những bao tải ngao nặng 60 – 70 kg đi hàng trăm mét ra phía tàu chở để tổ khác sàng, rửa một lần nữa trước khi đóng bao.

Gắn phận đời vào biển

Đến bãi biển xã Hải Lộc bây giờ, có lẽ người ta ít quan tâm đến đó là một bãi biển đánh bắt, thay vào đó là một hình ảnh, một tiếng vang về một “đồng ngao tiền tỷ”. Vâng. Không thể phủ nhận, giá trị kinh tế mà con ngao mang lại cho dân xã Hải Lộc.

Một cán bộ UBND xã Hải Lộc chia sẻ: “Nhờ con ngao mà mức thu nhập đối với nông dân khá hơn rất nhiều, nhưng cũng cực lắm...”. Cái sự “cực lắm” mà ông cán bộ đánh giá về lao động nữ ngày đêm trên cánh đồng ngao tôi được nghe từ trước khi lội xuống đồng ngao. Và khi đã “tận mắt thấy, tận tai nghe”, tôi càng thấu hiểu công việc nặng nhọc của những phụ nữ làm nghề khai thác ngao.

Chị Đoàn Thị Hội (sinh năm 1973) có 10 năm trong nghề, cho biết: “Cả ngày làm việc ngoài biển, nước vơi còn đỡ chứ nước đầy thì nguy hiểm lắm. Cào hay xúc đều mệt vì kéo theo nhiều bùn, cát và các loại rác thải nên rất nặng. Khổ nhất là mùa đông, vừa làm vừa run, hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập, môi ai cũng thâm tím vì lạnh. Nhìn người ta đi đường mặc áo đông, áo tây còn mình trước gió biển lạnh buốt, nghĩ mà tủi phận vì cũng là đàn bà!”.

Vừa dứt lời, chị Hội thở dài một tiếng rồi lại nhanh chóng tiếp tục công việc. Khi quá mệt, những nữ “phu ngao” ngồi bệt luôn xuống nền cát lạnh cóng. Không ai bảo ai cứ như thế họ lại miệt mài chìm nổi với con nước.

Bỏ chiếc khăn bịt kín trên mặt, bà Phạm Thị Sáu (60 tuổi), người có 20 năm “ngụp lặn” cùng con nước, cho biết: “Cái nghề này bạc lắm, chẳng biết chết khi nào đâu, nghĩ mà nước mắt chảy dài. Ngâm nước cả ngày về chân tay nhăn nheo, nhợt nhạt, tối nằm ngủ khắp người ê ẩm. Vất vả lắm, nhưng vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi vẫn phải bám lấy ngao”.

Theo lời bà Sáu, hầu như ai làm cái nghề này cũng đều bị bệnh đau lưng, đau khớp, bệnh da liễu và chuyện đứt chân do giẫm phải mảnh chai, mảnh sành, thủy tinh như cơm bữa, thậm chí bỏ cả mạng. “Mới đây, một người mới vào nghề, chưa nắm rõ quy luật thủy triều lên xuống, đang cào thì cát sụt đúng lúc thủy triều lên bất ngờ, bị nước cuốn chết đuối. Vài năm trước, cũng có người bị sụt xuống hố cát trong đêm tối, cát chôn chặt chân, không thoát ra được, chết đứng dưới nước. Rút kinh nghiệm, chúng tôi phải đi theo nhóm hai hoặc ba người để có thể giúp đỡ nhau lúc khó khăn nhưng cũng không biết trước thế nào được”, bà Sáu buồn bã nói.

Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề. Song, tất cả những người như bà Sáu, chị Hội hay vô số lao động tự do khác đều đang phải chấp nhận một thực tế là không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động và trang bị bảo hộ lao động, như: Quần áo, mũ, găng tay, giày, ủng... Chị Hội nói trong nghẹn ngào: “Đợt rồi, thằng con nhà tôi biết chuyện có người chết do đi lấy ngao, nó bảo tôi “mẹ đừng đi cào nữa nhé, nguy hiểm lắm”. Nghe nó nói mà lòng tôi như thắt lại. Biết là nguy hiểm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn. Thôi thì đời mình đã khổ đành cố gắng lo cho các con, mong sao sau này chúng nó không khổ như mình”.

Dẫu biết cái nghề này lắm nguy hiểm nhưng không ai dứt ra được. Vì cuộc sống của gia đình và tương lai của con cái thì dù vất vả đến mấy những nữ “phu ngao” vẫn có thể chịu đựng được...

Chiều muộn, phần vì thấm mệt, phần vì không dám làm phiền công việc của các bà, các mẹ nữa, tôi lội vào bờ tìm đến Trạm Y tế xã Hải Lộc. Nói về môi trường làm việc ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của phụ nữ “phu ngao”, chị Nguyễn Thị Huyền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Lộc, cho biết: Nghề làm ngao vất lắm. Chị em ăn, ngủ không điều độ lại làm việc trong môi trường ô nhiễm nên rất nhiều chị em mắc bệnh, như: Đau mắt, đau lưng, viêm phần phụ... Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nghỉ làm là không có thu nhập nên chị em ít khi đến cơ sở y tế để khám bệnh. Chỉ khi nào bệnh nặng mới tìm đến bác sĩ và thuốc thang thì lúc đó đã muộn”.

Tạm biệt chị Huyền, tôi ra về lòng trĩu nặng. Rất mong các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới lao động nữ, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8-3, tôi thầm chúc cho những người phụ nữ “không có 8-3” có cuộc sống thật bình yên giữa dòng đời...


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]