“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
Ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức với cam kết đưa nước Mỹ bước vào “thời đại hoàng kim”.
Lần đầu tiên kể từ năm 1985, do nhiệt độ thấp, lễ nhậm chức của một tổng thống Mỹ được tổ chức trong nhà, tại Điện Capitol Rotunda. Donald Trump và người đồng hành J.D. Vance đã tuyên thệ nhậm chức trên cương vị là những nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ.
Trong số các nhà lãnh đạo, quan chức quốc tế có mặt tại lễ nhậm chức có Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Tổng thống Argentina Javier Miley, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele và cựu Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki.
Buổi lễ còn có sự tham gia của các nhà tỷ phú Mỹ giàu có nhất thế giới, như Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg.
Điều gì chờ đợi nước Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump?
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ngay lập tức ký hơn 200 sắc lệnh mới; trong đó, có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới với Mexico và đưa các băng đảng ma túy vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố trong lĩnh vực năng lượng, cho phép đảo ngược nhiều quyết định của người tiền nhiệm Joe Biden.
Tổng thống Donald Trump sẽ chấm dứt mọi chương trình DEI trong chính phủ liên bang và tái định nghĩa giới tính theo khái niệm sinh học. Ông cũng sẽ đóng băng tuyển dụng liên bang, đồng thời tái cơ cấu bộ máy công chức với những tiêu chí mới về năng lực. Ngoài ra, chính quyền Trump sẽ tiếp tục rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Cựu ứng cử viên Thượng viện Mỹ và Chủ tịch của tổ chức LaRouche, bà Diana Sarre cho biết không phải tất cả mọi người ở Mỹ đều vui mừng với sự trở lại của Tổng thống Donald Trump. Theo bà, điều người dân Mỹ mong đợi nhất ở chính quyền mới lúc này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song đây có thể là điều dễ “gây tổn thương” đối với ê-kíp của Tổng thống Donald Trump, mặc dù chính bản thân ông đã nhiều lần đưa ra cam kết sớm chấm dứt “cơn ác mộng” lạm phát.
Theo một tài liệu của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này thực hiện chính sách bảo vệ lợi ích quốc gia dựa trên nguyên tắc “nước Mỹ trên hết”. Không phải ngẫu nhiên mà trong các sắc lệnh đầu tiên, ông Trump đã đưa ra những quyết sách liên quan đến vấn đề di cư, vấn đề hòa nhập và vấn đề thuế. Ông cam kết mở rộng giấy phép khai khoáng ở Mỹ, hủy bỏ một số lệnh cấm của người tiền nhiệm. Tất cả các tuyên bố được đưa ra về Kênh đào Panama, Greenland, cũng là những vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia cho Mỹ.
Konstantin Sukhoverkhov, Giám đốc chương trình Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) cho rằng, chính quyền mới khó có thể giải quyết 100% cuộc khủng hoảng di cư, nhưng ông Trump chắc chắn sẽ hạn chế được phần nào dòng người nhập cư bất hợp pháp. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường hơn nữa an ninh biên giới với Mexico, bao gồm cả việc xây dựng bức tường biên giới. Do đó, chính quyền Trump chắc chắc sẽ tập trung và phân bổ thêm ngân sách cho dịch vụ biên giới.
Những thay đổi đối với chính trị thế giới
Trọng tâm của Tổng thống Donald Trump trong chính sách đối ngoại là giải quyết xung đột. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Trump cam kết sẽ là “người gìn giữ hòa bình và thống nhất”, đồng thời chỉ trích chính quyền tiền nhiệm đã không thể quản lý được các cuộc khủng hoảng đơn giản trong nước “trong khi vẫn liên tục vướng vào danh mục các sự kiện thảm khốc ở nước ngoài”.
Nhiều người dân Mỹ tỏ ra không hài lòng với số tiền viện trợ khổng lồ mà Washington đã gửi cho Kiev trong gần 3 năm nay, mà chính ông Trump đã khéo léo khai thác sự bất bình này để giành được sự tín nhiệm của cử tri Mỹ trong chương trình tranh cử. Ông Trump từng tuyên bố sẽ sớm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong vòng 24 giời, rồi sau đó nâng lên thành 6 tháng, nên dễ hiểu trong những ngày tháng đầu tiên, ê-kíp của Tổng thống Trump sẽ thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi để thúc đẩy Nga-Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Theo truyền thông Mỹ đưa tin vào ngày 19/1, Tổng thống Trump đã chỉ đạo cho các trợ lý của mình sắp xếp một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vài ngày sau lễ nhậm chức để thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, có lẽ chính quyền Trump chưa lường hết được những khó khăn, thách thức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine khi mà bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa các bên vẫn còn rất lớn. Bản thân ông Trump và ê-kíp của mình cũng chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể để giải quyết xung đột. Không chỉ bất đồng về một thỏa thuận khả thi mà thậm chí các bên còn chưa tìm được tiếng nói chung về chủ đề đàm phán. Washington và Kiev muốn đàm phán về việc chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, trong khi Moscow chủ trương tìm cách giải quyết xung đột toàn cầu giữa Nga và phương Tây, trong đó Ukraine chỉ là một trong những những vấn đề. Tổng thống Trump muốn có một thỏa thuận nhanh chóng, Moscow lại muốn đàm phán lâu dài về một trật tự quốc tế mới, với tính bình đẳng và ổn định chiến lược. Mỹ muốn thảo luận về việc “đóng băng xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại”. Ukraine tìm kiếm “một thỏa thuận hòa bình, công bằng” với sự bảo đảm an ninh từ phương Tây. Nga lại quyết tâm đạt được một giải pháp cuối cùng, nhưng chỉ trên cơ sở loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, như sự mở rộng của NATO, việc tạo ra các mối đe dọa quân sự đối với Nga ở châu Âu và Ukraine, sự ủng hộ của phương Tây đối với “chế độ Kiev” và “sự xâm phạm quyền của công dân nói tiếng Nga ở Ukraine”, và tất nhiên, Moscow nhấn mạnh cả việc công nhận 4 khu vực mới sáp nhập vào Nga.
Đối với Trung Đông, những động thái tích cực đã có thể được nhìn thấy ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Nhiều khả năng thỏa thuận giữa Israel và Hamas về lệnh ngừng bắn và trao trả con tin đã diễn ra với sự tham gia gián tiếp của chính quyền Trump. Bà Diana Sare cho rằng, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng gây sức ép lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm duy trì hòa bình, ổn định lâu dài ở dải Gaza, điều mà chính quyền tiền nhiệm chưa làm được.
Giới phân tích cho rằng, chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump sẽ phản ánh phần lớn các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Cộng đồng quốc tế có lẽ vẫn còn rất ấn tượng với Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, cho phép các bên bình thường hóa quan hệ, chấm dứt đối đầu kéo dài hàng nhiều thập niên, được chính quyền Trump khởi xướng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump sẽ tăng cường sức ép đối với Iran trong vấn đề hạt nhân bằng việc siết chặt cấm vận, thậm chí cả những lời đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự đối với Tehran.
Chính quyền Trump tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị và kinh tế lớn nhất đối với Mỹ. Điều này được thể hiện qua việc ứng cử viên sáng giá cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio đã nhiều lần chỉ trích gay gắt Bắc Kinh. Vào ngày 15/1, ông tuyên bố rằng ngay cả Liên Xô cũng không nguy hiểm đối với nước Mỹ như Trung Quốc hiện nay. Ngay trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump cam kết mang lại Kênh đào Panama cho nước Mỹ, nơi mà theo ông đang do Bắc Kinh kiểm soát.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới có khả năng sẽ chứng kiến sự gia tăng thành phần ý thức hệ trong việc kiềm chế Trung Quốc, sự mở rộng các hạn chế về công nghệ, ngăn chặn và trừng phạt thương mại đối với các cá nhân và công ty, cũng như sự quay trở lại nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này. Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ đầu, ông Trump sẽ cố gắng theo đuổi chính sách cân bằng hơn đối với Trung Quốc. Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Trump có kế hoạch thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trong vòng 100 ngày tới nhằm thảo luận về những lĩnh vực mà hai bên có thể mở rộng hợp tác.
Liên minh châu Âu (EU) cũng nên chuẩn bị cho tình trạng quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi. Thực tế, Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích và yêu cầu các đồng minh “cần phải làm nhiều hơn” để thu hẹp mức thâm hụt thương mại mà Mỹ đang phải chịu trong quan hệ kinh tế-thương mại với châu Âu. Về vấn đề an ninh, chính quyền Trump có thể sẽ chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh châu Âu cho EU, điều mà theo Tổng thống Trump, gây ra những gánh nặng tài chính cho Mỹ.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2025-01-20 11:15:00
Xung đột Ukraine đang định hình lại trật tự toàn cầu
-
2025-01-19 13:22:00
Người biểu tình tấn công tòa án Hàn Quốc: Biểu tình bạo lực và phản ứng quốc tế
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - Ý nghĩa đối với Trung Đông và Ukraine
Những dự báo về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ mới
Quan hệ Nga và Iran: Hoạn nạn có nhau
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
Khó khăn chồng chất