(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, nhiều lớp cán bộ, sinh viên của Hủa Phăn (Lào) đã được cử đi học tại Thanh Hóa theo chương trình hợp tác về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa hai tỉnh. Khi trở về quê hương, trong số họ có người hiện công tác tại các cơ quan Nhà nước, có người làm việc tại các đơn vị tư nhân; song tất cả đều đang vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng có được qua thời gian du học, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Hủa Phăn nói riêng, đất nước Triệu Voi nói chung.

Lưu học sinh Lào - sợi dây gắn kết hai vùng đất

Những năm qua, nhiều lớp cán bộ, sinh viên của Hủa Phăn (Lào) đã được cử đi học tại Thanh Hóa theo chương trình hợp tác về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa hai tỉnh. Khi trở về quê hương, trong số họ có người hiện công tác tại các cơ quan Nhà nước, có người làm việc tại các đơn vị tư nhân; song tất cả đều đang vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng có được qua thời gian du học, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Hủa Phăn nói riêng, đất nước Triệu Voi nói chung.

Lưu học sinh Lào - sợi dây gắn kết hai vùng đất

Các cựu sinh viên Hủa Phăn từng học tại tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố của Việt Nam gặp gỡ phóng viên Báo Thanh Hóa.

Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn nằm ở ngay trung tâm thị xã Sầm Nưa xinh đẹp. Trò chuyện với giám đốc sở Bun Luôi Súc Thi Vông, người từng có thời gian dài sinh sống và học tập tại Thanh Hóa, chúng tôi tưởng chừng đang được gặp gỡ một người Việt trên đất Lào. Nói thành thạo tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, anh kể cho chúng tôi nghe về niềm vinh dự khi được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị, cùng những kỷ niệm khó quên khi còn là sinh viên trên mảnh đất Thanh Hóa. “Tôi có những người bạn thân là người Thanh Hóa, vì vậy, suốt nhiều năm sống và học tập tại đây, tôi được các bạn đưa đi tham quan nhiều địa danh nổi tiếng của quê hương các bạn, tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Việt Nam. Tôi am tường từng con đường, ngõ ngách của thành phố Thanh Hóa và có rất nhiều kỷ niệm liên quan đến con người và mảnh đất nơi đây”, đồng chí Bun Luôi Súc Thi Vông chia sẻ.

Ngoài đồng chí giám đốc, Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn còn có rất nhiều cán bộ, công chức khác đã và đang học tập tại tỉnh Thanh Hóa cũng như một số tỉnh, thành phố khác của Việt Nam. Chúng tôi được gặp đồng chí Bun Tha Vi Ki Săn Phông, phó giám đốc sở và các cán bộ khác như: anh Lam Thong, chị La... đều là những cựu sinh viên có thời gian gắn bó với đất nước Việt Nam. Tất cả họ đều nói, viết thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt và đang là lực lượng quan trọng trong công tác đối ngoại, hợp tác giữa hai nước, hai tỉnh.

Đặc biệt, nhiều cán bộ, sinh viên sau thời gian học tập tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền tỉnh Hủa Phăn. Qua sự giới thiệu của Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh bạn, chúng tôi được gặp anh Kai Pa Sinh Khăm Phắt. Hoàn thành chương trình đào tạo tại Trường Đại học Hồng Đức từ năm 2010, anh Kai về làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hủa Phăn. Để tiếp tục nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, anh quay lại Thanh Hóa theo học hệ cao học. Hiện nay, với tấm bằng thạc sĩ và những kiến thức tích lũy được, anh Kai Pa Sinh Khăm Phắt được bổ nhiệm chức danh Phó chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hủa Phăn.

Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao toàn diện, nhiều cựu sinh viên Lào còn là nhân tố trực tiếp tham gia triển khai thực hiện các chương trình hợp tác giữa hai tỉnh. Chị Vi Pha Văn, cán bộ Phòng Tổ chức, Sở Y tế tỉnh Hủa Phăn cho biết, sau thời gian học tập ở Thanh Hóa và trở về quê hương công tác, với lợi thế về tiếng Việt và kiến thức chuyên môn đã tiếp thu được, chị có nhiều cơ hội làm việc với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện các huyện giáp biên Quan Sơn, Mường Lát. Điều đó khiến chị cảm thấy rất vui và tự hào. “Ngành y tế của tỉnh Thanh Hóa rất phát triển. Thời gian qua, Thanh Hóa cũng đã hợp tác, giúp đỡ Hủa Phăn rất nhiều trong công tác chuyên môn”, chị Vi Pha Văn nhận định.

Không chỉ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhiều cựu sinh viên Lào hiện nay đang phát huy tốt vai trò tại một số công ty, doanh nghiệp tư nhân, có đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế ở tỉnh miền núi vốn còn nghèo của đất nước Lào. Anh Ăm Phay Sỉ Sôm Phu, tốt nghiệp ngành nông nghiệp tại Trường Đại học Hồng Đức, sau đó rẽ ngang sang làm cho Viễn thông Unitel - Chi nhánh tỉnh Hủa Phăn, một thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tại Lào. Song, những kiến thức, kỹ năng anh có được trên ghế giảng đường vẫn phát huy hiệu quả ở bất cứ môi trường làm việc nào. Đặc biệt, đối với anh: “Thời gian học tập tại Thanh Hóa giúp tôi hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam cũng như mảnh đất Thanh Hóa nói riêng, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Thanh Hóa có rất nhiều điểm du lịch đẹp, nổi tiếng, trong số đó tôi thích nhất là bãi biển Sầm Sơn. Các bạn sinh viên Việt Nam hiếu học và tốt bụng, luôn tận tình, giúp đỡ những lưu học sinh như chúng tôi trong cuộc sống cũng như học tập”.

Để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ về mọi mặt, những năm qua, nhiều lớp cán bộ của tỉnh Hủa Phăn còn được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng trình độ chính trị tại Thanh Hóa. Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 45 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn sang học trung cấp lý luận chính trị. Chị Ma Li Phon Thong Sổm Bắt, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hủa Phăn là một trong những học viên đang theo học tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Sắp xếp hợp lý công việc tại cơ quan, chị dành thời gian theo học đầy đủ các buổi học tại trường. Dù chưa thực sự thông thạo tiếng Việt, nhưng được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các thầy cô và bạn cùng lớp về nơi ăn ở và các điều kiện học tập, chị có thêm nhiều thuận lợi. Những kiến thức được học giúp chị củng cố công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở khoa; rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng vào điều kiện thực tiễn địa phương và nhận được sự tín nhiệm của cấp trên. Sau khi đi học một thời gian, chị Ma Li Phon Thong Sổm Bắt được bầu giữ chức vụ quan trọng trong Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hủa Phăn.

Khẳng định vai trò, những đóng góp của đội ngũ lưu học sinh từng học tập tại Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam đối với sự phát triển tỉnh Hủa Phăn, đồng chí Khên Thạ Nu Phút Thạ Vông Sa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh đồng thời đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động hợp tác giữa hai tỉnh trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Những cựu sinh viên sau khi trở về quê hương là lực lượng nòng cốt, góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quan trọng hơn, mỗi cựu sinh viên và sinh viên đang theo học tại Thanh Hóa còn là những người trực tiếp vun đắp mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa hai tỉnh, rộng hơn là giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Đồng chí phó giám đốc sở bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để số lượng sinh viên Hủa Phăn được sang học tập tại Thanh Hóa tăng thêm về số lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh bạn.

Là những “sứ giả” hữu nghị, những cựu sinh viên, sinh viên Lào đã và đang sinh sống, học tập tại Thanh Hóa cũng như các tỉnh, thành phố khác của nước Việt Nam góp phần đưa công tác đối ngoại Nhân dân lên một tầm cao mới, khẳng định và vun đắp mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai tỉnh, hai nước. Tình cảm của mỗi “sứ giả” đối với mảnh đất và con người xứ Thanh cũng chính là cơ sở quan trọng để hai địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực và cùng nhau phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Mai


Bài và ảnh: Nguyễn Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]