Chính phủ Đức đối mặt với nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đứng đầu trong liên minh cầm quyền 3 đảng, phản đối gay gắt đề xuất của Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) về cải cách kinh tế. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Có nhiều đồn đoán rằng chính phủ trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz sắp sụp đổ. Điều này có thể dẫn đến các cuộc bầu cử sớm. Liệu đó có phải là con đường khôi phục sự ổn định chính trị?
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner mới đây đã gây ra một cuộc tranh cãi mới mà các nhà quan sát cho rằng đang đẩy chính phủ liên minh trung tả đến bờ vực sụp đổ.
Ông Lindner, Chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo chủ nghĩa tự do mới, đã viết một bài báo dài 18 trang với những đề xuất về “một sự thay đổi kinh tế, theo đó sửa đổi một phần cơ bản các quyết định chính trị quan trọng” - bằng cách cắt giảm thuế cho các công ty, bãi bỏ các quy định về khí hậu và cắt giảm phúc lợi.
Song những đề xuất này được coi là một sự khiêu khích, không thể dung hòa với các đề xuất của hai đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh bảo vệ môi trường. Đã có những chỉ trích gay gắt đối với sáng kiến của ông Lindner.
Mặc dù ông Lindner tuyên bố rằng bài báo không có ý định xuất bản, cuộc thảo luận đã lên đến đỉnh điểm vào thời điểm chỉ còn một tuần trước khi ngân sách năm 2025 dự kiến được trình bày. Phe đối lập bảo thủ lại kêu gọi bầu cử sớm.
Theo hiến pháp, bầu cử Đức diễn ra 4 năm một lần và cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025. Tuy nhiên, bầu cử sớm có thể được tiến hành khi xảy ra các cuộc khủng hoảng chính trị, người đứng đầu chính phủ, thủ tướng, mất đi sự ủng hộ của mình trong quốc hội.
Bầu cử sớm cực kỳ hiếm ở Đức, nhưng đây là một biện pháp dân chủ quan trọng. Bầu cử sớm được hiến pháp Đức quy định và đòi hỏi sự thông qua của quốc hội, trong đó có nguyên thủ quốc gia, Tổng thống.
Hai kịch bản có thể xảy ra
Theo Hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể do các thành viên Quốc hội liên bang (Hạ viện), hay thủ tướng đưa ra. Việc giải tán quốc hội sớm chỉ có thể xảy ra theo một trong hai cách.
Trong trường hợp đầu tiên, nếu một ứng cử viên thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội - ít nhất 367 ghế trong Hạ viện gồm 733 ghế - thì tổng thống Đức có thể giải tán quốc hội. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức.
Trong trường hợp thứ hai, thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội để xác nhận liệu mình có còn nhận được đủ sự ủng hộ của quốc hội hay không. Nếu thủ tướng không giành được đa số, thủ tướng có thể chính thức yêu cầu tổng thống giải tán quốc hội trong vòng 21 ngày.
Sau khi giải tán quốc hội, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và quy trình tổ chức giống như các cuộc tổng tuyển cử thông thường. Cơ quan bầu cử liên bang và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thực hiện.
Cho đến nay, 3 cuộc bầu cử quốc hội sớm đã được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là các trường hợp của Thủ tướng Willy Brandt vào năm 1972, Thủ tướng Helmut Kohl vào năm 1983 và Thủ tướng Gerhard Schröder năm 2005.
Cựu Thủ tướng Willy Brandt
Willy Brandt, Thủ tướng đầu tiên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, cầm quyền trong một liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) bắt đầu từ năm 1969. “Ostpolitik” (chính sách hướng Đông) của ông đã dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào năm 1972.
Brandt đã thúc đẩy chính sách xích lại gần nhau trong Chiến tranh Lạnh để xoa dịu quan hệ với khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Nó đã gây nhiều tranh cãi ở Tây Đức. Sự chia rẽ lớn xuất hiện trong chính phủ, khiến một số nhà lập pháp của SPD và FDP từ bỏ đảng.
Thế đa số trong chính phủ giảm đi đáng kể, và sự ủng hộ dành cho Brandt giảm xuống ngang bằng với phe bảo thủ đối lập, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU): mỗi bên có 248 đại diện trong Quốc hội liên bang.
Sự bế tắc đó đã làm tê liệt mọi thứ, khiến Brandt phải tìm kiếm giải pháp. Ngày 24/6/1972, ông tuyên bố “mọi công dân đều có quyền đảm bảo rằng luật pháp không thể bế tắc.”
Trong khi đó, ông nhận thấy mối nguy hiểm ngày càng lớn: “Đó là phe đối lập sẽ từ chối hợp tác mang tính xây dựng.” Vì vậy, ông tuyên bố rằng: “Chúng tôi đang tìm kiếm các cuộc bầu cử mới.”
Ông Brandt đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội liên bang với mục đích là thua cuộc, để chức thủ tướng của ông có thể được cử tri tái khẳng định trong các cuộc bầu cử mới. Động thái này bị chỉ trích gay gắt, các nghị sỹ cho rằng việc cố tình làm mất phiếu tín nhiệm là không phù hợp với tinh thần của hiến pháp, còn gọi là “Luật cơ bản” của Đức.
Ông Brandt kiên trì với kế hoạch của mình và kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 20/9/1972 - và đã thất bại, đúng như kế hoạch của ông. Điều đó đã mở đường cho việc giải tán Quốc hội và các cuộc bầu cử mới, được tổ chức vào ngày 19/11/1972.
Ông Brandt được bầu lại làm Thủ tướng. SPD nhận được 45,8% phiếu bầu - kết quả tốt nhất cho đến nay. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang, với mức 91,1%.
Cựu Thủ tướng Helmut Kohl
Ông Helmut Kohl, thuộc đảng CDU, chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử Quốc hội liên bang sớm lần thứ hai, vào năm 1983. Helmut Kohl nắm quyền sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mang tính xây dựng đối với Thủ tướng lúc bấy giờ là Helmut Schmidt (SPD), vào tháng 10/1982.
Đa số các nghị sỹ đã bỏ phiếu không tín nhiệm đối với Schmidt do những khác biệt về chính sách kinh tế và an ninh của ông.
Vì liên minh CDU/CSU và FDP của Helmut Kohl lên nắm quyền thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải tổng tuyển cử, Helmut Kohl mong muốn có thêm tính hợp pháp thông qua một cuộc tổng tuyển cử.
Ông kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà ở đó ông cũng cố tình thua vào ngày 17/12/1982. Điều này dẫn đến việc giải tán Quốc hội liên bang.
Tại thời điểm đó, Helmut Kohl nói: “Tôi đã mở đường cho các cuộc bầu cử mới nhằm ổn định chính phủ và giành được đa số rõ ràng trong Quốc hội liên bang.”
Một số thành viên Quốc hội nhận thấy điều đó là không thể chấp nhận được và đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp liên bang Đức. Sau 41 ngày điều trần, các thẩm phán đã chấp nhận giải pháp tiến tới các cuộc bầu cử mới của Helmut Kohl bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có chủ ý.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được phép trong thời kỳ khủng hoảng “thực sự.”
Cuộc bầu cử mới được tổ chức vào ngày 6/3/1983 đã xác nhận Helmut Kohl là Thủ tướng và chính phủ của ông đã có thể tiếp tục với đa số rõ ràng.
Cựu Thủ tướng Gerhard Schröder
Gerhard Schröder thuộc đảng SPD đã khởi xướng cuộc bầu cử sớm lần thứ ba ở Đức vào năm 2005. Khi đó, ông là Thủ tướng và đứng đầu một liên minh với đảng Xanh.
SPD đang gặp khó khăn sau một loạt thất bại trong cuộc bầu cử cấp bang và sự ủng hộ ngày càng giảm trong Quốc hội liên bang. Sự ủng hộ giảm sút chủ yếu là do những cải cách Chương trình nghị sự 2010 gây tranh cãi của Schröder, đã làm thay đổi mạnh mẽ hệ thống xã hội và thị trường lao động.
Ông Schröder kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà ông đã cố tình thua vào ngày 1/7/2005, qua đó tạo ra các cuộc bầu cử mới.
Ông Schröder nói: “Tôi tin chắc rằng đa số người Đức muốn tôi tiếp tục đi theo con đường này. Nhưng tôi chỉ có thể đạt được sự rõ ràng cần thiết thông qua một cuộc bầu cử mới.”
Tuy nhiên, những tính toán của ông ấy đã thất bại. Cuộc bầu cử sớm, diễn ra vào ngày 18/9/2005 đã mang lại chiến thắng cho CDU/CSU của bà Angela Merkel với đa số sít sao.
Người đàn bà thép này đã trở thành Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ do CDU/CSU đứng đầu, liên minh với SPD. Đó cũng là sự khởi đầu cho 16 năm cầm quyền của bà Merkel./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-21 17:19:00
Cuộc xung đột Nga - Ukraine 2024: Còn dai dẳng, quyết liệt và khó lường
-
2024-12-20 10:35:00
Công bố nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024
-
2024-11-04 16:42:00
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền
Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Trump - Harris: Cuộc chiến giành sự ủng hộ của cử tri gốc Latinh
Cuộc đình công của Boeing sẽ tác động mạnh tới thị trường việc làm Mỹ
Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại
Bầu cử Mỹ: Donald Trump và Kamala Harris sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế như thế nào với tư cách là tổng thống?
Bầu cử Mỹ: Các nhà lãnh đạo kinh tế lo lắng về sự trở lại của Donald Trump
Những tin đồn về việc Triều Tiên đưa quân tới hỗ trợ Nga có thể đẩy xung đột Ukraine lên nấc thang mới
Bầu cử Mỹ: “Sự trở lại” của Obama có đủ để ngăn chặn Trump hay không?
“Lập Nhà nước Palestine độc lập là điều cần thiết để đạt hòa bình ở Trung Đông”