(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 21.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và phát sinh doanh thu. Cùng với cộng đồng DN trên cả nước, từ đầu năm 2022 đến nay, DN tỉnh Thanh bước vào giai đoạn chủ động thích ứng, linh hoạt để phục hồi, phát triển.

Đáp ứng nhu cầu dòng vốn, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc sau đại dịch

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 21.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và phát sinh doanh thu. Cùng với cộng đồng DN trên cả nước, từ đầu năm 2022 đến nay, DN tỉnh Thanh bước vào giai đoạn chủ động thích ứng, linh hoạt để phục hồi, phát triển.

Đáp ứng nhu cầu dòng vốn, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc sau đại dịch

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham quan hệ thống điều hành Kho xăng dầu Anh Phát tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Đồng hành cùng đội ngũ doanh nhân - động lực tăng trưởng và lực lượng tạo ra của cải, vật chất chính cho xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp điều hành kinh tế mang tính chất hỗ trợ. Tuy nhiên, các quyết sách này đã đi vào thực tiễn hiệu quả hay chưa? DN hiện đang có những khó khăn, vướng mắc gì? Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có cuộc phỏng vấn ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

PV: Với DN, dòng vốn được coi là yếu tố “sống còn”, quyết định đến “sức khỏe” của DN. Hiện nay, thực tế nguồn vốn và việc tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN nói chung và DN ở Thanh Hóa đang có những thuận lợi, khó khăn như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Tiến Đoan: Nói một cách dễ hiểu, với DN, “tiền chính là máu, nếu DN thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu”. Sau hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, rồi tác động bởi thiên tai, đa phần các DN đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một bộ phận DN đã dẫn tới ngừng hoạt động, hoặc phá sản.

Với đặc trưng của Thanh Hóa, DN tư nhân chiếm tới 99%, trong đó, có tới khoảng 90% DN có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Đây chính là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, bởi các chuỗi cung cầu hàng hóa bị gián đoạn trong thời gian qua. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các DN cùng chung quan điểm, tinh thần vượt khó để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, nguồn vốn phục vụ sản xuất gặp nhiều trở ngại do tài sản hao hụt, xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu đối ứng với các khoản vay tín dụng. Việc thiếu vốn không chỉ khiến DN không chủ động được các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà còn không thu hút, giữ chân được nguồn nhân lực có chất lượng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định tăng lãi suất huy động vốn. Việc tăng lãi suất huy động sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo nếu như biên độ lợi nhuận của ngân hàng thương mại không giảm. Điều này sẽ tiếp tục làm khó DN khi vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, khi lãi suất tăng, nhiều người dân sẵn sàng rút tiết kiệm không kỳ hạn để gửi mới, gây nên sự xáo trộn dòng tiền, ảnh hưởng đến thời gian giải ngân các khoản vay phục vụ sản xuất của DN.

Trong bối cảnh này, bên cạnh việc thẩm định, nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu về vốn, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp phù hợp để các ngân hàng thương mại giảm biên độ lợi nhuận, thực hiện tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, chia sẻ lợi nhuận với DN. Mục đích là tăng lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay cần phải giữ ổn định. Ngân hàng - DN cần đi cùng nhau trên chặng đường dài. Vì khi DN khó khăn, hoạt động sản xuất bị đình trệ hay dẫn tới phá sản thì ngân hàng cũng mất một nguồn khách hàng lớn để phục vụ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có quy định rõ ràng đối với vấn đề chỉ định đơn vị thẩm định, định giá tài sản của các ngân hàng thương mại. Nếu không có quy định tốt, rất dễ dẫn đến tình trạng “móc nối” giữa các ngân hàng - tổ chức thẩm định, làm giảm giá trị tài sản thẩm định, khiến DN không tiếp cận được khoản vay tương xứng với tài sản đối ứng theo giá thị trường. Đồng thời, xem xét có quy định cho vay tín chấp với những DN uy tín trong sản xuất, kinh doanh.

PV: Để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai nhiều chương trình, quyết sách cung ứng vốn, hỗ trợ sản xuất, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Ông đánh giá thế nào hiệu quả các chính sách và khả năng “hấp thụ” của các DN nói chung, DN Thanh Hóa nói riêng?

Ông Cao Tiến Đoan: Nhìn nhận từ thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19, Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN đang đối mặt. Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực được ban hành, nhất là các chính sách về nguồn vốn. Mới đây nhất là Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP...

Với Thanh Hóa, để quán triệt nghiêm túc, đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 6-12-2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 173 ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 26-1-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa cũng đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuộc nhóm 5 trụ cột kinh tế của tỉnh, là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ y tế, phát triển hạ tầng; các dự án tại 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; ưu tiên vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; tăng cường kết nối đối thoại nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, DN, để phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh... Những giải pháp căn cơ ấy đã hướng dòng tiền quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp DN phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, với các khoản vay hưởng chính sách như ưu đãi về lãi suất, hoặc cho vay bảo lãnh qua quỹ tín dụng hầu như DN rất khó tiếp cận và chưa hiệu quả. Điển hình như chính sách hỗ trợ lãi suất từ Nghị định 31/2022/NĐ-CP, gói kích cầu nguồn vốn này kèm theo quá nhiều điều kiện mà DN không thể đáp ứng, hoặc thời gian kéo dài khiến DN không thể chờ đợi. Bên cạnh đó, một số ngành, nghề vốn dĩ chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và tình trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao thời gian gần đây lại không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất.

Với vấn đề này, cộng đồng DN xét thấy, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành, điều chỉnh các gói hỗ trợ với quy trình khả thi hơn. Bên cạnh giảm đi các điều kiện kèm theo, cần giao cho một tổ chức ngân hàng Nhà nước trung gian, ví dụ như Ngân hàng Chính sách - Xã hội thực hiện giải ngân các khoản ưu đãi lãi suất này. Theo đó, các khách hàng thuộc ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên sau khi có khế ước vay ngân hàng, chuyển đến đơn vị trung gian để làm thủ tục giải ngân khoản ưu đãi lãi suất. Điều này cũng làm giảm áp lực thủ tục hồ sơ cho các ngân hàng thương mại, đồng thời bảo đảm khoản vay được giải ngân kịp thời. Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu quy trình thực thi hiệu quả quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Thực tế trong thời gian qua, tổ chức này chưa phát huy được hiệu quả.

PV: Với việc đổi mới cách làm, triển khai mạnh mẽ các giải pháp thu hút đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dự án đang triển khai, thi công và đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước tới khảo sát, tìm hiểu. Điển hình như 9 tháng, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.385,8 tỷ đồng và 41 triệu USD. Nhiều DN có nội lực, dòng vốn, “sức khỏe” tốt cũng đang tận dụng cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Vốn đã có, nhưng trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng các công trình, dự án, ông nhận thấy còn những khó khăn nào cần tháo gỡ, khắc phục để sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, hạn tình trạng chậm tiến độ và chậm phát huy hiệu quả dự án?

Ông Cao Tiến Đoan: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 58 dự án đầu tư lớn, trọng điểm; trong đó, có nhiều dự án thu hút đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, còn có hàng trăm các dự án khác cũng đang được các DN tập trung vốn, nhân lực hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay không ít dự án đang còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài những khó khăn liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng tại các địa phương còn chậm thì một trong những khó khăn thường bị kéo dài chính là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn cung, giá nguyên vật liệu khi triển khai thi công. Điển hình như hiện nay, nguồn cung vật tư cho xây dựng các dự án từ các mỏ và trữ lượng khai thác được cấp phép theo từng năm hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% cho thi công. Trong khi đó, tiến độ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt có quy định thời gian cụ thể. Vì vậy, các nhà đầu tư, nhà thầu phải tự tìm nguồn cung vật tư, vật liệu để bù đắp khối lượng thiếu hụt. Các nguồn hàng này không có hóa đơn, chứng từ, dẫn đến DN phải đi mua hóa đơn để đáp ứng điều kiện nghiệm thu công trình, dự án. Vậy là, DN phải đối mặt với rủi ro pháp lý, trong khi Nhà nước thì thất thu một nguồn ngân sách không nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, cộng đồng DN kiến nghị tỉnh cần thành lập một hội đồng gồm các sở, ngành có thẩm quyền, trên cơ sở các dự án đang triển khai thi công, tính toán lại trữ lượng vật tư, đầu vào cần thiết và phê duyệt, cấp phép khai thác, cung ứng đầu vào đủ cho thi công, xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa dự án vào vận hành hiệu quả và tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết thêm việc làm cho người lao động.

Với công tác GPMB, tỉnh và các sở, ngành cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn tới chính quyền các địa phương trong việc phối hợp cùng chủ đầu tư triển khai các bước thủ tục kiểm kê, bồi thường GPMB, tránh tình trạng DN để vốn “chết” do công tác GPMB bị kéo dài.

PV: Trong bối cảnh các điều kiện sản xuất, kinh doanh, từ nguồn vốn, quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn hiện hữu. Với vai trò là “mái nhà chung” của cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội DN tỉnh đã triển khai những hoạt động gì để đồng hành cùng hội viên vượt khó, thực hiện tốt sứ mệnh của những “người lính thời bình”, thưa ông?

Ông Cao Tiến Đoan: Có thể nói, hoạt động đồng hành, hỗ trợ hội viên của Ban Chấp hành khóa III, Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa đã có những bước đột phá. Không thể không nói đến những thuận lợi lớn trong hoạt động của nhiệm kỳ này, đặc biệt là sự quan tâm sát sao, đồng hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng với những thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của DN. Từ đó, đã sớm ban hành, triển khai nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đưa những đường hướng về phát triển DN tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX đi vào cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã thích ứng chung với DN, biến nghị quyết thành hành động chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN một cách kịp thời. Hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh duy trì lịch tiếp DN định kỳ và những khó khăn, vướng mắc nổi cộm đã sớm được giải quyết ngay tại hội nghị khiến DN cảm thấy yên tâm để hăng say thi đua sản xuất.

Đáp ứng sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, các DN luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vai trò trong thời kỳ đổi mới. Phương châm của hiệp hội DN là lấy đoàn kết làm mũi nhọn, hỗ trợ cùng nhau trong sản xuất, kết nối chuỗi cung cầu. Cùng nhau chia sẻ, hợp tác ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tích cực trong công tác an sinh xã hội. Đều đặn hàng tháng, ban chấp hành hiệp hội đều tổ chức đến thăm, giao lưu, nghe các DN hội viên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để từ đó kịp thời tư vấn, hỗ trợ và đề xuất với lãnh đạo tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Đáp ứng nhu cầu dòng vốn, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc sau đại dịchHàng hóa xuất khẩu tại Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

Cùng với việc tuyên truyền, tập huấn các kiến thức pháp luật, DN ngày càng có ý thức tuân thủ quy định trong sản xuất, kinh doanh, rủi ro pháp lý liên tục giảm so với cùng kỳ. Với phương châm “Lấy tâm làm trọng, lấy tầm làm chiến lược, lấy đoàn kết làm động lực, lấy kết quả khẳng định cho uy tín”. Đồng thời, phấn đấu lấy “sạch” làm “đẹp” trong cải cách hành chính, mang lại một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho DN.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng DN tỉnh Thanh Hóa vẫn nỗ lực từng ngày, vì mục tiêu phát triển lớn mạnh, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn cho sự thịnh vượng của tỉnh nhà. Những nỗ lực của cộng đồng DN đang từng bước góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng.

Minh Hằng (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]