Điều kiện để Nga-Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Ukraine
Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump coi giải quyết xung đột là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng đàm phán dựa trên các nội dung trong thỏa thuận Istanbul vào năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các điều kiện đối thoại chịu tác động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nên sự thành công của các cuộc đàm phán cũng như tính bền vững của các thỏa thuận khả thi vẫn là một câu hỏi lớn.
Yếu tố thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán
Có một số điều kiện tiên quyết để Mỹ có thể bắt đầu liên lạc với Moscow. Đầu tiên là dự đoán về cục diện chiến sự tại Ukraine, Kiev sẽ mất thêm lãnh thổ và Nga có thể giành được những thành công về mặt quân sự. Đóng băng xung đột là điều cần thiết để ít nhất giữ lại cho Ukraine nguồn lực để tồn tại, tái thiết và phát triển.
Thứ hai là những gánh nặng, khó khăn tài chính mà các nước phương Tây đang phải đối mặt trong việc hỗ trợ Ukraine. Theo ước tính, sự hỗ trợ cho Kiev phải cần tới hàng chục tỷ USD. Việc chi tiêu của các nước phương Tây thời gian qua được giải thích bằng nhiệm vụ kiềm chế Nga và làm suy yếu tiềm lực của nước này. Với nguồn lực tài chính khổng lồ, Washington hoàn toàn có thể cung cấp sự hỗ trợ cho Kiev trong một thời gian dài, nhưng việc thiếu hiệu quả trên chiến trường và triển vọng chính trị mờ mịt của Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky làm nảy sinh ngày càng nhiều câu hỏi, đặc biệt là khi xét đến nhu cầu ngân sách của Mỹ ở các lĩnh vực khác.
Thứ ba là tham vọng chính trị của cá nhân Tổng thống Trump, người có thể cố gắng chấm dứt cuộc xung đột tốn kém, đau thương này theo những điều khoản có thể chấp nhận được đối với Mỹ, coi chiến thắng ngoại giao hoặc sự xuất hiện của chiến thắng đó là một lợi thế.
Thứ tư, nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, cũng như sự suy yếu có thể xảy ra của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Thứ năm, sự tăng cường sức mạnh không ngừng của các đối thủ của Mỹ, như Triều Tiên và Iran, nhờ vào sự hỗ trợ của Moscow.
Thứ sáu, các lệnh trừng phạt kinh tế, cấm vận, cô lập ngoại giao, mặc dù đã gây ra thiệt hại đáng kể, nhưng không thể lay chuyển quyết tâm của Moscow trong việc đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại đối với phương Tây hiện nay.
Về phía Nga, các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán vẫn chưa rõ ràng, song chắc chắn Moscow sẽ không nhượng bộ bằng một thỏa thuận bất lợi bởi cục diện chiến sự hiện nay có vẻ như đang nghiêng về phía Nga. Bất chấp chi tiêu quốc phòng cao và khó khăn kinh tế, Moscow vẫn có khả năng duy trì hoạt động quân sự trong thời gian dài. Với hỏa lực mạnh mẽ, quân đội Nga đang dần gia tăng áp lực lên đối phương. Các bước đi có thể dẫn đến leo thang, đặc biệt là việc quân đội Ukraine tấn công không kích vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây, sẽ bị phản công bởi các cuộc tấn công quy mô lớn hơn, bao gồm cả những cuộc tấn công sử dụng vũ khí thế hệ mới. Thực tế, trong năm 2024, cộng đồng quốc tế lần đầu tiên chứng kiến sức mạnh của tên lửa siêu thanh Oreshnik mà Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu của Ukraine.
Nhiều chông gai phía trước
Rõ ràng, bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa các bên hiện nay vẫn còn rất lớn, và điều này khiến khả năng xích lại gần nhau giữa Nga-Mỹ hay Nga-phương Tây trở nên đáng ngờ.
Hiện nay, lòng tin chiến lược giữa các bên gần như “chạm đáy”. Bài học rút ra từ các thỏa thuận Minsk trước đây cho thấy, các thỏa thuận không được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí dễ dàng bị thao túng, diễn giải theo cách khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, sự mất lòng tin sâu sắc giữa Nga và phương Tây liên quan đến cấu trúc an ninh châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần khẳng định rằng, họ coi chính sách của phương Tây trong ba thập kỷ qua là một nỗ lực nhằm “lợi dụng kết quả của Chiến tranh Lạnh, trái với nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”.
Nga có lý do để lo ngại rằng một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời có thể là một động thái “câu giờ” nhằm giúp quân đội Ukraine có điều kiện, thời gian để tái xây dựng lực lượng, tăng cường huấn luyện, trang bị vũ khí hiện đại. Lường trước cho kịch bản này, Nga sẽ buộc phải duy trì lực lượng và nguồn lực đáng kể ở biên giới với Ukriane. Kết quả là, quá trình quân sự hóa của Ukraine, phương Tây và Nga đều sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Những nỗ lực nhằm tăng cường vị thế đàm phán thông qua leo thang quân sự cũng là một trong những yếu tố cản trở tiến trình hòa bình ở Ukraine. Thời gian tới, không loại trừ khả năng phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp các hệ thống hiện đại và tầm xa cho quân đội Ukraine và được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Ukriane. Đặc biệt, một bước leo thang nguy hiểm là việc triển khai các lực lượng của từng quốc gia NATO trên lãnh thổ Ukraine. Các lực lượng này có thể đóng vai trò hỗ trợ và không xuất hiện trên chiến tuyến, nhưng triển vọng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong những điều kiện trên là vô cùng thấp.
Rõ ràng hiện nay, các bên thiếu hụt các “con bài” mặc cả trên bàn đàm phán. Ví dụ, Washington có thể đồng ý sẽ không mời Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên trên thực tế, mức độ hợp tác chính trị, kỹ thuật-quân sự giữa Ukraine và phương Tây hiện đã cao đến mức không cần phải trở thành thành viên chính thức của NATO. Thời gian tới, phương Tây chắc chắn sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh cho Ukraine, bởi đây vẫn là “bàn đạp” cho các lợi ích chính trị và quân sự của phương Tây. Một “con bài” khác mà phương Tây có thể mang ra mặc cả với Nga là dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm quan hệ của Mỹ với các đối thủ (Triều Tiên, Iran hay phần nào đó là Trung Quốc) cho thấy, Washington cực kỳ chậm chạp trong việc nới lỏng trừng phạt, thậm chí là liên tục thêm các điều kiện mới vào tiến trình này.
Đặc biệt, nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine, liên quan đến an ninh châu Âu, vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Trump tuyên bố mong muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng khó có thể đạt được thỏa thuận rộng hơn với Moscow trong lĩnh vực an ninh châu Âu. Bởi lẽ, đối với Nga việc NATO không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, mở rộng về phía Đông đều được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh chiến lược của Nga.
Chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ cố gắng chấm dứt xung đột bằng cách đưa ra những thỏa hiệp và nhượng bộ với Nga. Tuy nhiên ngay cả một thỏa thuận như vậy được hình thành, tất cả các bên liên quan, cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng đó chỉ là một thỏa thuận tạm thời và chưa thể giải quyết được một cách có hệ thống những mâu thuẫn dẫn đến cuộc khủng hoảng. Cuộc xung đột Ukraine chỉ là một khía cạnh nhỏ trong những mâu thuẫn, bất đồng giữa Nga-Mỹ hay giữa Nga với các nước phương Tây.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-25 14:58:00
WEF Davos 2025: Hợp tác cho Kỷ nguyên Thông minh
-
2025-01-25 09:26:00
Donald Trump đã làm xáo trộn nước Mỹ, sau đó sẽ là thế giới
-
2025-01-23 08:26:00
Cần người ngăn chặn bánh xe căng thẳng Nga-Mỹ
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
Xung đột Ukraine đang định hình lại trật tự toàn cầu
Người biểu tình tấn công tòa án Hàn Quốc: Biểu tình bạo lực và phản ứng quốc tế
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - Ý nghĩa đối với Trung Đông và Ukraine
Những dự báo về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ mới
Quan hệ Nga và Iran: Hoạn nạn có nhau
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?