(Baothanhhoa.vn) - TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn là 1 trong 4 trụ cột, trung tâm tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ thì các khu công nghiệp (KCN) cũng đang được chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa

TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn là 1 trong 4 trụ cột, trung tâm tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ thì các khu công nghiệp (KCN) cũng đang được chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP Thanh HóaBộ phận thiết kế sản phẩm nội thất – Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa).

Hiện nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa có 3 KCN đang hoạt động gồm: KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga và KCN Hoàng Long. Theo thống kê của Văn phòng thành phố - Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN (KKTNS&CKCN), tại các KCN thuộc TP Thanh Hóa đã thu hút được 3 dự án đầu tư hạ tầng và 322 dự án thứ cấp. Trong đó, có 22 dự án đầu tư nước ngoài và 303 dự án đầu tư trong nước, giải quyết việc làm cho khoảng 64.800 lao động.

KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga hiện đã thu hút được 1 dự án đầu tư hạ tầng và 274 dự án thứ cấp. Trong đó, 11 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 31 triệu USD, vốn đã thực hiện đầu tư 28,37 triệu USD; 263 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.234 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đầu tư 2.900 tỷ đồng. Hiện nay, tại KCN này giải quyết công việc cho khoảng 8.800 lao động. Các dự án tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga chủ yếu là DN vừa và nhỏ, sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực gia công sắt thép, vật liệu xây dựng, kho hàng...

Tại KCN Lễ Môn hiện cũng đã thu hút 1 dự án đầu tư quản lý hạ tầng và 28 dự án thứ cấp. Trong đó, có 8 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD, vốn đã thực hiện đầu tư 177,19 triệu USD; 20 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 2.881 tỷ đồng và đã thực hiện 100% vốn đầu tư. Doanh thu sản xuất tại KCN này đạt khoảng 5.571 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 602,5 triệu USD, giải quyết công việc cho khoảng 26.400 lao động, với thu nhập trung bình khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại KCN Hoàng Long, đã thu hút được 1 dự án đầu tư hạ tầng và 20 dự án thứ cấp. Trong đó, 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 152 triệu USD, vốn thực hiện 145 triệu USD; 17 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 335 tỷ đồng và đã thực hiện 100% vốn đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ KCN Hoàng Long hàng năm đạt khoảng 4.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 408,61 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 29.600 lao động, với thu nhập khoảng 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN, những năm vừa qua, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã đề xuất tỉnh Thanh Hóa đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách; đồng thời, xúc tiến kêu gọi các DN làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các KCN. Hiện KCN Lễ Môn đã được chủ đầu tư hạ tầng đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất lấp đầy và đã cho thuê đạt 100%. KCN Hoàng Long đã được Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa - CTCP triển khai giải phóng mặt bằng và san nền toàn bộ KCN, hoàn thành thi công đến lớp nhựa các tuyến đường, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống điện chiếu sáng... với ước tính đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý KKTNS&CKCN, việc đầu tư hạ tầng tại các KCN trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, như: KCN Hoàng Long mở rộng - giai đoạn 2 do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư chậm tiến độ; KCN Đình Hương thuộc KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga không có chủ đầu tư hạ tầng. Do đó, hệ thống các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện chiếu sáng, khu xử lý nước thải... chưa đồng bộ. Vì vậy, các DN tại KCN Đình Hương tự đầu tư hạ tầng, đấu nối điện, nước, xử lý nước thải nội bộ và xả thải ra sông Cầu Hạc.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn TP Thanh Hóa, ngoài các giải pháp quản lý quy hoạch, xúc tiến, thu hút đầu tư các DN mới phù hợp mục tiêu phát triển, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đang tiếp tục đề xuất tỉnh đầu tư, cải tạo các tuyến đường nội bộ xuống cấp tại KCN Đình Hương. Đồng thời, kiến nghị tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hạ tầng tại KCN Lễ Môn và thường xuyên bảo trì các hạng mục công trình kỹ thuật dùng chung trong KCN; chỉ đạo UBND TP Thanh Hóa phối hợp với chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại các KCN còn vướng mắc.

Tại KCN Hoàng Long giai đoạn 1, Ban Quản lý KKTNS&CKCN cũng đang kiến nghị Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa - CTCP khẩn trương hoàn chỉnh hạ tầng tại KCN Hoàng Long và thường xuyên bảo trì các hạng mục công trình kỹ thuật dùng chung trong KCN; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Hoàng Long, tạo điều kiện để các DN yên tâm sản xuất.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất với diện tích rộng, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ của các DN có nhu cầu sản xuất, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã được tỉnh giao phối hợp với các ngành liên quan, quy hoạch 2 KCN mới gần TP Thanh Hóa, nhằm khơi dậy tiềm năng của các vùng lân cận trong phát triển công nghiệp tỉnh nhà những giai đoạn tiếp theo.

Theo quy hoạch mới, KCN - đô thị - dịch vụ phía Bắc TP Thanh Hóa sẽ được xây dựng cách trung tâm TP Thanh Hóa 12 km về phía Bắc, thuộc phạm vi ranh giới các xã: Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Quý, Hoằng Quỳ thuộc huyện Hoằng Hóa. Tổng diện tích khu vực lập đề án cho KCN này là 800 ha, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và nền “công nghiệp 4.0”. Hạ tầng KCN này cũng sẽ được phát triển theo hướng kết hợp cả phát triển đô thị, tái định cư, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc. Đây cũng chính là đô thị vệ tinh với mục đích kéo giãn dân cư tại các khu trung tâm của TP Thanh Hóa.

KCN - đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 11,2 km về phía Tây. Vị trí quy hoạch KCN mới này thuộc các xã: Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Đông Yên, Đông Văn, Đông Thịnh (Đông Sơn) và các phường Đông Tân, An Hưng (TP Thanh Hóa). Với tổng diện tích 1.200 ha, KCN - đô thị - dịch vụ này sẽ được phát triển theo 2 khu vực chính. Thứ nhất là khu phát triển công nghiệp với diện tích dự kiến khoảng 900 ha, nhằm bố trí phát triển công nghiệp tập trung theo hướng công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao. Thứ hai, là phát triển đô thị và dịch vụ để xây dựng các khu đô thị, khu công cộng dịch vụ cấp đô thị cùng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. KCN - đô thị - dịch vụ này sẽ được xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo DN... nhằm tạo môi trường sống và làm việc phù hợp cho các chuyên gia, người lao động. Đây cũng chính là khu đô thị với quy mô khoảng 300 ha nhằm giảm tải dân cư tại các khu trung tâm của TP Thanh Hóa trong tương lai.

Bài và ảnh: Bách Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]