(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh lùi xa. Hào hùng, mất mát, đau thương... cũng đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. Vậy nhưng với những con người trực tiếp sống, chiến đấu dưới bom đạn ác liệt thì đó mãi là ký ức bất diệt. Vào một ngày cuối tháng tư, tôi tìm về xã biển Hoằng Hải (Hoằng Hóa), gặp những cụ bà trong Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải ngày nào để nghe kể về những tháng ngày không quên của hơn nửa thế kỷ trước.

Một thời hoa lửa trong ký ức những nữ dân quân Hoằng Hải

Chiến tranh lùi xa. Hào hùng, mất mát, đau thương... cũng đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. Vậy nhưng với những con người trực tiếp sống, chiến đấu dưới bom đạn ác liệt thì đó mãi là ký ức bất diệt. Vào một ngày cuối tháng tư, tôi tìm về xã biển Hoằng Hải (Hoằng Hóa), gặp những cụ bà trong Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải ngày nào để nghe kể về những tháng ngày không quên của hơn nửa thế kỷ trước.

Một thời hoa lửa trong ký ức những nữ dân quân Hoằng Hải

Trung đội phó Lê Thị Nhõi và chính trị viên Nguyễn Thị Thanh ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Điểm dừng chân là thôn Thanh Xuân (xã Hoằng Hải) trong căn nhà nhỏ của cụ bà Nguyễn Thị Thanh - nguyên chính trị viên Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải năm xưa. Trong buổi gặp gỡ hôm đó còn có cả cụ bà Lê Thị Nhõi - Trung đội phó. Câu chuyện của chúng tôi với các cụ bà bắt đầu bằng chia sẻ: “Những năm tháng ấy khổ lắm, nhưng mà vui thực sự. Vì luôn trong tâm thế “nay sống mai chết” nên con người ta sống vô tư, chiến đấu hết mình, chẳng bao giờ mảy may toan tính...”.

Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cùng với cả nước, một dải bờ biển, cửa sông, cửa lạch ở xứ Thanh trở thành mục tiêu phá hoại của kẻ địch nhằm “cắt đứt” tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Và vùng biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) trong những năm tháng ấy đã chứng kiến sự ác liệt vô cùng của cuộc chiến vệ quốc. Trong hoàn cảnh ấy, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Lạch Trường, đóng quân trên núi Linh Trường để trực chiến máy bay, tàu chiến của kẻ thù, song song chiến đấu với Trung đội lão dân quân Hoằng Trường.

Với địa thế phía Đông giáp biển, phía Nam giáp dãy núi Linh Trường và xã Hoằng Trường, xã Hoằng Hải trong chiến tranh có tuyến đường quốc phòng chạy qua dài hơn 2km. Đây là con đường chiến lược vận chuyển xe pháo, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm về cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) và Lạch Hới (Sầm Sơn). Vì thế, đây là một trong những xã nằm trong vùng chiến lược trọng điểm bắn phá “cửa ngõ ra vào” của máy bay Mỹ.

Hiểu rõ điều đó, cùng với việc xác định chuyển hướng chiến lược từ thời bình sang thời chiến thì địa phương còn được lệnh từ cấp trên canh gác khu vực bờ biển và núi Linh Trường. Bởi vậy, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải được thành lập với 16 thành viên, trong đó 15 người nữ đều ở lứa tuổi mới chớm đôi mươi. Người mới lập gia đình, người vẫn còn xuân xanh, sức trẻ căng tràn nhiệt huyết cho nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương.

Vốn là những cô gái miền biển quen với đan lưới, bắt cá, cào ngao... Cuộc đời chưa từng biết đến súng đạn sát thương. Ấy vậy mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Khi được tập hợp trong Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, không quản thời tiết mưa bão, đạn bom, họ đã nỗ lực miệt mài tập luyện sử dụng thành thạo vũ khí, bố trí trận địa trực máy bay trên dãy núi Linh Trường, vị trí đóng quân là đỉnh đồi 181 - nơi cao nhất của núi Linh Trường để thuận tiện cho việc quan sát, đồng thời được dễ dàng ngụy trang bởi cây rừng.

Các cụ kể lại: Khi ấy, mỗi người được cấp 18 kg lương thực, ít gạo, nhiều khoai sắn nên bữa đói nhiều hơn no. Tự nấu nướng, sinh hoạt với nhau ở trên đấy. Vì nấu nướng trên đỉnh đồi, lại phải tránh không để kẻ thù phát hiện nên cơm bữa sống bữa chín, thức ăn chủ yếu là muối rang... Thường xuyên thiếu rau xanh và cả thèm chút vị mặn mòi của biển. Tranh thủ những ngày mưa âm u máy bay giặc ít hoạt động, các chị em trong trung đội lại “đánh liều” xuống núi, men ra bờ biển cào ít dắt, ngao, kiếm vài con cá để cải thiện bữa ăn đạm bạc. Thậm chí là trở về vườn nhà vặt ít rau xanh rồi vội vã trở lên trực chiến. Và hành trang lên núi bao giờ cũng là nhiệm vụ “vác” thêm hòm đạn.

Ngày 11-11-1967, tốp máy bay của kẻ địch bất ngờ tiến công từ cửa biển Lạch Trường vào đất liền. Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải bình tĩnh đồng loạt nổ súng. Và ngay từ loạt đạn đầu tiên, một máy bay Mỹ đã bị tiêu diệt. Sự kiện nữ dân quân Hoằng Hải bắn rơi máy bay lúc bấy giờ đã lan tỏa niềm tin và quyết tâm chiến đấu trong quân dân cả nước. Chỉ sau đó hai ngày (13-11-1967), Bác Hồ đã tặng Huy hiệu cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải và gửi thư khen với nội dung: “Thân ái gửi các cháu dân quân... Ngày 11-11-1967 các cháu đã chiến đấu dũng cảm bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu càng làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu, các cháu cũng luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi cùng bà con địa phương và quân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Được sự động viên, khen ngợi của Bác cùng các cấp lãnh đạo, Nhân dân, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải như được tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần chiến đấu hăng say. Chỉ sau đó 5 ngày, tức vào 16-11-1967, trung đội phối hợp với đơn vị xã bạn bắn rơi máy bay AD6 của kẻ địch. Và ngay sau đó, các cô gái anh hùng xã biển Hoằng Hải một lần nữa nhận được thư khen ngợi cùng Huy hiệu của Bác Hồ kính yêu. Chỉ trong chưa đầy tuần lễ, liên tiếp những chiến công đã được Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải giành được vô cùng vẻ vang.

Sau mỗi chiến công được lập, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải vất vả di dời trận địa nhằm tránh bị giặc phát hiện. Mùa đông rét buối, trời tối đen như mực, cả trung đội phải âm thầm chuyển pháo, súng đạn sang vị trí khác để bảo toàn lực lượng.

Sau những tháng năm kiên trì bám vững trận địa, năm 1968 Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Có người trở về cuộc sống dưới đỉnh đồi 181, có người lại tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, như Trung đội trưởng Hồ Thị Chuông đã tham gia thanh niên xung phong mở đường (tuyến đường từ Thanh Hóa đến Quảng Bình)... Mỗi người một số phận, người lấy chồng sinh con, nhưng cũng có người vẫn lầm lũi cuộc đời cô độc đến tận hôm nay vì hết chiến tranh thì đã “quá lứa lỡ thì”.

Ghi nhận chiến công và thành tích đóng góp trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa).

Cụ bà Lê Thị Nhõi - nguyên Trung đội phó Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải tâm tư: “Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải được thành lập với 16 thành viên, chiến đấu dưới bom đạn ác liệt nhưng may mắn không có ai hy sinh. Đến nay, 13 người còn sống, trong đó có 8 cụ đang sinh sống tại địa phương, cũng ở tuổi gần đất xa trời hết rồi. Mỗi người một số phận, nhưng nhìn chung hoàn cảnh đều không khấm khá. Chúng tôi chỉ mong có một nguồn quỹ nho nhỏ để chị em thăm hỏi nhau lúc ốm đau, dịp lễ tết... để cùng ôn lại kỷ niệm năm xưa...”.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]