(Baothanhhoa.vn) - Khi những cánh hoa đào nở rộ khoe sắc khắp bản làng cũng là lúc chợ phiên Na Mèo trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cũng như ở các vùng cao, chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của Nhân dân hai nước Việt - Lào. Trải qua thời gian, chợ phiên “quốc tế” Na Mèo vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi, mang đậm bản sắc miền sơn cước khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt - Lào.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

Khi những cánh hoa đào nở rộ khoe sắc khắp bản làng cũng là lúc chợ phiên Na Mèo trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cũng như ở các vùng cao, chợ Na Mèo không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của Nhân dân hai nước Việt - Lào. Trải qua thời gian, chợ phiên “quốc tế” Na Mèo vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi, mang đậm bản sắc miền sơn cước khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt - Lào.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

Hàng hoá tại chợ phiên Na Mèo rất phong phú, đa dạng.

Từ 6 giờ sáng, khi màn sương còn giăng trên khắp sườn đồi, chúng tôi có mặt tại chợ phiên Na Mèo và đã được hoà mình vào không khí tấp nập xuống chợ của người dân giáp ranh vùng biên giới của 2 huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) và huyện Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào). Vào những ngày cuối năm, cửa khẩu Na Mèo - Nậm Xôi mở, bên phía huyện Viêng Xay, người dân các cụm Nậm Xôi, Nậm Ngà, Mường Pùn lần lượt di chuyển sang; bên phía huyện Quan Sơn đồng bào các dân tộc Kinh, Mông, Mường... ở các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn cũng di chuyển đến chợ.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

Ớt, mắc khén, rêu suối... là các mặt hàng được người dân bán nhiều ở chợ.

Chợ Na Mèo nằm trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá nổi tiếng với phiên chợ họp vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần. Đặc biệt, vào những ngày cuối năm, phiên chợ trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn cả, thu hút hàng nghìn lượt người đến chợ giao thương, trao đổi hàng hóa. Chợ cửa khẩu Na Mèo cách trung tâm huyện Quan Sơn 53 km và cách thành phố Thanh Hóa gần 200 km, có vị trí quan trọng nằm trong khu Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Chợ được hình thành từ năm 1989, là nơi tập trung phát triển kinh tế của huyện và cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố từ năm 2004, gồm 1 nhà chợ chính, xung quanh nhà chợ có 2 dãy ki ốt và các vị trí kinh doanh do các hộ tiểu thương tự xây dựng. Từ năm 2014, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Do đó, chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, hàng hóa phong phú, thu hút nhiều người đến giao thương buôn bán.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

Các sản phẩm đan lát truyền thống của người dân Lào tại chợ.

Các mặt hàng buôn bán, trao đổi tại chợ chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng của Nhân dân. Trong đó không thể thiếu các sản phẩm mang đặc trưng của vùng biên giới như: Chuột rừng, nấm ngọc cẩu, dưa Lào, chim gác bếp, cá suối, rau, củ, quả, mắc khẻn, dưa Mông, cải Mông, rêu đá… và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo… Tiểu thương ở chợ gồm cả người Việt và người Lào, có trẻ em, người già. Một tiểu thương thương bán rất nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi thứ một ít, là đồ của gia đình tự sản xuất hoặc săn bắt được.

Chị Thorn ở bản Lơi, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào cho biết: “Cứ đến thứ 7 là ở đây tổ chức họp chợ. Để có mặt ở chợ lúc 6 giờ sáng thì chúng tôi phải cõng hàng hoá đi từ lúc hơn 4 giờ sáng. Gần tết, người đến mua bán đông hơn ngày thường rất nhiều. Sản phẩm của tôi mang sang đều là nông sản tự trồng, tự làm. Ở đây tôi và mọi người không chỉ bán hàng lấy tiền, mà có khi còn đổi hàng lấy hàng nếu 2 bên cùng đồng ý. Tiểu thương người Việt Nam cũng rất thích trao đổi đồ cùng chúng tôi”.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

Phong phú các mặt hàng thực phẩm của Nhân dân các bản giáp biên đưa đến chợ.

Chị Phan Xeng ở huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào chia sẻ: “Tôi sang bán chuột rừng, tằm, ớt khô, ớt tươi, nấm ngọc cẩu, hoa chuối, dứa. Đều do gia đình tự trồng và vào rừng sâu tìm. Hôm nào có nhiều đồ thì mang đi bán nhiều. Hôm nào nhà có ít đồ thì mang đi bán ít. Nhưng hầu hết là hàng hoá nước Lào, chúng tôi mang sang đều có thể tự gùi, tự cõng đi, chứ ít khi phải dùng phương tiện để chở”.

Một nét đặc trưng nữa của phiên chợ là cùng lúc lưu thông hai loại tiền: Tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp (Lào). Nhiều người chưa hiểu ngôn ngữ của nhau chỉ cần ra hiệu là có thể mua bán, trao đổi những mặt hàng cần thiết. Vào những ngày giáp tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên những phiên chợ cuối năm thường đông đúc và nhộn nhịp hơn ngày thường.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện Quan Sơn tuyên truyền bà con không săn bắn, mua bán động vật hoang dã.

Thiếu tá Lê Văn Ngữ, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Na Mèo cho biết: Thời điểm giáp tết nguyên đán, lưu lượng người, phương tiện qua lại cửa khẩu tăng, cán bộ, chiến sỹ Trạm Biên phòng Na Mèo luôn ứng trực 100% quân số, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát hai bên cánh gà cửa khẩu, giúp đỡ bà con các thủ tục thông quan, vừa đảm bảo đúng thủ tục vừa thuận lợi thông thoáng, không để các đối tượng lợi dung buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

Chợ xuân biên giới Na Mèo

CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo phối hợp với Hải quan Na Mèo và Công an Trạm Nậm Xôi (Lào tuần tra kiểm soát hai bên cánh gà cửa khẩu).

Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho biết: Tết nguyên đán những năm gần đây nhu cầu giao thương hàng hoá tại chợ Na Mèo ngày càng gia tăng. Các mặt hàng đa dạng hơn, lượng hàng hoá cũng phải dồi dào hơn. Để trang bị kiến thức cho người dân, tránh việc săn bắt, sử dụng những thực vật, động vật bị nghiêm cấm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành. Nhờ đó, dù ở vùng biên giới xa xôi, các hàng hoá buôn bán vẫn được quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng.

Đến rất sớm, tan rất muộn, luôn đông vui nhưng nhẹ nhàng, mua bán mà không nặng nề giá cả. Chợ Na Mèo không chỉ là địa điểm nơi cửa ngõ biên giới xứ Thanh để người dân hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa, ẩm thực, thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế địa phương, mà còn là vị trí quan trọng trong việc tạo lập nên một sợi dây gắn kết tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Quốc Toản


Quốc Toản

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]