(Baothanhhoa.vn) - Làng tôi – bạn có thể mường tượng ra phần nào rồi đấy – thật là một ngôi làng đẹp, khang trang và trù phú với trục đường bê tông thẳng như một vệt chì, dãy tường rào hoa rực rỡ bốn mùa, một ngôi đình bề thế và những mái nhà còn tươi màu ngói nhấp nhô giữa bạt ngàn cây lá.

Giá cho thêm mảnh đất

Làng tôi – bạn có thể mường tượng ra phần nào rồi đấy – thật là một ngôi làng đẹp, khang trang và trù phú với trục đường bê tông thẳng như một vệt chì, dãy tường rào hoa rực rỡ bốn mùa, một ngôi đình bề thế và những mái nhà còn tươi màu ngói nhấp nhô giữa bạt ngàn cây lá.

Giá cho thêm mảnh đất

Minh họa: Phạm Nam

Nhưng cũng như bao làng khác, làng tôi vẫn có những căn nhà tuềnh toàng, những phận người cơ cực. Đó là gia đình một cựu chiến binh chưa có một ngày bình an bởi di chứng chất độc da cam đày ải lên 3 thế hệ. Là cậu học trò phải đội trên đầu 4 vòng khăn trắng của ông, bà, bố, mẹ... Đó là những phận người được cả làng bao bọc, sẻ chia, nhưng chẳng nguồn lực nào đủ bù đắp cho những mất mát bất khả kháng.

Lẫn vào những con người yếu thế đó là anh Ất Ơ. Anh Ất Ơ tuổi trung niên nhưng dáng điệu như ông già cổ lai hy với cặp mắt lờ đờ, da dẻ nhăn nheo và vàng ủng vì rượu, dáng đi liêu xiêu như con cò trước bão.

Dạo vợ chồng anh Ất Ơ ra ở riêng, cũng được bố mẹ xây cho căn nhà cấp 4 nho nhỏ, có mảnh vườn đủ rộng và cấp cho cả đôi ba sào ruộng cùng đôi lợn giống.

Năm ấy anh Ất Ơ 25 tuổi, việc đầu tiên khi ra ở riêng là anh thịt đôi lợn giống làm món lợn sữa quay nguyên con mời bạn hữu đến đánh chén một trận tưng bừng để mừng nhà mới, mừng cuộc sống riêng. Anh Ất Ơ bảo, giá cám cao, giá lợn thấp, nuôi làm gì cho tốn công, phí của nên coi đôi lợn quay như món quà nhập xóm mới.

Năm 27 tuổi, khi đã tiêu hết những đồng cuối cùng của món hồi môn và quà cưới thì anh Ất Ơ quyết định bán đi sào ruộng đầu tiên để sắm một cặp điện thoại thông minh cho 2 vợ chồng cho bằng bạn bằng bè. Bố mẹ anh Ất Ơ than vắn thở dài vì tiếc ruộng và nói con trai lãng phí tiền của, thì anh bảo thời đại công nghệ, không có điện thoại thông minh thì sao mà làm ăn được.

Năm 30 tuổi, anh Ất Ơ không còn mảnh ruộng nào nhưng có thêm 2 đứa con. Căn nhà đã bắt đầu nứt tường, bong ngói. Vợ anh Ất Ơ khô cháy như con kéo vó vì phơi nắng phơi mưa làm thuê cuốc mướn. 2 đứa trẻ bụng ỏng đít beo vì bữa đói bữa no. Anh Ất Ơ vẫn vậy, khề khà đĩa lòng lợn với chai rượu từ sáng sang trưa, trơ bộ gọng ra ngáy từ trưa sang chiều và lại lật khật bên chai rượu từ chiều đến khuya. Gia đình, xóm giềng và bạn bè khuyên anh, thôi thì không đi làm công ty, xí nghiệp, thì cũng nên bỏ sức đi làm phụ hồ, cửu vạn mà lấy tiền đỡ đần cho vợ, chăm chút cho con. Anh Ất Ơ bảo, muốn đi làm thì phải lên phố huyện, thậm chí lên tỉnh thì mới có việc, mà muốn đi xa thì phải có cái xe máy, giá như có cái xe máy thì anh cũng kiếm được việc làm tươm tất như ai.

Thế là bố mẹ chạy vạy, bạn bè mỗi người một chút ít góp vào để mua cho anh Ất Ơ một cái xe máy, không mới nguyên nhưng bền, đẹp. Có xe, anh Ất Ơ cũng lên phố huyện, thậm chí lên cả tỉnh, ngày nay gặp bạn cũ ở quán bia hơi, ngày mai gặp người bà con trong quán thịt chó. “Ăn chùa” được một thời gian thì bạn bè và người nhà trên huyện, trên tỉnh cũng tìm cớ mà thoái thác những cuộc thăm hỏi của anh nhà quê siêng ăn nhác làm. Nhưng “quen hơi bén mùi”, để có bia tươi và mồi ngon mỗi ngày, ban đầu anh Ất Ơ cầm cố cái xe máy, vợ anh đứt ruột chuộc ra được vài lần, cuối cùng thì cũng đành nuốt nước mắt chịu mất đi tài sản quý giá nhất của gia đình.

Cũng từ khi không còn cái xe máy, gia đình anh Ất Ơ được xét vào danh sách hộ nghèo, nghèo hơn cả gia đình bác cựu chiến binh – vì không có cả khoảnh ruộng để mà đáp ứng nhu cầu lương thực thiết yếu cho gia đình. Năm 35 tuổi, căn nhà của anh Ất Ơ đã trống từ trong gia ngoài, mái ngói bong tróc, cửa bật bản lề.

Những lần họp xóm, họp làng, người người, nhà nhà nói anh Ất Ơ phải tu chí làm ăn, vừa để vợ con đỡ khổ, vừa không để ảnh hưởng đến phong trào thi đua của làng, của xã. Anh Ất Ơ lè nhè nói lại, muốn làm kinh tế, làm giàu thì phải buôn bán. Rằng anh cũng muốn buôn bán lắm, nhưng vì không có quán xá, nhà cửa lại tuyềnh toàng thì làm sao mà có cơ sở để buôn bán. Làng xã mà giúp được việc này, chả mấy chốc mà nhà anh giàu nhất làng ấy chứ.

Xót xa cho vợ con anh Ất Ơ và cũng vì hình ảnh, uy tín của làng, của xã, gia đình và cộng đồng huy động các nguồn quỹ xã hội, từ thiện để hỗ trợ gia đình anh một khoản tiền để chỉnh trang lại cửa nhà, xây một cái quán bán nhỏ bán đồ tạp hóa. Đó là năm anh Ất Ơ 37 tuổi.

Có quán, có hàng, anh Ất Ơ không còn cà kê quán xá đầu làng cuối xã - vì đám bạn nhậu được anh kéo về ngồi ngay tại nhà cho... sẵn rượu, sẵn đồ nhắm. Chừng được vài ba tháng thì cái quán tạp hóa nhà anh Ất Ơ chỉ còn trơ lại miếng bạt in dòng chữ “Hàng tạp hóa – Bia, rượu, nước giải khát. Kính mời”.

Làng, xã lại lôi anh Ất Ơ ra kiểm điểm, phê bình, rằng “con sâu làm rầu nồi canh”. Anh Ất Ơ cự lại, rằng làm ăn buôn bán phải có mặt tiền đẹp, đông dân cư nên buôn bán ở làng thì sao mà giàu được.

Anh Ất Ơ cũng chẳng phải đợi lâu, quy hoạch khu chợ mới của xã nằm ngay sát mảnh đất nhà anh, lần này là do doanh nghiệp đầu tư, nên quy mô bề thế lắm. Cũng vì thế mà giá đất ở xóm nhà anh Ất Ơ tăng vọt. Anh Ất Ơ nói với vợ, lần này thì giàu thật rồi. Giàu thật, vì tiền anh bán miếng đất có lẽ bằng gia sản tích cóp của cả một đời người.

Nhưng cái giàu qua mau, nghèo thì nhanh tới. Sau khi “đốt” hết tiền bán nhà vào chiếu bạc và lô đề, người làng thấy anh căng tấm bạt làm cái lều che nắng che mưa bên hông chợ, tứ cố vô thân. Người làng trách anh siêng ăn nhác làm dẫn đến cơ sự này, anh bảo do bố mẹ cho anh có 1 mảnh đất, giá cho thêm mảnh nữa thì đời anh đâu có nghèo khổ thế!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]