(Baothanhhoa.vn) - Với người dân Việt, tết cổ truyền là dịp đặc biệt để mỗi người hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp. Hình ảnh gia đình sum vầy bên mâm cơm tết, bánh chưng, câu đối đỏ, áo dài truyền thống... luôn khiến con người xúc động, hoài niệm. Mong muốn giữ gìn không gian tết xưa, nhiều gia đình, nhà hàng, trường học... đã lựa chọn một góc nhỏ để bày trí theo phong cách tết truyền thống, tái hiện lại không gian tết xưa như một cách để hoài niệm, để giáo dục con trẻ về những giá trị truyền thống tốt đẹp luôn trường tồn.

Gìn giữ tết xưa trong cuộc sống hiện đại

Với người dân Việt, tết cổ truyền là dịp đặc biệt để mỗi người hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp. Hình ảnh gia đình sum vầy bên mâm cơm tết, bánh chưng, câu đối đỏ, áo dài truyền thống... luôn khiến con người xúc động, hoài niệm. Mong muốn giữ gìn không gian tết xưa, nhiều gia đình, nhà hàng, trường học... đã lựa chọn một góc nhỏ để bày trí theo phong cách tết truyền thống, tái hiện lại không gian tết xưa như một cách để hoài niệm, để giáo dục con trẻ về những giá trị truyền thống tốt đẹp luôn trường tồn.

Gìn giữ tết xưa trong cuộc sống hiện đạiCác em học sinh trải nghiệm gói bánh chưng.

Những ngày cận tết, chợ Vườn Hoa hay các dãy phố bán đồ trang trí trên địa bàn TP Thanh Hóa vô cùng tấp nập. Ngoài những gian hàng truyền thống như cành hoa mai, hoa đào, quả lựu, đèn nhấp nháy với màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, thì vài năm nay trở lại đây, người dân có xu hướng lựa chọn những vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Việt xưa để trang trí như: mành trúc, cặp thúng, đôi nia, quang gánh, bàn ghế tre nứa, hay những đôi câu đối đỏ viết trên chiếc mẹt nhỏ...

Chị Hoàng Thu Thủy, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Tôi dành một góc nhỏ trong nhà, trang trí theo phong cách truyền thống với màu đỏ chủ đạo, các vật dụng trang trí đều gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống. Theo quan niệm của ông bà ta từ xưa, việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí trưng bày trong dịp tết sẽ giúp xua đuổi những vận hạn, những điều không may mắn của năm cũ, chuẩn bị đón nhận những điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới. Trang trí theo phong cách tết cổ truyền không chỉ đem đến không khí tết vui tươi mà việc khéo léo kết hợp các vật dụng bình dị còn góp phần mang cả một “hồn quê” thanh bình về nhà, trong những ngày xuân mới.

Gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đang ngày bị mai một, nhiều trường học trong tỉnh đã lên ý tưởng kiến tạo một không gian văn hóa như một cầu nối giữa các thế hệ xưa và nay với các chủ đề: “Mùa xuân trên quê hương em”, “Hội chợ xuân”, “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Hội trại tết”... nhằm mục đích mang trẻ em đến gần hơn với những nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động mang đậm bản sắc cổ truyền, thuần túy và bình dị, như: Trống hội, làm bánh chưng, tranh Đông Hồ, nặn tò he, vẽ tranh tết, biểu diễn múa rối nước... tái hiện không gian văn hóa, ẩm thực, phong tục tết cổ truyền, là dịp để các em học sinh được trải nghiệm các hoạt động “khó” tìm thấy trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mang đến những cảm nhận thực tế về phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa dịp tết cổ truyền của quê hương, dân tộc, tạo sự gắn kết, tinh thần giao lưu học hỏi...

Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Chương trình hoạt động giáo dục trải nghiệm “Mùa xuân trên quê hương em” được tổ chức với mong muốn các em học sinh được trải nghiệm ngay trên sân trường những hoạt động tết xưa với phiên chợ tết, xem múa rối nước, được tự tay nặn những con tò he đầy sắc màu, chơi trò chơi dân gian... nhà trường mong muốn thông qua chương trình hoạt động trải nghiệm các em học sinh sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của ngày tết cổ truyền, những nét văn hóa dân gian đặc trưng trong những ngày lễ, tết, để cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đã có từ xa xưa. Bên cạnh đó, mang đến cho các em những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ của tuổi học trò.

Xu hướng bài trí không gian tết xưa, tái hiện các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian ngày tết phần nào giúp cho mỗi người, mỗi thế hệ thêm nhớ, thêm yêu những nét đẹp bình dị của tết xưa.

Cô Trần Thị Liên, đường Đào Duy Anh, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cho biết: Tết đến, xuân về, gia đình tôi thường trang trí cây quất hoặc cành đào để tạo không khí tươi vui trong ngày xuân mới, cùng con cháu về quê tảo mộ, dọn dẹp nhà cửa cho sạch đẹp. Ngoài việc chuẩn bị quà biếu ông bà, cha mẹ còn chuẩn bị cả phong bì đỏ để lì xì cho con trẻ, cả nhà quây quần chuẩn bị cỗ cúng ông bà, tổ tiên cầu mong một năm mới bình an, thắng lợi. Đồng thời, ngày tết cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thông qua các hoạt động ngày tết, con cháu sẽ học được cách kính trọng người già, yêu thương, nhường nhịn em nhỏ, thành kính với tổ tiên những trải nghiệm thực tế mà không có trường, lớp nào dạy được.

Gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp ngày tết cổ truyền để thêm tự hào, trân trọng truyền thống văn hóa, lịch sử từ ngàn xưa của dân tộc, để mỗi người cùng nhận thấy trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]