(Baothanhhoa.vn) - Tạm lánh xa cái ồn ào, náo nhiệt của thành phố, dưới những cơn mưa dông bất chợt của ngày mùa thu tháng 9, chúng tôi tìm về Bá Thước, giữa màu xanh trải dài của núi rừng, cây cối là những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Thấp thoáng những ngôi nhà sàn bình dị nằm nép mình bên những sườn đồi bậc thang đan xen giữa nhiều ngôi nhà kiên cố đủ sắc màu đỏ, xanh... tất cả như tạo nên bức tranh trù phú, ấm no của người dân nơi đây.

Dáng dấp những làng quê đổi mới ở Bá Thước

Tạm lánh xa cái ồn ào, náo nhiệt của thành phố, dưới những cơn mưa dông bất chợt của ngày mùa thu tháng 9, chúng tôi tìm về Bá Thước, giữa màu xanh trải dài của núi rừng, cây cối là những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Thấp thoáng những ngôi nhà sàn bình dị nằm nép mình bên những sườn đồi bậc thang đan xen giữa nhiều ngôi nhà kiên cố đủ sắc màu đỏ, xanh... tất cả như tạo nên bức tranh trù phú, ấm no của người dân nơi đây.

Dáng dấp những làng quê đổi mới ở Bá ThướcDiện mạo thôn Điền Thái, xã Điền Trung ngày càng thay đổi khang trang, sạch đẹp.

Gặp chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước Nguyễn Văn Tâm vui mừng chia sẻ: Từ một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, tư duy, nhận thức của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ... Thế nhưng, từ khi có “luồng gió mới” từ những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, của tỉnh, đặc biệt là triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo Bá Thước đã đổi thay rõ rệt. Rõ nhất là các công trình hạ tầng giao thông được nâng cấp, trải nhựa sạch đẹp. Điện lưới quốc gia được thắp sáng ở khắp các con đường dẫn vào thôn, bản. Có điện, có đường..., hàng hóa được lưu thông thuận tiện nên người dân phấn khởi và yên tâm sản xuất, làm ăn.

Đặc biệt, với đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nên cùng với xu hướng hiện đại hóa thì tư duy sản xuất của người dân cũng dần thay đổi theo. Trong những năm qua, người dân trong huyện đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành được các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, như vùng chuyên canh (sắn, gai, mía nguyên liệu); 9.500m2 nhà màng, nhà lưới trồng rau, quả an toàn, cho thu nhập từ 60 triệu -100 triệu đồng/1.000m2; và các trang trại cây ăn quả tập trung (cam, bưởi...) tại các xã Lương Nội, Điền Lư, Điền Quang, Ái Thượng cho thu nhập từ 180 triệu - 220 triệu đồng/ha. Huyện cũng có 5 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 6,2 ha tại các xã Điền Lư, Lương Nội, Thiết Ống, thị trấn Cành Nàng; 1 dự án phát triển sản xuất sản phẩm có lợi thế là “Dự án trồng lúa nếp đặc sản thương phẩm tại các xã khu vực Quốc Thành huyện Bá Thước” quy mô 31 ha với hơn 600 hộ dân tham gia, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân sống tại vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Song song với đó, các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; hiến đất làm đường; vệ sinh môi trường ở các thôn, bản đã được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Chúng tôi đến xã Điền Trung - địa phương đi đầu trong xây dựng NTM của huyện. Tại đây, tràn ngập một sắc xanh, vườn tiếp vườn, đồi nối đồi, nhà nối nhà, màu xanh của cây cối, màu vàng của cam, bưởi xen lẫn là những luống hoa trải dọc đường sá, khu dân cư. Nhà cửa ở đây không cao tầng nhưng đều được sắp xếp, giữ gìn theo tiêu chí “3 sạch”, sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ. Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hà Thị Dung khoe: Trong quá trình xây dựng NTM, xã xác định cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng. Chính từ đó, họ hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM nên đã nỗ lực, vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, xây dựng vườn mẫu cho hiệu quả cao. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối hoa màu làm đường bê tông, kênh mương thủy lợi, trồng cây cảnh làm đẹp thêm đường làng, ngõ xóm.

Việc phát triển kinh tế nông nghiệp của xã trong những năm qua có bước tăng trưởng vượt bậc, có nhiều mô hình sản xuất giỏi, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh được quan tâm. Hiện xã có gần 300 ha trồng mía tập trung ở các thôn Trúc, Xịa, Điền Thái... đem lại thu nhập cao cho nông dân lên đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn, cá, trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu phát triển mạnh ở các thôn Cộc Ngán, Rầm Tám... Xã hiện đã có 1 doanh nghiệp, 2 HTX và 233 hộ sản xuất, kinh doanh, với 3.491 lao động tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tập trung ở các nghề cơ khí, gò hàn, sửa chữa đồ gia dụng, may mặc... mang lại thu nhập cao ổn định từ 80 - 85 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân trong xã ngày càng được nâng cao với 48 triệu đồng/người/năm.

Đến thôn Điền Thái, được công nhận là thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự gọn gàng, sạch sẽ từ đường giao thông đến từng ngôi nhà, khu vườn mẫu... Ông Nguyễn Quang Mạnh, bí thư chi bộ, trưởng thôn không giấu nổi niềm tự hào cho biết: Toàn thôn hiện có 178 hộ, 816 nhân khẩu chủ yếu là người miền xuôi lên đây định cư. Thế nên, triển khai phong trào xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu người dân bắt nhịp khá nhanh. Từ việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nhà cửa, sân vườn, công trình vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải... đến việc đóng góp để nâng cấp đường giao thông, cơ sở vật chất hạ tầng, các công trình ở thôn, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế. Là thôn có diện tích gieo trồng lớn, nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ nên bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt; đồng thời cải tạo vườn tạp, đất bạc màu chuyển sang trồng mía và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thôn có diện tích đất trồng mía luôn ổn định hàng năm là 35 ha, là nguồn thu nhập chính cho các hộ, với thu nhập trung bình 180 triệu đồng/ha. Cùng với đó, người dân còn mở rộng và phát triển thêm những ngành nghề hiện có như gia công cơ khí, mộc, chế biến lương thực, thực phẩm... Nhờ đó, bình quân thu nhập của người dân trong thôn hiện nay là 58 triệu đồng/người/năm. Các hoạt động văn hóa, thể thao được người dân duy trì thường xuyên. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, khu thể thao khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Quả thật, có đi, có đến mới cảm nhận được hết những đổi thay trên nhiều bản, làng ở huyện Bá Thước. Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội mỗi khi mưa đến giờ đây đã được thay thế bằng con đường lớn, trải nhựa, đêm đến đèn điện thắp sáng rực rỡ. Tư duy sản xuất thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Những kết quả đạt được tuy mới chỉ là những “bước khởi đầu” cho một chặng đường dài, nhưng đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở một huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]