(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 2.242 tàu cá, với hơn 3.590 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển khu du lịch biển, đô thị biển, làm ảnh hưởng sinh kế lâu dài của ngư dân. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có biện pháp căn cơ để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới sự phát triển hài hòa

Thanh Hóa hiện có 2.242 tàu cá, với hơn 3.590 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển khu du lịch biển, đô thị biển, làm ảnh hưởng sinh kế lâu dài của ngư dân. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có biện pháp căn cơ để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.

Điểm neo đậu tàu thuyền của ngư dân tại phường Trường Sơn.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều ngư dân khai thác hải sản trên biển. Với xu hướng phát triển hiện nay, nhiều khu vực ngư nghiệp đang dịch chuyển dần sang các ngành nghề phục vụ du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái biển dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đó là phát triển du lịch nhưng chưa đồng bộ, nhiều nơi người dân chưa bỏ việc đánh bắt hải sản, nhất là hải sản ven bờ. Tàu, thuyền, ngư lưới cụ không đảm bảo cũng như nghề chế biến thủy sản truyền thống tại một số địa phương diễn ra thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát, đang tạo ra hình ảnh không đẹp về cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân cư cũng như thu hút khách du lịch.

Trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển, nguồn thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, Việt Nam đang bị Liên minh Châu Âu cảnh cáo thẻ vàng vì có nhiều ngư dân không tuân thủ quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, thì yêu cầu chuyển đổi ngành nghề cho những ngư dân tại vùng ven biển thuộc các khu, điểm du lịch trong tỉnh càng trở nên cấp thiết.

Theo báo cáo, tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.242 tàu cá, với hơn 3.590 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển khu du lịch biển, đô thị biển, làm ảnh hưởng sinh kế lâu dài của ngư dân. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có biện pháp căn cơ để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, vừa tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận công việc mới phù hợp, vừa thúc đẩy du lịch phát triển.

Đáp ứng yêu cầu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Dự thảo tờ trình về thực hiện cơ chế, chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025. Trong đó, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế, chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã điều chỉnh các nhóm chính sách hỗ trợ trong dự thảo một cách phù hợp hơn, nhất là đề xuất mở ra hướng hỗ trợ chuyển đổi tàu cá khai thác ven bờ sang vận hành phục vụ du lịch.

Vấn đề này còn chờ cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, thông qua, nhưng bước đầu cho thấy một tín hiệu tích cực, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển hài hòa hơn giữa mục tiêu phát triển du lịch biển với phát triển kinh tế thủy sản bền vững; xây dựng, phát triển các khu du lịch biển ở Thanh Hóa hiện đại, thân thiện, có môi trường cảnh quan sạch đẹp, giảm áp lực khai thác thủy sản vùng ven bờ, từ đó ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho ngư dân.

Tuệ Minh


Tuệ Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]