(Baothanhhoa.vn) - Doanh nghiệp (DN) thì than phiền không vay được vốn, còn phía các ngân hàng thương mại lại khẳng định dòng vốn cho DN vay là không thiếu. Đây đang là nghịch lý mà nhiều năm nay luôn được nhắc đến như một chủ đề mấu chốt để giải quyết nghịch lý thiếu - thừa tín dụng DN.

Tín dụng doanh nghiệp: Nghịch lý thiếu- thừa: Bài 1 - Những “nút thắt” chưa được mở

Doanh nghiệp (DN) thì than phiền không vay được vốn, còn phía các ngân hàng thương mại lại khẳng định dòng vốn cho DN vay là không thiếu. Đây đang là nghịch lý mà nhiều năm nay luôn được nhắc đến như một chủ đề mấu chốt để giải quyết nghịch lý thiếu - thừa tín dụng DN.

Tín dụng doanh nghiệp: Nghịch lý thiếu- thừa: Bài 1 - Những “nút thắt” chưa được mởĐược tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, Công ty CP Sữa Thanh Hóa phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Khánh Phương

Nhiều chương trình hỗ trợ DN

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã phối hợp với các sở, ban, ngành và hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ người dân và DN về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. NHNN Thanh Hóa cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN... Đơn cử như việc các chi nhánh ngân hàng thương mại đã nhiều lần thực hiện việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Nhiều tổ chức tín dụng áp dụng chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1% so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Theo đó, đến 31-7, dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, gồm: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, phục vụ sản xuất, kinh doanh công nghệ cao trên địa bàn, ước đạt hơn 60 ngàn tỷ đồng, chiếm 45,97%/tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Việc gia hạn nợ trong nhiều thời điểm DN gặp khó khăn cũng được các tổ chức tín dụng triển khai.

Cùng với đó, các chương trình kết nối tín dụng, đối thoại giữa ngân hàng và DN cũng được tổ chức thường niên. Trong giai đoạn 2016 đến 2021, các đơn vị phối hợp đã tổ chức được hàng chục cuộc đối thoại giữa DN và ngân hàng, với nhiều chuyên đề tiếp cận tín dụng đa dạng. Thông qua các buổi đối thoại về tiếp cận tín dụng, không chỉ là dịp để DN nêu lên những vướng mắc, mà các tổ chức tín dụng đã giải đáp và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN. Cũng tại đây, việc ký kết và giải ngân các hợp đồng tín dụng mới, tăng hạn mức tín dụng cho DN được ký kết thực hiện để bổ sung vốn kinh doanh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn.

Theo thống kê của NHNN Thanh Hóa, 7 tháng năm 2021, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.895 khách hàng là DN, với dư nợ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.341 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 1.423 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho hơn 200 khách với dư nợ được miễn, giảm lãi vay là hơn 800, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng hơn 5 tỷ đồng... (mức lãi suất giảm từ 0,2 - 2%/năm).

DN vẫn “trầy trật” mới vay được vốn

Đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 4 bùng phát đã gây khó khăn lớn cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tại Thanh Hóa. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ về vốn từ các đợt dịch trước, DN vẫn chưa tiếp cận được. Theo phản ánh của một số DN, việc tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng dù đã có sự thông thoáng hơn nhưng nhìn từ thực tế, vẫn không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất của các DN nhỏ và vừa là năng lực tài chính hạn chế, phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh mang tính dài hơi, chưa có báo cáo tài chính hoàn chỉnh do chưa có bộ máy tham mưu đủ tốt. Do đó, khi muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thường khó đáp ứng những tiêu chí của các ngân hàng. Bên cạnh đó, ngay cả đối với các khoản vay thế chấp bằng tài sản, trên thực tế thủ tục thanh lý tài sản thế chấp của DN nhỏ và vừa nếu bị phá sản cũng còn nhiều quy định ràng buộc, cũng như có tỷ lệ rủi ro cao. Điều này cũng gây trở ngại cho cả DN và ngân hàng trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay.

Công ty TNHH Thương mại Hải Hằng, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, chuyên phân phối, kinh doanh các mặt hàng nước giải khát. Để phục hồi kinh doanh, DN cũng gặp nhiều khó khăn khi không nhận được sự ưu đãi nào từ các gói chính sách. Qua tìm hiểu trên phương tiện truyền thông đại chúng về các khoản ưu đãi vay cho DN gặp khó do dịch bệnh COVID-19, nhưng khi trực tiếp đến tìm hiểu ở một số ngân hàng thương mại đều nhận được những cái lắc đầu và hứa hẹn. Đối với các khoản vay mới DN vẫn được hỗ trợ từ ngân hàng, nhưng cả lãi suất và điều kiện vay đều không thay đổi. Hiện DN vẫn đang vay vốn dài hạn, với lãi suất thông thường khoảng 10,5%/năm.

Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Ánh Dương, TP Sầm Sơn, cho biết: Dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp tới tình hình hoạt động, doanh thu của DN. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, mong muốn ngân hàng đánh giá đúng thực lực của DN, đúng nhu cầu cần của DN để hỗ trợ giúp DN vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh COVID-19, trường duy trì nuôi dạy 400 cháu và tạo việc làm cho gần 50 lao động. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trường chỉ còn chưa đến 200 cháu theo học. Trường Trường Mầm non Ánh Dương phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí liên quan để duy trì hoạt động. DN mong muốn được vay vốn với lãi suất thấp hơn thay vì vẫn đang phải trả theo lãi suất thông thường mà công ty đang vay khoảng 10,5%/năm.

Hầu hết các DN khi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đều phải vay vốn ngân hàng, có trường hợp là phải vay nguồn vốn lớn trong thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề thẩm định giá trị tài sản thế chấp còn khá thấp so với tài sản thực của DN. Thậm chí, nhiều tài sản trên đất chưa được đưa vào danh mục tài sản thế chấp nên gây khó khăn cho DN trong quá trình tiếp cận vốn tại ngân hàng thương mại. Ngoài nguyên nhân trên, nhiều DN còn cho biết khi có các chương trình vay vốn liên quan, khác với sự kỳ vọng về chủ trương, khi tiếp cận chương trình vay, không phải DN nào cũng tiếp cận được. Đa số ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện nay, ngoài những điều kiện vay như đề án, phương án sản xuất khả thi, báo cáo tài chính dương, tài sản thế chấp...

Lý giải về vấn đề này, ông Đoàn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (BIDV Thanh Hóa), cho biết: Hiện nay, nguồn vốn của ngân hàng khá dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN. BIDV Thanh Hóa sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN. Dù vậy, để dòng vốn tới DN thuận lợi, DN muốn tiếp cận được nguồn vốn vay thì phải chứng minh được ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh, để phía ngân hàng xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, để ngân hàng xét cho vay, tài sản bảo đảm không phải là điều kiện hàng đầu mà trước hết DN phải tạo được chữ tín. Điều này có nghĩa là DN phải cho ngân hàng thấy được phương án quản trị kinh doanh để bảo đảm an toàn đồng vốn cho vay của ngân hàng. Bởi hiện nay, nhiều DN làm hồ sơ vay vốn nhưng không có báo cáo kiểm toán, không có số liệu minh bạch để kiểm tra nên ngân hàng rất khó để cho vay. Ngoài ra, sự minh bạch, thống nhất trong báo cáo tài chính của DN cũng là một trong những “điểm cộng” đề các ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Trên thực tế đó, để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu nợ, giãn hoặc giảm lãi suất cho vay với các DN. Dù vậy, quá trình thực hiện cho các DN tiếp cận vốn vay của ngân hàng cũng gặp phải một số vướng mắc bởi nhiều DN không chứng minh được thiệt hại, không có tài sản thế chấp hoặc không đưa ra được báo cáo tài chính minh bạch... Bên cạnh đó, các DN ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19 thường nằm vào đối tượng giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí mất thanh khoản, trong khi các ngân hàng cũng luôn đứng trước áp lực nợ xấu nên cũng dè dặt không dám hạ chuẩn tín dụng, chưa kể trong điều kiện huy động lãi suất hiện nay, các ngân hàng khó giảm lãi suất sâu hơn.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Bài 2: Rất cần tiếng nói chung.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]