(Baothanhhoa.vn) - Sẽ chẳng có phép màu nào xảy đến nếu việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em chỉ dừng lại ở sự thay đổi và vào cuộc của một cá nhân, tập thể, địa phương hay ngành nào. Vậy nên, hãy “lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cộng đồng trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Sẽ chẳng có phép màu nào xảy đến nếu việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em chỉ dừng lại ở sự thay đổi và vào cuộc của một cá nhân, tập thể, địa phương hay ngành nào. Vậy nên, hãy “lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động”!

Học sinh được học và trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh.

Những nguy cơ rình rập...

Sau khi hung thủ vụ sát hại cháu bé 23 ngày tuổi (tại thị xã Bỉm Sơn hồi cuối năm 2017) bị vạch trần, dư luận cũng tạm lắng. Thế nhưng, đằng sau cái chết của đứa trẻ vô tội còn đỏ hỏn là vô số nỗi đau, sự day dứt, dằn vặt và không ít câu hỏi của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc về máu mủ tình thân, về lương tâm làm người, về cách hành xử tàn nhẫn, máu lạnh của con người. Pháp luật có thể sẽ cho dư luận câu trả lời thỏa đáng dành cho kẻ thủ ác, nhưng nỗi ám ảnh về sự việc kinh hoàng đang bủa vây căn nhà anh Lê Hữu Thuận, liệu rằng có thể xóa bỏ hoàn toàn? Có lẽ, ngay cả các nhà tội phạm học lẫn tâm lý học cũng khó có được luận chứng thuyết phục, có thể lý giải cho hành vi của bà Xuân. Còn nếu lấy các tiêu chí đạo đức, nhân phẩm, giá trị con người để soi vào, càng khó để xét đến tận cùng động cơ và hành vi của người đàn bà ngoài 65 tuổi. Nhiều người đang hy vọng cùng với pháp luật, “tòa án lương tâm” sẽ là “người phán xử” cho cái chết và nỗi đau này. Song, xét đến cùng, là một con người – đứa trẻ 23 ngày tuổi không có khả năng tự vệ, nhưng có quyền sống và được pháp luật bảo vệ - đã phải bỏ mạng để đánh đổi cho những toan tính hay sự nông nổi, mà hẳn chỉ có người gây họa mới biết.

Chỉ trong vài tháng đầu năm, thông tin về những vụ đuối nước và hành vi xâm hại trẻ em liên tục được phơi bày, khiến dư luận không khỏi hoang mang, bức xúc và lo lắng. Gần đây nhất, hồi giữa tháng 4-2018, tại xã Phú Sơn (huyện Tĩnh Gia), 3 bé trai từ 4 đến 7 tuổi đã bỏ mạng oan uổng dưới ao nước. Cái chết tức tưởi của 3 đứa trẻ vì một phút ham chơi, nhưng đau lòng hơn là sự việc đã có thể không xảy đến nếu người nhà các em không bất cẩn. Cái ao thay vì được lấp đi, lại vẫn tồn tại mà không có bất kỳ hình thức che chắn, cảnh báo nào. Để đến khi “cái hố tử thần” cướp đi sinh mạng 3 đứa trẻ, người ta mới thốt lên “giá như...” thì chuyện đã trở nên quá muộn. Cũng chỉ vài tháng gần đây, đã xảy ra liên tiếp 4 vụ trẻ em nghi bị xâm hại. Đó là trường hợp mẹ bé gái 4 tuổi (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) gửi đơn đến chính quyền và báo chí tố cáo hàng xóm là ông Trần Đăng B. đã có hành vi hiếp dâm con gái mình, khiến bé trở nên hoảng loạn, bất an và đau đớn; trường hợp cháu Nguyễn Thị P. (sinh năm 2009, tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa) bị xâm hại phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa; trường hợp gia đình em Nguyễn Thị H. (sinh năm 2007, tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung) tố cáo ông Nguyễn Minh C. trú cùng địa bàn, có hành vi xâm hại tình dục cháu H.; trường hợp em Vũ Thị H. (sinh năm 2003, tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) bị xâm hại dẫn đến mang thai và sinh con. Tất cả các trường hợp nêu trên hiện đang được công an các địa phương điều tra, làm rõ và gia đình các em vẫn từng ngày mong mỏi câu trả lời. Nhưng bình yên liệu có tìm lại dưới những mái nhà – nơi có những đứa trẻ là nạn nhân của hành vi trái đạo lý luân thường, bị xã hội lên án kịch liệt?

Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, mọi hành vi tước đoạt quyền sống; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột... đều là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016. Thế nhưng, trong thực tế, vẫn còn những hành vi gây tổn hại cả về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ. Những nguy cơ luôn rình rập cuộc sống và sự phát triển của trẻ đã khiến cho trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Từ nhận thức đến hành động

Theo số liệu thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có trên 44.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 5% dân số trong độ tuổi trẻ em. Từ thực trạng trên, việc tạo dựng môi trường lành mạnh, từng bước thực hiện tốt quy trình bảo vệ trẻ, từ khâu phòng ngừa trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, phát hiện và can thiệp sớm các trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đến khâu hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đã được các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị quan tâm. Theo đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 528/635 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 133.567 ngôi nhà đạt chuẩn “ngôi nhà an toàn”; 589 trường học đạt chuẩn “trường học an toàn”; 193 cộng đồng đạt chuẩn “cộng đồng an toàn” về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Cũng theo số liệu được ngành chức năng thống kê đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 84/3.961 trẻ tử vong do tai nạn, thương tích; 213 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS; tiếp nhận thông tin và đánh giá mức độ nguy hại đối với 10 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục và 5 trường hợp trẻ bị bạo lực... Những con số nêu trên quả thực là những con số biết nói, thậm chí cảnh báo về những nguy cơ và hành vi có thực, đã khiến trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mà điển hình là bị đánh đập, xâm hại, bệnh tật gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần.

Được ví như những mầm non tương lai, vậy nên để xây dựng nên tương lai tốt đẹp, không cách nào khác, những mầm non này phải được chăm sóc, bảo vệ toàn diện, dựa trên luật pháp có tính ràng buộc cao nhất và không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, sự cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em của mọi cấp, ngành, địa phương, cho toàn xã hội và trong mỗi gia đình phải được đặt ra một cách thiết thực, phù hợp và hiệu quả nhất, thay vì chỉ dừng lại ở việc phát động phong trào hay những con số thống kê. Vài năm trở lại đây, các diễn đàn dành cho trẻ em – nơi các em được nói lên tiếng nói của mình đối với các vấn đề liên quan trực tiếp và mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của trẻ em – đã được ngành lao động - thương binh và xã hội quan tâm tổ chức. Trong đó, diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2017 có chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, được đánh giá là hoạt động hết sức có ý nghĩa khi đã tạo điều kiện cho trẻ được đối thoại với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể liên quan trong việc thực thi quyền trẻ em. Đồng thời, qua diễn đàn, các em được nói lên nguyện vọng và tha thiết kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc bảo đảm và tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho mọi trẻ em.

Chương trình “Học kỳ quân đội” do Tỉnh đoàn chủ trì và phối hợp với một số đơn vị, địa phương tổ chức đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ xã hội. Chia sẻ về ý nghĩa, mục đích khi xây dựng và triển khai “chương trình thực tế” thú vị này, anh Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho hay: Với “Học kỳ quân đội”, chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục truyền thống và các kỹ năng sống lành mạnh, hấp dẫn và hiệu quả. Dựa trên sự trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội, giúp các em tích luỹ kỹ năng làm việc nhóm, cách xử lý các tình huống trong cuộc sống; trải nghiệm cuộc sống thông qua tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa. Đồng thời, qua học kỳ, các học viên còn được rèn luyện tính kỷ luật, tự lập và bản lĩnh hơn khi đối diện với các vấn đề phát sinh, cũng như học cách yêu thương và chia sẻ trong các hoạt động xã hội. Chương trình đã qua nhiều năm triển khai và mỗi năm số lượng học viên tham gia ngày càng tăng. Đặc biệt, chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao của phụ huynh; đồng thời, tạo được dư luận xã hội tốt, nhờ vào tính thiết thực, hiệu quả và chất lượng của nó. Đây là cơ sở để chúng tôi tiếp tục duy trì, phát triển và đổi mới để “Học kỳ quân đội” thực sự trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh dành cho con trẻ.

...

Sự thật là, sẽ chẳng có phép màu nào xảy đến nếu việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em chỉ dừng lại ở sự thay đổi và vào cuộc của một cá nhân, tập thể, địa phương hay ngành nào. Đặc biệt, với những đứa trẻ được sinh ra trong “thời đại số”, khi mà sự hiện đại của công nghệ lại không thể bù đắp nổi những khuyết thiếu về vốn sống, kỹ năng, tinh thần lao động, ý thức trách nhiệm... Cùng với đó là những đứa trẻ có nguy cơ hoặc đã bị đẩy vào hoàn cảnh đặc biệt một cách bất đắc dĩ. Vậy nên, hãy “lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động”!


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]