(Baothanhhoa.vn) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự biến động của giá xăng dầu, có thời điểm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ, kéo theo những khoản nợ lãi ngân hàng... Song, đó chưa phải là tất cả, mà ở thời điểm hiện tại các chủ tàu đang phải đối mặt với sự chuyển dịch từ lao động nghề biển sang các ngành nghề dịch vụ khác nên khó khăn trong tìm kiếm bạn tàu!

Khó khăn nghề biển...

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự biến động của giá xăng dầu, có thời điểm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ, kéo theo những khoản nợ lãi ngân hàng... Song, đó chưa phải là tất cả, mà ở thời điểm hiện tại các chủ tàu đang phải đối mặt với sự chuyển dịch từ lao động nghề biển sang các ngành nghề dịch vụ khác nên khó khăn trong tìm kiếm bạn tàu!

Khó khăn nghề biển...Lực lượng lao động đi biển là nam giới đang ngày càng giảm, khó tuyển do dịch chuyển lao động.

Sáng sớm ở Cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), không khí nhộn nhịp, tất bật cảnh mua bán, nhưng điều dễ nhận thấy đó là sự thiếu vắng của những lao động trẻ, thay vào đó là hình ảnh những phụ nữ trong độ tuổi lao động trung niên. Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc cho biết, nghề biển giờ khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Đa số lao động chủ yếu là phụ nữ làm hậu cần nghề cá; đi biển chủ yếu là những nam trung niên có độ tuổi 45 đến hơn 60. Tình trạng khó tuyển được bạn tàu đang diễn ra khá phổ biến mấy năm trở lại đây. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là nguồn thu nhập bấp bênh, không ổn định, lại nguy hiểm. Thay vì nối nghề cha ông, nhiều thanh niên đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động, hoặc hoạt động những ngành nghề dịch vụ khác...

Xoay sở vận chuyển khay cá từ trên tàu xuống cảng, anh Nguyễn Văn Cường, 22 tuổi, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) chia sẻ: “Tranh thủ thời gian chờ bay, sau khi hoàn tất các thủ tục để đi xuất khẩu lao động, tôi ra phụ giúp bốc dỡ, vận chuyển cá xuống cảng giúp tàu của gia đình”. Hỏi về nghề đi biển, anh Cường thẳng thắn cho hay, bản thân rất yêu quý nghề biển, muốn nối nghiệp cha ông vươn khơi, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, đi xuất khẩu lao động là ưu tiên số một với anh. Cũng theo anh Cường, sau khi đi xuất khẩu trở về, có nguồn vốn sẽ đầu tư nâng cấp công suất con tàu hơn 500CV của gia đình theo hướng hiện đại, an toàn và khai thác hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đức Phương (51 tuổi, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc), chủ tàu TH 90999TS cho rằng, vài năm trở lại đây nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu phải bỏ nghề vì không thể bám trụ, đặc biệt là sau đợt ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự biến động của giá xăng, dầu. Với tàu 420CV, ông Phương cùng các thuyền viên chủ yếu đánh chụp vùng biển quanh đảo Bạch Long Vỹ. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 7 đến 10 ngày, với 6 thuyền viên. “Nếu trước đây lao động đi biển chủ yếu là lao động trẻ có sức khỏe thì nay chủ yếu là trung niên 45 tuổi trở lên”, ông Phương nói.

Bên cạnh những khó khăn về việc tuyển lao động đi biển, thì theo ông Phương, để đủ điều kiện cho một con tàu có thể vươn khơi hiện tại cũng bị áp nhiều quy định hơn trước. Trong đó, có những quy định phù hợp, cần thiết để hướng đến sự chuyên nghiệp, an toàn trong hoạt động đánh bắt cá, song cũng có những quy định, việc áp dụng gấp khiến các chủ tàu chưa kịp thích ứng, thay đổi. Đơn cử như, việc mỗi tàu bắt buộc phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Việc tách rời hai điều kiện này đang gây ra những khó khăn nhất định. Với tàu TH 90999TS, thì chủ tàu như ông phải có chứng chỉ thuyền trưởng là dĩ nhiên, tuy nhiên máy trưởng thì phải do một thuyền viên khác đảm nhiệm. Việc này là bất cập, bởi việc tuyển được lao động đã khó, đầu tư cho thuyền viên đi học có chứng chỉ theo quy định và yêu cầu họ phải gắn bó với mình lâu dài càng khó hơn. “Để tạo điều kiện cho các chủ tàu hoạt động nên linh động việc chủ tàu được tích hợp quyền đảm nhiệm cả thuyền trưởng và máy trưởng thì tốt hơn” - ông Phương kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Toan (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) cho rằng, bên cạnh việc khó tuyển lao động nghề biển thì các chủ tàu cũng phải đóng nhiều loại phí khác nhau. Với phí bảo hiểm thân tàu là cần thiết, gần như các chủ tàu đều tham gia một cách đầy đủ, tuy nhiên khoản phí bảo hiểm thuyền viên gây ra những khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, nhiều tàu khoản phí này đóng không đồng đều, đa phần chỉ một vài lao động cố định, gắn bó thì chủ tàu đóng, còn lại thì không. Lý do, theo ông Toan là do số lao động này thường xuyên biến động, không cố định, gắn bó. Chuyến này theo tàu, chuyến sau lại nghỉ hoặc chuyển tàu khác.

Anh Nguyễn Văn Đô, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), chủ tàu cá 450CV cho biết, trước kia đội tàu của anh có 17 tàu nhưng giờ chỉ còn mươi tàu. Có chủ tàu phải bán, có chủ tàu nằm bờ đi làm thuê cho tàu khác. Không thể để tàu “mắc cạn” vì thiếu lao động, anh Đô đã phải huy động người thân trong gia đình quyết định ra khơi. Bất cập khi nguồn lao động là người trong gia đình không đáp ứng được yêu cầu nên việc đi biển không hiệu quả.

Theo thống kê, xã Ngư Lộc những năm gần đây, có hàng chục phương tiện rơi vào tình trạng phải bán, giải bản, hoặc bị phát mại tài sản do làm ăn thua lỗ. Thậm chí nhiều tàu đóng theo Nghị định 67 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, anh Tôn Đức Anh (xã Hòa Lộc), cho biết: “Tôi không nghĩ bản thân hơn 20 năm theo nghề, bám biển, cuối cùng phải bỏ nghề để tìm đến một công việc mới”. Theo anh Đức Anh kể, năm 2017, anh là một trong số ít chủ tàu tại địa phương được xét duyệt đủ điều kiện tham gia đóng mới theo Nghị định 67. Để sở hữu con tàu trị giá hơn 13 tỷ đồng từ dự án này, gia đình được ngân hàng hỗ trợ cho vay 70%, tương đương với 9,8 tỷ đồng. Anh phải huy động, vay mượn hơn 4 tỷ đồng nữa để con tàu hoàn thiện, vươn khơi. Nào ngờ, thời điểm đầu tư, hết ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại đến giá xăng dầu tăng... khiến cho những chuyến vươn khơi thua lỗ triền miên, không còn khả năng trả nợ ngân hàng, ngày 7-7-2022 con tàu đóng mới hơn 13 tỷ đồng của anh đưa ra đấu giá còn 1,3 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc thừa nhận, nghề biển đang ngày khó khăn, biểu thị qua số lượng tàu thuyền ra vào cảng những năm gần đây ngày càng giảm. Đối với các chủ tàu, số lượng lao động vươn khơi đang bị già hóa, thiếu hụt do chuyển dịch sang các ngành nghề khác, như: đi xuất khẩu lao động, làm công nhân tại các khu công nghiệp... Đối với những tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ kém hiệu quả, không tuyển được lao động buộc họ phải tìm giải pháp nâng công suất, hoặc bán tàu chuyển nghề. Nguy cơ thiếu hụt lao động là rõ nếu như không có giải pháp đào tạo, bổ sung kịp thời.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu lao động nghề biển không chỉ là câu chuyện của riêng huyện Hậu Lộc mà là khó khăn chung của các huyện ven biển trong cả tỉnh. Trong khi các khóa, lớp đào tạo tại các cơ sở hiện nay mới chủ yếu dành cho các thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên mà rất ít các lớp đào tạo cho lao động làm nghề đi biển. Điều này đang là “rào cản” trước chủ trương khuyến khích đóng mới, nâng cấp phương tiện tàu thuyền công suất lớn ngày càng đòi hỏi về kỹ thuật, lao động tay nghề...

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]