(Baothanhhoa.vn) - Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử dân tộc ghi đậm chiến công biết bao thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng, kiên cường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Mỗi cuộc đời, mỗi số phận đã hòa quyện vào nhau làm nên bản anh hùng ca bất diệt. Trong bản anh hùng ca ấy, câu chuyện chiến đấu anh dũng, quả cảm, hy sinh quên mình của Trung đội Mai Quốc Ca chính là nốt nhạc trầm hùng, da diết ngân vang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cựu chiến binh Vũ Quang Thành của Trung đội Mai Quốc Ca: Nhân chứng và lịch sử

Cựu chiến binh Vũ Quang Thành của Trung đội Mai Quốc Ca: Nhân chứng và lịch sử

Cựu chiến binh Vũ Quang Thành bồi hồi, xúc động nhớ lại hồi ức về Trung đội Mai Quốc Ca.

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử dân tộc ghi đậm chiến công biết bao thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng, kiên cường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Mỗi cuộc đời, mỗi số phận đã hòa quyện vào nhau làm nên bản anh hùng ca bất diệt. Trong bản anh hùng ca ấy, câu chuyện chiến đấu anh dũng, quả cảm, hy sinh quên mình của Trung đội Mai Quốc Ca chính là nốt nhạc trầm hùng, da diết ngân vang.

Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng

Trung đội quân giải phóng mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm có 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Tuy các chiến sĩ của trung đội đều có tuổi đời còn rất trẻ (từ 18 - 30 tuổi) nhưng ai ai cũng một lòng quyết tâm, không tiếc thân mình, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sau một thời gian ngắn đóng quân, tổ chức huấn luyện ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trung đội nhận lệnh vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - một trong những “tọa độ lửa” khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Nhiệm vụ đầu tiên của trung đội tại Quảng Trị là vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược “lót ổ” cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 đánh vào các căn cứ vùng giáp ranh tại Đầu Mầu, núi Kiến (Quảng Trị).

Đêm 9-4-1972, Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ vận chuyển 100kg thuốc nổ TNT nhằm mục đích đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), chặn quân tiếp viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên ứng cứu cho Đông Hà, Ái Tử - 2 căn cứ quân sự lớn của địch tại vùng chiến thuật 1). Từ đó, tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự của địch đang tập trung rất đông tại chiến trường Quảng Trị.

Tuy nhiên, khoảng rạng sáng ngày 10-4-1972, khi trung đội đến gần cầu Thạch Hãn thì bị địch phát hiện. Quân địch điên cuồng xả súng, các chiến sĩ của trung đội cố gắng chống trả, cầm cự, động viên nhau quyết chiến. Trung đội và quân địch đánh giáp lá cà, giằng co quyết liệt. Bị bất ngờ và có phần lúng túng trước sức chịu đựng, độ gan lỳ, dũng cảm của các chiến sĩ, quân địch tiếp tục điều động thêm binh lính vây chặt trung đội. Không nản chí, cố gắng đem hết sức mình phá vòng vây, các chiến sĩ tận dụng địa thế nhanh chóng chia nhau ẩn nấp, người trước xông pha, người sau “bọc lót” yểm trợ, nhiều phen tưởng như đã có thể phá vòng vây, thoát được “cửa tử”. Dẫu vậy, do tương quan lực lượng quá lớn, đến quá trưa ngày 10-4-1972, hầu hết các chiến sĩ của trung đội đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của các chiến sĩ đã viết nên bản anh hùng ca bất tử bên dòng Thạch Hãn, là dấu son tỏa sáng lấp lánh trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, là niềm tự hào của các thế hệ cháu con đất Việt về một thế hệ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Trong trận đánh, trung đội đã tiêu diệt được 125 quân địch thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và “bắn hạ” nhiều xe cơ giới. Với những chiến công ấy, năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100”.

Trong trận chiến ấy, duy chỉ có một người chiến sĩ may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng. Nhiều năm bị địch bắt giữ, phải sống cảnh tù đày nhưng người chiến sĩ ấy kiên quyết giữ vững lập trường, nêu cao chí khí: “Thà chết, thà chấp nhận bị địch giam cầm, ngược đãi chứ nhất định không chịu chiêu hồi”. Đó là người cựu chiến binh Vũ Quang Thành (làng Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc).

Lời trần tình của người lính

Tháng 9–1971, chàng trai Vũ Quang Thành nhập ngũ, là lính của Trung đoàn 14 thuộc Tỉnh đội (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đây là lực lượng bổ sung cho đơn vị chủ lực là Sư đoàn 304, Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 3, Đại đội 11, Trung đội 2 (sau này thường gọi là Trung đội Mai Quốc Ca). Tham gia vào Trung đội Mai Quốc Ca khi tuổi thanh xuân mơn mởn với bao hoài bão, khao khát. Người cựu chiến binh hồi tưởng lại, trong ánh mắt không dấu nổi niềm xúc động, nghẹn ngào: “Tham gia trung đội khi ấy có 13 người đồng hương Thanh Hóa, 5 chiến sĩ đồng hương huyện Vĩnh Lộc. Do có nhiều anh em cùng quê, lại trải qua ngày tháng huấn luyện gian khổ cùng nhau nên anh em rất thân thiết, gắn bó, đoàn kết, vẫn thường trò chuyện, tâm sự về chuyện gia đình, làng xã”.

Là bởi những tình cảm chân thành, gắn bó ấy nên khoảnh khắc buộc phải chứng kiến từng người đồng chí, đồng đội hy sinh trước mặt mình, đến bây giờ và có lẽ mãi về sau, sẽ luôn là nỗi niềm chất chứa, hằn sâu trong tâm trí ông Thành. Ông rưng rưng kể: “Khi địch điên cuồng xả súng, tôi vừa kịp tìm chỗ trú ẩn sau một đợt xông pha chống trả quyết liệt và bọc lót cho đồng đội. Bất ngờ một thân hình to lớn đổ gục xuống ngay bên cạnh tôi, chỉ kịp nấc lên mấy tiếng rồi hy sinh. Tôi đau đớn ôm lấy thi thể còn ấm nóng, căng trào dòng máu tươi, nhặt lấy những viên đạn cuối cùng của đồng đội rồi tiếp tục lao ra khỏi vị trí, tiến về phía trước, quyết chiến với giặc”.

Sau trận đánh ấy, ông bị thương nặng. Địch bắt giữ ông, đưa vào quân y viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Tại đây, ông Thành được tiến hành mổ nối ruột và nằm lại điều trị trong khoảng 1 tháng. Sau đó, ông chuyển sang viện Duy Tân (Đà Nẵng), tiếp tục điều trị khoảng 1 tháng rưỡi. Ra viện, ông cùng 60 đồng chí chiến sĩ bị địch tạm giam mấy ngày tại khu vực chân bán đảo Sơn Trà; giam lỏng ở nhà lao Bạch Đằng khoảng 2 tháng với 7 lần hỏi cung. Ông Thành nhớ rất rõ, sau mỗi lần hỏi cung mà không khai thác được gì, quân địch vô cùng tức giận nói với ông: Chúng mày có hai con đường lựa chọn: Một là chấp thuận chiêu hồi thì sẽ nhận được đãi ngộ, được đưa đến sinh sống ở làng chiêu hồi. Hai là ngoan cố thì xác định ở tù hết kiếp. Dẫu biết cảnh tù đày muôn vàn khó khăn, gian khổ; quân địch xảo trá dùng đủ hình thức từ thuyết phục, dụ dỗ cho đến dọa nạt nhưng tự sâu thẳm đáy lòng, ông Thành chưa một lần đắn đo, do dự giữa hai con đường lựa chọn. Lòng tự trọng, ý chí của người lính luôn cất lên câu trả lời đanh thép: “Thà chết, thà chấp nhận bị giam cầm, ngược đãi chứ nhất định không chịu chiêu hồi”. Tinh thần, ý chí, lòng quyết tâm ấy cuối cùng cũng được đền đáp. Ngày 10-3-1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông và các chiến sĩ bị tù đày khác được trao trả tự do bên dòng Thạch Hãn và đưa về an dưỡng ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khoảng 1 năm, trước khi được trở về quê nhà vào tháng 4–1974.

Nỗi lòng của một người lính may mắn thoát chết trở về khiến ông Thành vẫn luôn đau đáu nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Ông như thầm nhủ với bản thân: “Tôi là chiến sĩ may mắn, may mắn hơn anh em, đồng chí, đồng đội của mình. Vì vậy, tôi phải sống một cách thật ý nghĩa để trả ơn cuộc đời và xứng đáng với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc”. Trở về nơi chôn nhau cắt rốn, ông Thành nỗ lực học tập, làm việc, cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của quê hương. Ông Thành theo học tại Trường Trung cấp kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa. Có kinh nghiệm, học thức, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Thành được tín nhiệm làm cán bộ kế hoạch của HTX nông nghiệp xã Vĩnh Phúc; 12 năm đảm nhận công việc trưởng thôn - thôn Đồng Minh. Ông Thành là một trong những người chủ chốt, tích cực vận động, xây dựng và phát triển Ban liên lạc hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày huyện Vĩnh Lộc. Ban liên lạc được xem là “mái nhà chung”, nơi kết nối, giao lưu, gặp gỡ, tích cực hoạt động, quan tâm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của những người lính đã từng bị địch bắt, tù đày trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc. Đến nay, Ban liên lạc có hơn 20 hội viên tham gia, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

48 năm đã qua đi, hồi ức sống và chiến đấu cùng những người đồng chí, đồng đội ở Trung đội Mai Quốc Ca vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí cựu chiến binh Vũ Quang Thành. Ông cũng đã nhiều lần trở lại Quảng Trị - mảnh đất khói lửa khốc liệt một thời, thăm lại trận địa xưa, vào nghĩa trang thắp nén tâm nhang tưởng niệm những người đã khuất. Sau ngày thống nhất, núi sông liền một dải, hài cốt của các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca được cải táng, quy tập về Nghĩa trang Ái Tử, huyện Triệu Phong. Trong một không gian chung, những ngôi mộ nằm sát bên nhau như chưa hề có cuộc chia ly đẫm máu, khốc liệt ấy. Tất cả ngôi mộ đều đề chung một tên gọi: Mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca.

Sau khi xác định thông tin các liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, Ban liên lạc Trung đoàn 9 đã đề nghị Cục Người có công (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép khai quật hài cốt liệt sĩ ở đây, lấy mẫu ADN gửi Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam để tổ chức giám định. Vượt qua biết bao gian nan, vất vả, kết quả đối chiếu với mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca có 16/19 mẫu trùng khớp. Năm 2014, phần mộ của 16 đồng chí thuộc Trung đội Mai Quốc Ca đã được gắn tên, bổ sung thêm thông tin. Ngay tại nơi các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca hy sinh, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng đài tưởng niệm, lấy ý tưởng hình tượng của một trái tim lớn, bên trong có 20 giọt máu tượng trưng cho 20 sinh mệnh, 20 cuộc đời, 20 chiến sĩ của trung đội anh hùng. Ông Thành xúc động kể: “Chính ông cũng có một ngôi mộ được gắn tên, tuổi, quê quán ở Nghĩa trang Ái Tử. Ông vẫn không rời xa đồng đội, tên ông vẫn ở đó, trong danh sách 20 cái tên của trung đội anh hùng. Đó là điều thiêng liêng, niềm hãnh diện lớn lao mà ông mang theo suốt cuộc đời mình”.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]