(Baothanhhoa.vn) - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới nguy hiểm, người dân đã ngày càng có ý thức chấp hành thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế. Trong đó, việc đeo khẩu trang nơi công cộng để chủ động phòng, chống dịch bệnh đang được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, việc thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng lại đang có nhiều bất cập, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đừng vứt bừa bãi khẩu trang đã sử dụng!

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới nguy hiểm, người dân đã ngày càng có ý thức chấp hành thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế. Trong đó, việc đeo khẩu trang nơi công cộng để chủ động phòng, chống dịch bệnh đang được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, việc thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng lại đang có nhiều bất cập, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đừng vứt bừa bãi khẩu trang đã sử dụng!Những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt vương trên vệ đường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi người đeo mang mầm bệnh trong người. Ảnh: Ngân Hà

Vừa ra khỏi một phòng khám đa khoa trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thuộc địa bàn phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, người đàn ông ăn mặc lịch sự đã gỡ chiếc khẩu trang trên mặt vứt xuống đất rồi nhanh chóng lên xe ô tô, đóng sập cửa lại và phóng đi. Anh bảo vệ phòng khám chỉ biết lắc đầu, rồi cúi xuống nhặt chiếc khẩu trang bỏ vào thùng rác, miệng lẩm bẩm “Vô ý thức!”.

Thấy tôi cũng tỏ vẻ thái độ bức xúc khi chứng kiến cảnh này, anh bảo vệ liền nói “Người có ý thức thì họ bỏ khẩu trang vào thùng rác hoặc túi rác của các hộ dân để ven đường. Người không có ý thức thì tiện đâu vứt đấy. Ở đây các anh còn nhặt cho vào thùng rác. Chứ còn chỗ khác thì em thấy đấy” - vừa nói anh bảo vệ chỉ cho tôi xem những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi bên vệ đường ở khu vực xung quanh, cách đó không quá xa.

“Họ vứt khẩu trang không đúng nơi quy định mà không bị lực lượng chức năng phạt sao” - tôi thắc mắc. “Đấy là quy định thôi, chứ chưa thấy ai bị phạt cả. Bởi, khi có người vứt bỏ khẩu trang ra đường thì lực lượng chức năng không có mặt” - anh bảo vệ trả lời.

Câu chuyện của tôi và anh bảo vệ đã làm cho một người phụ nữ, chừng hơn 40 tuổi đứng bên cạnh chú ý và góp chuyện. Qua lời chị, được biết công việc của chị và các đồng nghiệp là hằng ngày đi cắt tỉa cây xanh dọc các trục đường, bồn hoa cây cảnh trên địa bàn thành phố. Các chị thường xuyên nhìn thấy muôn hình vạn trạng những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng vo tròn nhét vào cành cây, vứt dưới gốc cây, lẫn trong đất, rác... Sợ lây nhiễm dịch bệnh nên dù thời tiết nắng nóng nhưng các chị phải đeo hai chiếc khẩu trang một lúc, găng tay loại dày để hạn chế phần nào nguy cơ lây nhiễm. Các đồng nghiệp của chị ở bộ phận thu gom rác thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ những chiếc khẩu trang vô chủ còn cao hơn. “Gia đình có ý thức thì họ nhét gọn vào túi rác, gia đình vô ý thức thì họ vứt bừa ra đống rác, gió thổi bay khắp nơi” - giọng chị đầy bức xúc.

Quả thực, đeo khẩu trang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cũng chỉ vì sự vô ý thức trong việc thải bỏ khẩu trang mà những chiếc khẩu trang đã và đang làm cho môi trường từ nông thôn đến thành thị trở nên xấu đi. Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang đủ màu sắc bị vứt bỏ ngay bên vệ đường, vương trên bụi cỏ, bãi rác, thậm chí ngay cả trong công viên, chợ dân sinh, khu chung cư, bãi biển, dòng sông, con suối... làm mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán và lây lan dịch bệnh, trở thành gánh nặng với môi trường.

Còn nhớ trong một lần làm việc với anh Hoàng Văn Thụ, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa về công tác xử lý rác thải trong bệnh viện, chúng tôi được anh cho biết: Tất cả các loại rác thải trong bệnh viện đều phải được phân loại tại chỗ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đối với khẩu trang y tế đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, từ các bệnh về hô hấp, cúm, cho đến đường tiêu hóa, nguy cơ nhiều nhất là bệnh lao, vì vi khuẩn lao tồn tại rất lâu trong môi trường. Vì vậy, mỗi khoa, phòng đều có một thùng rác màu vàng, có nắp đậy để chứa rác thải lây nhiễm, trong đó có khẩu trang y tế. “Khẩu trang nói chung hay khẩu trang y tế nói riêng khi đã được sử dụng thì có thể coi như là một vật gây nhiễm vì nó chắn những chất tiết đường hô hấp của nhiều người hoặc từ chính người vốn đã mang mầm bệnh. Khi chúng ta vứt bừa bãi thì sẽ tạo ra những nguồn lây nhiễm ngoài môi trường, có thể gây nên những nguy cơ đối với người xung quanh cũng như đối với môi trường” - anh Thụ nhấn mạnh.

Trước thực trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 624/BYT-MT ngày 12-2-2020 về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương: tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang; sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay; bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người dân có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng... Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường là chủ tịch UBND xã, huyện, chiến sĩ công an Nhân dân đang thi hành công vụ, đội trưởng, trạm trưởng, trưởng công an xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất, trưởng công an huyện, trưởng phòng công an cấp tỉnh... Tuy nhiên, trên thực tế công tác xử lý vi phạm hành chính từ hành vi vứt khẩu trang ra nơi công cộng còn rất hạn chế.

Thiết nghĩ, trước thực trạng trên, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP để người dân biết và thực hiện tốt bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe cho chính mình, từ đó hạn chế hành vi vi phạm. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm về bảo vệ môi trường tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xem xét, xử lý. Hơn nữa, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người sử dụng không nên vứt bỏ khẩu trang đã qua sử dụng một cách bừa bãi để tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vì cộng đồng, vì cả nước và vì chính bản thân, thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]