16:56 22/08/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Dẫu biết bóng đá cần một sự thay đổi, đặc biệt là ở thời đại "mỗi milimet là một content", nhưng thật sự, vẫn có những giới hạn nên được tôn trọng, đặc biệt là những giới hạn mang tính "riêng tư" của đội bóng.

Đâu là giới hạn của sự "riêng tư" trong bóng đá?

Dẫu biết bóng đá cần một sự thay đổi, đặc biệt là ở thời đại “mỗi milimet là một content”, nhưng thật sự, vẫn có những giới hạn nên được tôn trọng, đặc biệt là những giới hạn mang tính “riêng tư” của đội bóng.

Kẻ cứng đầu mang tên Real Madrid

“Cái rạp xiếc đó chẳng kéo dài quá 6 tháng đâu!” Đó là những gì mà chủ tịch của La Liga, Javier Tebas, đã chia sẻ sau khi nhìn vào King's League, một giải đấu “tập trung vào content, sẵn sàng làm tất cả vì content” do Gerard Pique sáng lập cách đây 1 năm.

Đương nhiên, đó là câu chuyện của 1 năm trước. Còn thời điểm hiện tại, Javier Tebas và các cộng sự của ông lại đang học theo chính cái giải đấu mà ông gọi là “rạp xiếc”. Cụ thể, theo một bộ luật mới được ban hành của La Liga, các HLV và cầu thủ sẽ phải đeo thêm camera và microphone để giúp các khán giả được theo dõi những trao đổi về mặt chiến thuật, những bài nói “nâng cao tinh thần” của các HLV trước trận đấu hay chỉ đơn giản là những trao đổi giữa các cầu thủ với nhau. Theo The Athletic, mục tiêu của bộ luật này đó là khiến cho La Liga trở nên hấp dẫn hơn với công chúng trên khắp thế giới cũng như Tây Ban Nha.

Có rất nhiều đội bóng đã tham gia cái dự án có phần “hài hước” này của La Liga, vì vậy, ngay trong tuần thi đấu đầu tiên của mùa bóng mới, khán giả trên khắp thế giới đã được chứng kiến những gì “nóng hổi” nhất diễn ra trong phòng thay đồ của La Liga: từ cảnh đội trưởng Iker Munian cùng các đồng đội cầu nghuyện trước khi đối đầu Real Madrid tới các trao đổi trước trận đấu giữa HLV Quique Sentien của Villarreal và HLV Manuel Pellegrini của Real Betis. Có thể nói, không một hơi thở, không một giây phút nào trong phòng thay đồ của các đội bóng La Liga bị bỏ lỡ!

Đâu là giới hạn của sự “riêng tư” trong bóng đá?

Màn trao đổi đầy thân thiện giữa HLV Quique Sentien của Villarreal và HLV Manuel Pellegrini của Real Betis. Nguồn: Diaro De Sevilla.

Theo một nguồn tin “mật” của The Athletic, sau khi “dự án” này được thực hiện, La Liga sẽ được nhận một khoản tiền bản quyền truyền hình “hậu hĩnh”. Số tiền này sau đó sẽ được chia sẻ cho các CLB ở cuối mùa giải dựa theo độ “nhiệt tình” của các CLB này. Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định rằng các CLB phải tích hợp camera và microphone ở khắp mọi nơi: Từ phòng thay đồ cho tới băng ghế dự bị, thậm chí là đường hầm. Ngoài ra, họ còn phải để các phóng viên tiếp cận sâu rộng hơn với các cầu thủ trước và sau trận đấu.

Đương nhiên, các CLB, kể cả khó tính nhất như Atletico Madrid, cũng gật đầu với dự án này. Bởi lẽ, trong thời đại bóng đá kim tiền, việc có được một khoản tiền truyền hình từ những nội dung “ăn khách” mà họ có thể khai thác được trong phòng thay đồ thực sự là một ý tưởng không hề tồi. Thậm chí, nó có thể khiến bóng đá trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn và tạo được nhiều đoạn clip “viral” như đoạn clip trao đổi đậm chất “lửa” của HLV Herve Renard ở vòng bảng World Cup 2022 trên đất Qatar cách đây 1 năm.

Tuy nhiên, vẫn có một tiếng nói phản biện!

Cụ thể, theo The Athletic, chỉ có một mình Real Madrid là cứng đầu chống lại bộ luật này. Mọi chuyện đi xa tới mức HLV Carlo Ancelotti đã chỉ trích thẳng dự án này: "Real Madrid có quyền không tuân theo những điều lệ này. Bản thân tòa án cũng đã đồng ý. Phòng thay đồ là thứ linh thiêng và bất khả xâm phạm, việc đem camera vào đây, dù là trước hay sau trận đấu, chẳng đem lại một chút ý nghĩa nào cho bóng đá cả".

Đâu là giới hạn của sự “riêng tư” trong bóng đá?

Carlo Ancelotti, người tuyên bố thẳng thừng “thà bị cắt lương còn hơn để camera trong phòng thay đồ” sau khi được hỏi về quyết định này của ban tổ chức La Liga. Nguồn: DayFR Euro.

Về mặt kinh tế, đây là một nước đi có phần không được “khôn ngoan” lắm của Real Madrid, bởi theo thống kê của The Athletic, “Kền kền trắng” sẽ để mất khoảng 11,1 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình nếu họ không tham gia dự án “làm màu” này một cách “tự nguyện”. Tuy nhiên, với một đội bóng luôn mang trên mình hình ảnh của một đội bóng “quý tộc” như Real Madrid, việc “thương mại hóa” từng khoảnh khắc của CLB thực sự là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự của màu áo trắng mà họ đang mang trên mình. Vì vậy, có thể hiểu được vì sao các cầu thủ, HLV cũng như ban lãnh đạo đội chủ sân Santiago Bernabeu lại phản ứng dữ đội đến thế.

Đâu là giới hạn cho "thời đại content"?

Phản ứng của Real Madrid trong thời đại mà “mỗi milimet là một nội dung” xem ra có phần gàn dở, thậm chí là lỗi thời. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn một trường hợp tiêu biểu cho việc nội dung có thể bị bóp méo nhiều như thế nào ở thời đại hiện tại, chúng ta sẽ thấy rằng cần phải đặt ra giới hạn cho những nội dung, đặc biệt là trong bóng đá.

Hồi đầu tháng trước, Dele Alli, một trong những cái tên gây nhiều tiếc nuối nhất của bóng đá Anh nói chung cũng như Tottenham nói riêng, đã tham gia Podcast “The Overlap” cùng với Gary Neville. Trong Podcast mang tên “It's time to talk” (Đến lúc lên tiếng-ND), tiền đạo người Anh đã chia sẻ rất nhiều điều với Gary Neville, từ những ký ức đen tối, những nỗi buồn dai dẳng trong đầu anh, cho tới những suy nghĩ đen tối trong lòng tiền đạo người Anh.

Trong số những điều mà Dele Alli chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đó, có một kỷ niệm vẫn luôn ám ảnh tiền vệ công người Anh tới tận bây giờ, đó là đoạn clip quay lại cảnh anh trao đổi với Jose Mourinho trong một cuộc gặp mặt giữa hai người, vốn là một phần của bộ phim tài liệu về Tottenham mang tên “All Or Nothing: Tottenham Hotspur” (Được ăn cả, ngã về không: Tottenham Hotspur-ND). Trong đoạn clip đó, Dele Alli đã bị HLV Jose Mourinho chỉ trích là “lười nhác” sau khi anh mới trở lại từ chấn thương. Dù sau đó Dele Alli đã xin lỗi, nhưng đoạn clip đó thì vẫn còn mãi trên mạng, và kể từ đó, tiền đạo người Anh mãi mãi bị gắn với cái mác “lười biếng” do HLV người Bồ Đào Nha gắn vào anh.

Đâu là giới hạn của sự “riêng tư” trong bóng đá?

Đoạn clip trao đổi giữa Dele Alli và Jose Mourinho, thứ đã vô tình hủy hoại hình ảnh của tiền vệ công người Anh trong mắt giới làm bóng đá Anh quốc. Nguồn: Mirror.

All Or Nothing thực sự là một serie tài liệu rất hay, một serie phim tài liệu đã khắc họa rất rõ cho người hâm mộ về những điều mà họ không hề biết về các cầu thủ, HLV mà mình quan tâm, từ việc Mikel Arteta “mãnh liệt” chỉ đạo các học trò tới mức tắt tiếng như thế nào cho tới việc Jose Mourinho có thể “hài hước” tới đâu khi trao đổi với các học trò. Nhưng thực sự, serie này, cùng với đó là quyết định gắn micro và camera “mọi lúc, mọi nơi” của BLĐ La Liga, khiến chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: Đâu là giới hạn cho nội dung “viral”, đặc biệt là trong bóng đá?

Đúng là bóng đá ngày nay cần thay đổi để trở nên “ăn khách” hơn trong mắt công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, những người mà Pique cho rằng “có lối tiếp cận thông tin rất khác thế hệ cũ”, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các giải đấu, các nhà tài trợ hay các kênh truyền hình có quyền biến môn thể thao vốn được xem là “tôn giáo” lớn nhất thế giới này trở thành một show truyền hình sit-com, hay tệ hơn, theo lời chủ tịch La Liga, Javier Tebas, “một rạp xiếc” đúng nghĩa. Vì khi đó, bóng đá sẽ mất đi những giá trị thiêng liêng mà người ta đã xây dựng từ lâu như chiến thuật, con người và trên hết, đó là sự riêng tư cần thiết cho các đội bóng, nhất là ở các cuộc trao đổi giữa trận đấu. Nói cách khác, hãy trả lại sự tự do cho bóng đá trước khi nó dần trở thành một phiên bản 11 người của WWE, giải đấu vật chuyên nghiệp nổi tiếng với những kịch bản đã được dàn dựng từ trước đó.

KDNX

Nguồn: The Athletic, Internet.


KDNX

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]