(Baothanhhoa.vn) - Xác định việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, những năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố trong quá trình làm việc, lao động, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người lao động (NLĐ), cũng như DN.

Doanh nghiệp chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Xác định việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, những năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố trong quá trình làm việc, lao động, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người lao động (NLĐ), cũng như DN.

Doanh nghiệp chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao độngCông ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) Thanh Hóa, thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) xây dựng quy trình làm việc an toàn và hiệu quả.

Nhận thức rõ bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc phát triển bền vững, cùng với việc chú trọng đầu tư đổi mới các dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) luôn quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Vì vậy, tất cả các công đoạn, từ khâu thiết kế đến giai đoạn thành phẩm đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Đặc biệt, công ty luôn chú trọng an toàn thiết bị máy móc, thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và giảm tác động xấu đến môi trường như bụi, rác thải, tiếng ồn. Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức mới về lĩnh vực ATVSLĐ cho công nhân; phổ biến rộng rãi nội quy, quy chế về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, độc hại có thể gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tạo môi trường làm việc tốt, phân bổ chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cho NLĐ được quan tâm,... công tác bảo đảm ATVSLĐ được chú trọng nên công ty chưa xảy ra sự cố trong sản xuất, kinh doanh.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ và tài sản của DN, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) Thanh Hóa, thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) đã xây dựng một quy trình làm việc an toàn và hiệu quả như: Xây dựng, vận hành, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; triển khai theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác sức khỏe, an toàn, môi trường, chất lượng (SKATMTCL) tại các bộ phận, nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh đảm bảo hiệu quả công việc, an toàn cho con người, tài sản và môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Công ty cũng trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân, theo dõi môi trường lao động và có biện pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp, cấp phát đầy đủ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm độc hại; 100% NLĐ làm việc tại công ty được khám sức khỏe định kỳ; 100% các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được khai báo, điều tra, thống kê báo cáo theo quy định của Nhà nước và thực hiện các biện pháp khắc phục phòng ngừa theo đúng quy định... Đặc biệt, công ty luôn đổi mới các hình thức tuyên truyền về công tác SKATMTCL như: Lựa chọn các chủ đề hay xảy ra tai nạn cho NLĐ như, tai nạn tay, mắt, điện giật... Đồng thời, hướng dẫn thực hành thực tế dễ hiểu, dễ nhớ và thiết thực nhất cho NLĐ để phòng ngừa các tai nạn tương tự trong quá trình sản xuất. Khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định ATVSLĐ, để xảy ra tai nạn sự cố nhằm giáo dục, quán triệt ý thức lao động về vấn đề an toàn, góp phần hạn chế và ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 21.000 DN đang hoạt động, trong đó có gần 1.000 DN thành lập được bộ phận hội đồng ATVSLĐ. Năm 2022, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho gần 127.000 người; tổ chức tập huấn, sơ cấp cứu TNLĐ, phòng chống dịch tại nơi làm việc cho gần 6.800 người; 309/8.320 cơ sở sản xuất tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 125.000 người; gần 19.500 người/24 cơ sở sản xuất khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; 56/59 người (chiếm 94,9%) tiếp xúc với atimăng được quản lý sức khỏe, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp... Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm gần đây nhiều DN đã triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, quan tâm đầu tư, xây dựng môi trường làm việc an toàn, góp phần đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. Nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ, năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch triển khai, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023; các quyết định về việc kiện toàn, quy chế làm việc của hội đồng ATVSLĐ tỉnh và các văn bản hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tích cực tuyên truyền về ATVSLĐ bằng việc in, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền; xây dựng, phát hành các ấn phẩm, thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tăng cường đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc tại nơi làm việc...

Hàng năm, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, người sử dụng lao động, NLĐ phụ trách công tác ATVSLĐ, NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ... Đối với các DN thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe NLĐ, quan trắc môi trường lao động, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước, các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ; xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm công tác ATVSLĐ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương về ATVSLĐ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phân tích các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ để có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm... Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giảm thiểu rủi ro về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]