Cử tri Mỹ chấp nhận rủi ro?
Ngày 6/11 có lẽ là ngày đáng nhớ đối với người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế với chiến thắng vang dội của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Mặc dù nhiệm kỳ đầu đọng lại sự bất định, khó lường trong chính sách của Chính quyền Donald Trump, song việc cử tri Mỹ lựa chọn ông trong cuộc chạy đua lần này có phải là chấp nhận rủi ro?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump để lại hình ảnh là một nhà lãnh đạo khó lường với nhiều quyết định, chính sách khó đoán của ông. Không phải tất cả người Mỹ đều có những kỷ niệm đẹp nhất về nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, vốn gắn liền với đại dịch Covid-19, tranh chấp với các đồng minh châu Âu và sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Có rất nhiều câu hỏi về những tuyên bố “mơ hồ” về mặt chính trị của ông trong những tháng gần đây và về những lời hứa rõ ràng là thiếu khả thi mà ông đã cam kết trước người dân Mỹ trong chiến dịch bầu cử. Sự hoài nghi đối với ông Trump đến từ vô số người Mỹ ở các vùng nông thôn, các doanh nghiệp lớn từ Phố Wall của New York đến Thung lũng Silicon của California, các trường đại học và giới truyền thông. Ngay cả trong chính ban lãnh đạo của đảng Cộng hòa, ông Trump luôn phải đối mặt với những kẻ gièm pha bí mật hay cả những đối thủ công khai.
Bất chấp những khoản tài chính khổng lồ được bơm vào chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, bất chấp sự phản kháng của nhiều tổ chức, sự chia rẽ trong chính đảng Cộng hòa, sự hậu thuẫn của những nhân vật nổi tiếng nhất trong xã hội Mỹ, như George Clooney, Taylor Swift, giành cho đối thủ Kamala Harris. Rồi vô số vụ kiện nhằm mục đích, nếu không phải là loại ông Trump khỏi cuộc đua tổng thống, thì ít nhất sẽ hủy hoại hoàn toàn danh tiếng chính trị của ông. Và bất chấp nhiều thông tin tiêu cực khác trên các trang báo nổi tiếng, trên các mạng xã hội hàng đầu, nhưng vượt lên tất cả, ông Trump vẫn giành chiến thắng một cách vang dội.
Sẽ không ai có thể biết rõ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra như thế nào, mang lại những thay đổi gì cho nước Mỹ? Nhưng rõ ràng là nhiệm kỳ này sẽ khác biệt đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Donald Trump trở lại Nhà Trắng với tư cách là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và tinh tế hơn nhiều, không chỉ nếm trải vị ngọt của những chiến thắng khải hoàn, mà còn cả vị đắng của những thất bại tan nát (cuộc bầu cử tổng thống năm 2020). Tất nhiên, ông Trump sẽ không thể quên những khó khăn mà ông phải trải qua trong 4 năm qua, kể cả những cáo buộc pháp lý nhằm vào ông. Rõ ràng, ông Trump hiện nay có một ê-kíp mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 2016. Ngoài ra, nhiệm kỳ thứ hai cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Donald Trump, khi ông không còn cần phải suy nghĩ về cuộc tái tranh cử sắp tới và cuối cùng có thể cho phép mình được là chính mình.
Công chúng Mỹ hy vọng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Donald Trump sẽ kiên định hơn, quyết đoán hơn Trump của nhiệm kỳ 2017 - 2020. Nhưng rất khó có thể giải thích tại sao cử tri Mỹ lại bầu cho Donald Trump mà không phải là Kamala Harris khi mà hầu như tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều ghi nhận lợi thế cho bà Harris. Có thể giả định rằng, khi chọn Donald Trump thay vì Kamala Harris, cử tri Mỹ không bị dẫn dắt bởi những đối lập nhị nguyên truyền thống (nam - nữ, cựu doanh nhân thành đạt - cựu công tố viên bang, người New York - người California, da trắng - da màu). Đúng hơn, nước Mỹ chỉ đơn giản là mệt mỏi với chương trình nghị sự của đảng Dân chủ và sẵn sàng mạo hiểm bằng cách đặt cược vào một chương trình thay thế, mặc dù có thể không hoàn toàn nhất quán và thậm chí là không rõ ràng ở một số nội dung, của Donald Trump.
Sẽ không tránh khỏi những rủi ro trong sự lựa chọn này của cử tri Mỹ và phần còn lại của thế giới, nhất là qua những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump (chính sách bảo hộ thương mại nghiêm ngặt, rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu hay Thỏa thuận hạt nhân Iran). Những tuyên bố gần đây của ông Trump về nền kinh tế Mỹ, về các chương trình xã hội, về tài chính công, về các vấn đề khí hậu và di cư đều mang tính tuyên bố rõ ràng và khó có thể được coi là các chiến lược thuyết phục, đáp ứng mong mỏi của cử tri Mỹ và cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, điều này cũng tương tư đối với những vấn đề cơ bản trong chính sách đối ngoại, từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đến đối đầu Israel - Palestine, từ tương lai thương mại quốc tế đến số phận của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Nhưng chắc chắn sẽ là sai lầm nếu nhận định người Mỹ tin tưởng một cách mù quáng vào những lời hứa bầu cử của một nhà lãnh đạo vốn được coi là một nhà hùng biện xuất chúng. Phải chăng cử tri Mỹ đã có thể nghiên cứu đủ kỹ về Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông để tách biệt lời hùng biện lôi cuốn khỏi thực tiễn chính trị. Sự lựa chọn của cử tri Mỹ không phải do sự cả tin, mà có lẽ xuất phát từ nhận thức về những hạn chế mà đảng Dân chủ đã lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua, cả trong các vấn đề đối nội và quốc tế.
Kết quả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 cho thấy thực tế là chương trình nghị sự của đảng Dân chủ từ các nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama và Bill Clinton không còn thu hút được cử tri Mỹ quan tâm. Ngay cả khi đảng Dân chủ “thay ngựa giữa đường” từ đương kim Tổng thống Joe Biden lớn tuổi bằng một nhà lãnh đạo kỹ trị, da màu, có đầy đủ năng lực và được tài trợ hào phóng. Và cử tri Mỹ sẵn sàng lựa chọn và đặt cược vào giải pháp thay thế khả thi nhất được đưa ra trên thị trường chính trị.
Giới phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng những rủi ro có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Những quyết định khó lường trong lĩnh vực kinh tế có thể làm sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ, thúc đẩy lạm phát hoặc khiến đất nước rơi vào một cuộc suy thoái theo chu kỳ mới. Những bước đi vội vàng và bất ngờ trong chính sách đối ngoại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những bất đồng mới và xung đột mở với các đồng minh, làm suy thoái thêm các tổ chức quốc tế và thậm chí là một cuộc xung đột quân sự lớn, trong đó Mỹ là người chơi trực tiếp. Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai khó có thể là người ủng hộ nhiệt thành cho chủ nghĩa đa phương, mở rộng giao thương quốc tế, kiểm soát vũ khí dưới mọi hình thức hoặc tăng mạnh viện trợ của Mỹ cho các quốc gia nghèo ở miền Nam bán cầu.
Tất cả điều này có nghĩa là nước Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ có một con đường gập ghềnh phía trước, với những khúc cua gấp, những ngã ba chưa được lập bản đồ, những đoạn đường dốc. Không loại trừ khả năng sẽ có những rủi ro trên con đường này, nhưng hầu hết cử tri Mỹ dường như nhận thấy những rủi ro này là có thể chấp nhận được và thấp hơn những gì đã trải qua trong 4 năm qua ở nước Mỹ. Và có lẽ, từ quan điểm này, có thể hiểu được sự lựa chọn của cử tri Mỹ.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-22 06:24:00
Malaysia được coi như cửa ngõ tiến vào thị trường Đông Nam Á
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-06 16:40:00
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump mang đến những thay đổi gì cho nước Mỹ?
Chính phủ Đức đối mặt với nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền
Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Trump - Harris: Cuộc chiến giành sự ủng hộ của cử tri gốc Latinh
Cuộc đình công của Boeing sẽ tác động mạnh tới thị trường việc làm Mỹ
Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại
Bầu cử Mỹ: Donald Trump và Kamala Harris sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế như thế nào với tư cách là tổng thống?
Bầu cử Mỹ: Các nhà lãnh đạo kinh tế lo lắng về sự trở lại của Donald Trump
Những tin đồn về việc Triều Tiên đưa quân tới hỗ trợ Nga có thể đẩy xung đột Ukraine lên nấc thang mới