(Baothanhhoa.vn) - Khi những bản án ly hôn chính thức có hiệu lực pháp luật, để giảm thiệt thòi cho những đứa con, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con mình. Tuy nhiên, trên thực tế, đây quả là món “nợ” khó đòi của những người đang trực tiếp nuôi con.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: Món “nợ” khó đòi

Khi những bản án ly hôn chính thức có hiệu lực pháp luật, để giảm thiệt thòi cho những đứa con, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con mình. Tuy nhiên, trên thực tế, đây quả là món “nợ” khó đòi của những người đang trực tiếp nuôi con.

Ảnh minh họa.

Món “nợ” khó đòi

Chị Nguyễn Thị Hòa, xã Xuân Lam (Thọ Xuân) ly hôn với chồng đã 3 năm nay. Khi ra tòa, chồng chị đồng ý để chị nuôi cả 2 đứa con, còn anh sẽ có trách nhiệm đóng góp, chu cấp tiền nuôi con cho chị. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng thực hiện đúng, anh ta bắt đầu lờ nghĩa vụ làm cha đối với 2 đứa con ngay sau khi anh tái hôn. Vốn là người có lòng tự trọng, chị Hòa rất ngại phải nhắc nhở chồng cũ về khoản tiền trợ cấp. Tuy nhiên, từ năm ngoái, 2 con chị đều đi học, tiền học thêm của các con ngày một tốn kém, thu nhập ngày một giảm sút nên chị Hòa đành bảo đứa con trai lớn gọi điện nhắc nhở bố. Thế nhưng, anh ta cứ ậm ừ cho xong, rồi khất lần hết ngày nọ đến tháng kia...

Khi ly hôn, chị Cao Thị Na, xã Hà Toại (Hà Trung) được quyền nuôi 2 con, lúc đó con gái chị 6 tuổi và con trai 4 tuổi, người chồng phải trợ cấp nuôi con đến khi hai cháu đủ 18 tuổi. Chừng khoảng gần 2 năm đầu, chồng cũ giao tiền cho chị đầy đủ hàng tháng, nhưng rồi sau đó anh tái hôn và “lờ” luôn chuyện đưa tiền nuôi con cho vợ cũ. Chị Na chia sẻ: Bây giờ con gái lớn của tôi đã vào đại học, thằng em lên lớp 10, tôi cũng không nhớ hồi đó tòa yêu cầu ông chồng chu cấp bao nhiêu tiền để nuôi con, chỉ biết rằng gần 10 năm nay con tôi đã không còn bố. Thời gian khó khăn nhất qua rồi, giờ con gái đã đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Khi được hỏi, vì sao chị không kiện ông chồng ra tòa? Chị cho biết, hồi đó tôi không biết thủ tục này, với lại “đàn ông khi họ đã có gia đình riêng rồi, có lẽ không nhớ đến những đứa con họ đẻ ra nữa, họ không làm tròn nghĩa vụ thì mình kiện có ích gì”.

Trường hợp những người vợ sau khi ly hôn bất lực trước việc “đòi” khoản đóng góp nuôi con của chồng cũ như chị Hòa, chị Na là rất phổ biến. Thậm chí, có người nuôi con một mình hàng chục năm trời mà không hề nhận được bất kỳ khoản đóng góp nào của chồng cũ. Mặc dù pháp luật cũng đã có quy định, nhưng phần lớn các bà mẹ chỉ trông chờ vào sự tự nguyện của những người chồng chứ hiếm khi nhờ đến luật pháp. Lý do có thể do một phần ngại, nhưng cái chính là họ cũng không mấy tin tưởng vào tính khả thi của luật.

Sớm có sự điều chỉnh phù hợp

Không kể những người vô trách nhiệm luôn chây ì trước nghĩa vụ đóng góp nuôi con sau khi ly hôn, ngay cả khi họ thực hiện một cách nghiêm túc theo luật định thì khoản đóng góp đó cũng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chị Lê Thị Nga, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho biết: Chị ly hôn chồng cách đây 4 năm và được tòa án giao nuôi đứa con gái 5 tuổi. Lúc đó tòa “phán” cho chồng cũ trợ cấp nuôi con là 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền nuôi con hàng tháng phải gấp 5-6 lần số tiền trợ cấp. Chị Nga nhẩm tính: Chỉ tính riêng tiền học thêm cho con cũng ngót nghét tiền triệu mỗi tháng, rồi tiền ăn, tiền quần áo, tiền thuốc thang... Chị thở dài: “Chẳng qua là gắn tý trách nhiệm để an ủi con cái thôi chứ phần thiệt bao giờ cũng về phía người trực tiếp nuôi dưỡng”...

Theo Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014 quy định: Khi ly hôn, nếu bên trực tiếp nuôi con khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Thực tế cho thấy, khi cha mẹ ly hôn hầu hết con còn ở tuổi rất nhỏ có trường hợp 14, 15 năm sau mới đủ 18 tuổi. Mức cấp dưỡng không thay đổi trong khi thị trường giá cả biến động đã và đang trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì điều này rất khó đi vào thực tiễn. Bởi, trong các trường hợp ly hôn, mỗi người có mức thu nhập, điều kiện cụ thể và hoàn cảnh sống khác nhau. Để đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống cho những người con có cha mẹ ly hôn được phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần thì pháp luật cần quy định cụ thể hơn về mức cấp dưỡng.

Đằng sau bản án ly hôn là số phận của mỗi con người. Mặc dù trên thực tế mỗi trường hợp ly hôn mức thu nhập, điều kiện cụ thể và hoàn cảnh sống của mỗi người khác nhau, nhưng để đảm bảo các “nhu cầu thiết yếu” trong cuộc sống của những đứa trẻ sau khi cha, mẹ ly hôn “phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần” thì Nhà nước cần quy định cụ thể về mức cấp dưỡng. Theo đó, nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người phải cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu tại từng thời điểm làm khung để quy định mức cấp dưỡng. Dù người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không phải là người có công việc, lương đi chăng nữa thì con cái họ cũng cần được có mức sống tối thiểu. Khi có sự thay đổi về mức lương thì căn cứ vào đó cơ quan thi hành án áp dụng vào từng thời điểm thi hành án thì mới có thể đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người được cấp dưỡng và tránh thiệt thòi cho người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Để đảm bảo quyền lợi trẻ em, nhất là những đứa trẻ đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được hưởng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, trong thực thi pháp luật cần có những điều chỉnh để khắc phục những hạn chế nói trên.

Hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình không có chương nói về thi hành án; trong Luật Thi hành án cũng không có điều khoản về thực hiện án hôn nhân, nên vấn đề hiệu quả của thi hành án hôn nhân vẫn dựa trên “lương tâm và trách nhiệm” của người phải thi hành là chính. Vì vậy, nên chăng những người soạn thảo văn bản luật cần sớm đưa ra những quy định, chế tài cụ thể để những người nuôi con khỏi thiệt thòi.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]