(Baothanhhoa.vn) - Giữa bao hủ tục vây kín, đã có những phụ nữ dân tộc Mông tìm cho mình con đường để vượt qua hủ tục, thay đổi số phận. Họ trở thành những “cánh chim đầu đàn” mở hướng cho những phụ nữ cùng dân tộc thoát khỏi sự lạc hậu.

Hành trình đi tìm con chữ của người phụ nữ Mông

Giữa bao hủ tục vây kín, đã có những phụ nữ dân tộc Mông tìm cho mình con đường để vượt qua hủ tục, thay đổi số phận. Họ trở thành những “cánh chim đầu đàn” mở hướng cho những phụ nữ cùng dân tộc thoát khỏi sự lạc hậu.

Hành trình đi tìm con chữ của người phụ nữ MôngCô giáo Lâu Thị Cợ là người phụ nữ dân tộc Mông ở Mường Lát đầu tiên biết chữ.

Học để thay đổi cuộc đời...

Tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát - nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì chuyện cô gái dân tộc Mông - Lâu Thị Cợ, sinh năm 1981, vượt qua đói nghèo, băng rừng đi tìm con chữ, đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.

Khoảng 20 năm trước, trong khi những người đàn ông dân tộc Mông sớm thành danh trên con đường học tập, trong cộng đồng của họ và xã hội nói chung, “đến trường” dường như vẫn là một đặc quyền của nam giới. Cũng như bao phụ nữ Mông trên vùng rẻo cao xứ Thanh, mẹ Lâu Thị Cợ không muốn cho con gái đến trường vì phải giúp gia đình làm việc nhà hoặc đi lấy chồng. Cả một quãng thời gian dài, người phụ nữ Mông chỉ quẩn quanh với nương rẫy, rồi góc bếp, góc nhà. Bao người thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã lập gia đình rồi vội vã làm mẹ, đâu còn thời gian ra khỏi nhà, khỏi cửa, nói gì đến chuyện đi học chữ.

“Hiện nay, phụ nữ người Mông từ 40 tuổi trở lên hầu như không biết tiếng phổ thông. Đó là vì ngày xưa không được đi học. Khi tôi đi học, trong lớp chưa có một bạn nữ nào”, chị Cợ nói và cho rằng, quan niệm của người dân tộc Mông là thế, con gái là con nhà người ta, có đầu tư bao nhiêu thì cũng chẳng nhận được gì, vì sau khi kết hôn cũng làm giàu cho nhà chồng.

Dù thế, so với những thiếu nữ dân tộc Mông cùng thời, chị Cợ có một ông bố tiến bộ. Bố chị - ông Lâu Minh Pó thuộc thế hệ những người dân tộc Mông đầu tiên biết chữ. Gạt đi những rào cản từ gia đình và xã hội, ông khuyến khích con gái vượt ra ngoài những rặng núi quê hương đi tìm con chữ, xây dựng tương lai. Năm 12 tuổi, chị Cợ được bố viết hồ sơ xin học ở trường học tại trung tâm huyện. Người dân xung quanh rỉ tai nhau “có một đứa con gái Mông sắp đi học chữ” và không ngại buông lời ác ý “chẳng qua lười biếng, không muốn cày ruộng, chăn trâu nên mới xin đi học”.

Lần đầu học cách viết đoạn văn, chị Cợ biên một lèo những lời ngô nghê gửi về cho bố mẹ. Chị Cợ khi ấy không biết mẹ mình đã lưu giữ những dòng nguệch ngoạc như món đồ quý báu, tối tối mở ra nhờ chồng đọc lại cho nghe rồi quay đi lau nước mắt vì mừng. Ước mơ của người đàn bà mù chữ gửi gắm vào con đã thành hiện thực. Nhưng chị Cợ đã làm được nhiều thứ đầu tiên hơn là việc trở thành người phụ nữ dân tộc Mông tiên phong ở Mường Lát học hết lớp 9.

Hành trình đi tìm con chữ của người phụ nữ MôngCô giáo Lâu Thị Cợ trở thành tấm gương sáng để thế hệ trẻ ở Mường Lát học tập, noi theo, nhất là những em bé gái còn đang phân vân giữa việc ở nhà hay đi học.

Xuất phát chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa nên chị Cợ phải học đuổi để kịp chương trình. Học ngày, học đêm với nỗ lực không mệt mỏi, trong 4 năm (1990-1994), chị hoàn thành chương trình tiểu học và THCS. Đầu năm 1995, chị đăng ký theo học hệ sư phạm 12+2 và năm 2000 chị được phân công dạy ở Trường Tiểu học Pù Nhi. Hiểu được giá trị của việc có kiến thức, cô giáo Cợ tích cực vận động để ngày càng có nhiều bé gái dân tộc Mông biết đọc, biết viết.

“Ở Mường Lát vẫn còn những nơi không có đường bê tông nên người dân không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, nhận thức cũng còn hạn chế. Vì vậy, việc học chữ vô cùng quan trọng, vì không biết chữ cũng đồng nghĩa với việc mù thông tin”, chị Cợ cho biết.

... Bước qua rào cản

Thế nhưng, khoảng thời gian khi chị Cợ vừa đi học trở về, niềm tự hào của chị bỗng trở thành rào cản hôn nhân với những người đàn ông trong vùng. Họ ngại và không thích lấy vợ học cao. May mắn có chàng người Mông đi học dưới xuôi tò mò về cô gái học cao nhất vùng, lân la đến chuyện trò, trao đổi sách vở rồi nên duyên. Cũng chính anh là người giục chị phải học lên cao nữa.

Con gái vừa dứt sữa, năm 2007 chị Cợ đăng ký học đại học, địu cả con đi cùng. Ở nhà có mẹ, có chồng, nhưng chị Cợ quyết cho con ra huyện đi nhà trẻ sớm, va chạm sớm để quen với tiếng phổ thông. Trong mắt những người xung quanh, chị Cợ lại thêm một lần làm chuyện ngược đời. Lần này, chị có thêm chồng ủng hộ tinh thần. Sau hai năm, chị Cợ học đại học cũng là khi con gái hát được những bài hát tiếng Kinh đầu tiên ở mẫu giáo.

Cứ như thế, chị trở thành người phụ nữ dân tộc Mông tiên phong trong chuyện học hành. Để rồi sau đó, nhiều thiếu nữ dân tộc Mông khác cũng noi theo, hầu hết năm nào cũng có học trò nữ vào đại học.

Nhắc về cuộc đấu tranh với những định kiến năm xưa, chị Cợ mỉm cười nói giọng chân tình: “Mình chưa bao giờ xem điều đó là trở ngại, mà chính là động lực”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]