(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sự xuất hiện của các công ty, nhà máy trong các khu công nghiệp đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động từ mọi vùng quê. Cùng với đó là nhu cầu nhà trọ của người lao động tăng cao, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều hộ dân sống quanh khu vực. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện kéo dài vẫn chưa có hồi kết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ở trọ

Chuyện ở trọ

Cuộc sống nơi xóm trọ vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Những năm gần đây, sự xuất hiện của các công ty, nhà máy trong các khu công nghiệp đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động từ mọi vùng quê. Cùng với đó là nhu cầu nhà trọ của người lao động tăng cao, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều hộ dân sống quanh khu vực. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện kéo dài vẫn chưa có hồi kết.

Thăng trầm nghề kinh doanh nhà trọ

Từ nhiều năm nay, hoạt động kinh doanh phòng trọ tại nhiều xã, phường trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Quảng Hưng, Quảng Đông, Quảng Thành... diễn ra rất nhộn nhịp. Sự xuất hiện của các khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng phân bố rải rác quanh khu vực đã thu hút hàng chục nghìn công nhân, sinh viên từ các nơi đổ về. Cùng với đó, nhu cầu về nhà ở cũng tăng theo, trở thành cơ hội kiếm tiền của các hộ gia đình kinh doanh phòng trọ. Qua khảo sát, phường Quảng Đông có hơn 40 hộ dân kinh doanh phòng trọ, trung bình mỗi hộ có từ 8-12 phòng và cho thuê với mức giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/phòng. Phường Quảng Hưng có 113 hộ kinh doanh với hơn 1 nghìn phòng trọ, mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương.

Có trong tay hai khu trọ với 20 phòng cho thuê, mức giá mỗi phòng dao động từ 700.000 - 1.000.000 đồng, gia đình bà Lê Thị Thu, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) hàng tháng thu được một khoản tiền khá lớn. Bà Thu cho biết: Do đất nhà bà từ thời ông cha để lại rất rộng, những năm gần đây, lượng lao động từ các huyện đổ về thành phố làm ăn ngày một nhiều, nhu cầu tìm kiếm nơi ở tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, bà Thu đã đầu tư xây dựng 4 dãy nhà trọ cho thuê kiếm tiền. Năm đầu, lượng khách thuê còn chưa ổn định nhưng về sau, dãy phòng trọ của bà không lúc nào trống người thuê.

Bà giải thích, sở dĩ việc kinh doanh của gia đình bà suôn sẻ bởi khu vực này không chỉ gần với khu công nghiệp Tây Bắc Ga mà còn có vị trí gần trung tâm, gần chợ, trường và đường giao thông thuận tiện nên tập trung rất nhiều công nhân, lao động tự do. Mặt khác, công tác an ninh tại khu vực này rất đảm bảo. Gia đình bà cũng đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài và quản lý chặt chẽ việc ra vào của người thuê trọ cũng như khách đến chơi nên đã từ lâu việc kinh doanh của gia đình bà Thu được đánh giá là hiệu quả và uy tín.

Trái với sự nhộn nhịp ở các phòng trọ tại phường Đông Thọ, Quảng Hưng... việc kinh doanh của các chủ trọ tại phường Đông Sơn, Quảng Phú lại đang lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Trước đây, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng nhiều dãy phòng trọ khá kiên cố nhưng hiện nay lại đang trong tình trạng “ế chỏng chơ”. Nguyên nhân là bởi thời gian gần đây, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn phường đã chuyển địa điểm nên không còn học sinh, sinh viên đến thuê trọ, các phòng trọ cũng vì thế mà vắng khách.

Bà Nguyễn Thị Liên sống tại phường Đông Sơn, trăn trở: Gia đình tôi đầu tư một khoản tiền khá lớn vừa nâng cấp dãy nhà cũ vừa xây thêm 6 phòng mới thì Trường Đại học Hồng Đức cơ sở 3 chuyển đến địa điểm khác, thành ra mười mấy phòng của chúng tôi không kinh doanh được, mà cũng chẳng thể sử dụng cho gia đình, đành để không, lãng phí.

Những tưởng kinh doanh phòng trọ, đơn giản chỉ cần đầu tư vốn ban đầu sau đó cứ chờ hết tháng thu tiền, nhưng không, nghề này cũng có lắm thăng trầm và nhiều rủi ro không ngờ đến.

Những câu chuyện của khách thuê trọ

Chuyện chủ nhà trọ là vậy, với những khách thuê trọ cũng có lắm chuyện không thể giải quyết. Bên trong những dãy nhà trọ tưởng chừng như bình yên giữa khu dân cư đông đúc, còn biết bao nỗi niềm chưa tìm ra hồi kết.

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, ẩm thấp sau những ngày mưa dầm dề tháng 8, chúng tôi có mặt tại một dãy nhà trọ của gia đình bà Lê Thị Thoa, phường Đông Thọ vào buổi chiều tan ca. Mười phòng trọ chia làm 2 dãy song song, ở giữa là hành lang rộng chỉ khoảng chưa đầy 2 mét, vừa đủ để 2 chiếc xe máy ra vào tránh nhau. Phía trên, từ đầu đến cuối dãy trọ treo đầy hai dây quần áo lòa xòa xuống chiếc cửa ra vào của mỗi căn phòng. Ngay gần đó là một ao nước tù và khoảng đất cây cối rậm rạp, mang theo mùi hôi khó chịu và đầy muỗi.

Những cư dân ở khu trọ giờ đã có mặt gần hết, phòng nào phòng nấy tất bật sửa soạn nấu nướng. Thôi thì tiếng nhạc, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa í ới gọi nhau, rồi thì tranh cãi, quát con..., đủ loại âm thanh, đủ mọi cung bậc cứ dội lẫn vào nhau, tạo nên nhịp sống ồn ã.

Trong mỗi căn phòng nhỏ theo mô hình “ba trong một”, rộng chừng 10m2, có nhiều gia đình xúm xụm 4 - 5 người chung sống chật chội và thiếu thốn. Mọi sinh hoạt từ bếp núc, tắm rửa đến nghỉ ngơi cho chừng ấy con người đều gói gọn trong khoảng không gian nhỏ hẹp ấy. Phòng nhỏ, thấp lè tè lại liền vách. Mọi sinh hoạt bên này, bên kia rõ mồn một. Từ giận hờn, cãi vã, ghen tuông xảy ra như cơm bữa đến tiếng hò hét, chúc tụng nhậu nhẹt khiến người cùng xóm trọ phải nhiều phen chứng kiến bất đắc dĩ.

Đi ở trọ, có lẽ vất vả nhất là những nhà có con nhỏ. Không gian sống chật hẹp, hầu như không có khu vui chơi cho trẻ nhỏ, tiền học phí gửi trẻ cũng là vấn đề lớn đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Anh Trần Văn Tú, quê ở huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Do yêu cầu của công ty, hai vợ chồng tôi thường xuyên phải tăng ca, với nữa đến dịp nghỉ hè này, không có ai trông con, tôi lại phải nhờ bà nội xuống chăm sóc cháu. Biết là làm khó bà nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác.

Cái khó và thiếu thốn thì hầu như ở dãy trọ nào cũng gặp phải. Theo quan sát của chúng tôi, đa số các phòng trọ đều có diện tích nhỏ, lợp mái tôn. Mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè lại hầm hập, ngột ngạt như thiêu đốt, trở thành nỗi ám ảnh của cư dân xóm trọ. Chỉ tay lên chiếc điều hòa mới mua, chị Hường, quê ở huyện Tĩnh Gia, chia sẻ: “Mùa hè ở đây như một cái lò lửa, mấy năm trước không có điều hòa, vợ chồng tôi cứ phải thay nhau thức để nhường quạt cho con. Năm nay, tích cóp lắm, chúng tôi quyết định mua cái máy điều hòa này. Biết là tốn thêm một khoản, mỗi tháng hè phải đóng khoảng 700.000 đồng tiền điện nhưng phải chịu thôi”.

Chị Hường cho biết thêm: Năm nay, nắng nóng kéo dài nên mặc dù vợ chồng chị đi làm cả ngày nhưng đến cuối tháng nộp tiền điện, tiền nước cứ tăng lên vèo vèo. Với mức giá điện là 3.500 đồng/kwh và 25.000 đồng/khối nước, hàng tháng chị và tất cả các phòng khác phải trả cho bà chủ nhà một khoản khá cao so với giá điện nước Nhà nước quy định. Nhiều lần thắc mắc và phản ánh nhưng quy định do chủ nhà đặt ra, nghĩ rằng rồi ở đâu cũng chung tình trạng này nên mọi người trong xóm đành ngậm ngùi chấp nhận.

Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vì cuộc sống mưu sinh và ước mơ đổi đời, hàng nghìn người vẫn ngày ngày bám trụ ở các khu nhà trọ. Bởi vậy, những câu chuyện nơi xóm trọ mãi vẫn chưa có hồi kết.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]