(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tình trạng sạt lở dòng sông ở một số địa phương trong tỉnh, được các ngành, địa phương xác định là do thay đổi dòng chảy và nạn khai thác cát, sỏi trái phép.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báo động tình trạng sạt lở các dòng sông

Hiện nay, tình trạng sạt lở dòng sông ở một số địa phương trong tỉnh, được các ngành, địa phương xác định là do thay đổi dòng chảy và nạn khai thác cát, sỏi trái phép.

Báo động tình trạng sạt lở các dòng sông

Sạt lở nghiêm trọng ven bờ sông Mã thuộc thôn 5, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy).

Một số huyện Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Cẩm Thủy... đã chủ động thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện, xã đã chủ động thực hiện nhiều đợt kiểm tra đột xuất theo phản ánh của công dân qua đường dây nóng, đơn, thư hoặc phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trên các dòng sông vẫn diễn biến phức tạp gây sạt lở và cuốn theo hoa màu của người dân ven sông. Theo tìm hiểu thực tế tại khu vực sản xuất ven bờ sông Mã thuộc thôn 5, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) tình trạng sạt lở, lấn sâu vào đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân vẫn đang diễn ra từng ngày. Nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất bãi bồi biến mất do sạt lở. Ông Lê Xuân Hùng, thôn 5, xã Cẩm Vân, cho biết: Gia đình có hơn 1 sào bãi bồi giáp bờ sông đã bị sạt lở sâu vào khoảng 3m, tạo thành bờ dựng đứng cuốn trôi đất và hoa màu. Để hạn chế sạt lở đất canh tác, người dân mong muốn các lực lượng chức năng liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc khai thác cát và có biện pháp xây dựng bờ kè chống sạt lở ở đây để giữ đất sản xuất.

Tại khu vực bãi bồi hai bên bờ sông Chu thuộc địa bàn các xã Tân Châu, Thiệu Hợp và Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa) tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Phía bờ hữu sông Chu, xã Tân Châu, đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 820m, cung sạt đã lấn vào một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Phía bờ tả sông Chu, xã Thiệu Hợp bị sạt lở với chiều dài khoảng 400m. Đây là khu vực đất bãi bồi ven sông đã được UBND xã Thiệu Hợp giao thầu cho các hộ dân canh tác theo quy định. Phía bờ tả sông Chu và bờ hữu sông Mã qua địa bàn xã Thiệu Thịnh, sạt lở với chiều dài khoảng 500m. Theo tìm hiểu, đây là khu vực gần ngã 3 sông Chu và sông Mã, chủ yếu là đất pha cát, chịu ảnh hưởng của thủy triều và dòng chảy phức tạp. Nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng hút cát trái phép trong thời gian gần đây gây ra. Chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều đợt truy bắt, xử phạt các phương tiện vi phạm, nhưng kết quả còn hạn chế do không có nơi neo đậu tạm giữ phương tiện vi phạm. Các đối tượng tham gia khai thác trái phép cát, sỏi chủ yếu sử dụng tàu thuyền không có biển kiểm soát, là người dân sống trên sông vừa sử dụng các tàu, thuyền làm nhà ở vừa sử dụng làm phương tiện khai thác cát, do đó khi lực lượng bắt giữ, các chủ thuyền thường bỏ chạy không có cơ sở để xử lý. Các điểm mỏ cát nằm ở nơi giáp ranh giữa các địa phương, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép thường hoạt động vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính; lực lượng cấp xã, huyện không có phương tiện (tàu, thuyền) chuyên dụng nên rất khó khăn trong công tác bắt giữ, ngăn chặn. Một số hộ được giao đất bãi bồi để trồng hoa màu thực hiện không đúng quy định, trách nhiệm của người sử dụng đất, đã tự ý thỏa thuận hoặc thông đồng với các đối tượng để thực hiện khai thác cát trái phép...

Trước thực trạng trên, để đảm bảo ổn định sản xuất của người dân có đất trên bãi bồi sông Chu, sông Mã... và bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác, UBND các huyện tập trung giải quyết dứt điểm các vi phạm khai thác cát trái phép, thuộc địa bàn quản lý; xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm trong việc khai thác cát trái phép trên địa bàn. Các địa phương phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh kiểm tra, rà soát số lượng tàu, thuyền, hướng dẫn, thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định; kiên quyết xử lý và không cho phép các phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh và vận động Nhân dân không được khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19-4-2021 về phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và thông báo công khai nội dung của phương án tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]