(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và tăng  thu nhập cho người nông dân.

Nông dân đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất

Những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và tăng thu nhập cho người nông dân.

Nông dân đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuấtMô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lê Duy Kỳ, xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa.

Với sự năng động, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Những năm qua, mô hình trồng nấm sò và mộc nhĩ của gia đình ông Lê Văn Thành, xã Thọ Thế (Triệu Sơn) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua trao đổi với ông Thành, được biết: sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu ông nhận thấy trồng nấm là mô hình kinh tế không cần quá nhiều vốn, quy trình chăm sóc đơn giản mà lại mang đến hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng nấm do huyện, tỉnh tổ chức; đồng thời tích cực đi tham quan các mô hình nấm có hiệu quả cả trong và ngoài tỉnh. Sau khi có kinh nghiệm vững vàng, năm 2015 ông quyết định dành diện tích trong vườn nhà với gần 2.000m2 và đầu tư các giàn treo bằng sắt kiên cố, làm các giàn hấp bịch phôi nấm và mua sắm nhiều máy móc thiết bị hiện đại để xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm, tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn.

Để nấm làm ra không chỉ đẹp về hình thức mà còn có chất lượng tốt, ông Thành luôn chau chuốt, tỉ mỷ và cẩn thận trong từng quy trình, công đoạn, từ chuẩn bị nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc cho đến thu hoạch. Đặc biệt, để giúp nấm sinh trưởng phát triển tốt đòi hỏi nơi trồng nấm phải sạch sẽ, đáp ứng được các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng. Nguyên liệu nuôi cấy không bị mốc, phải được khử trùng trước khi cho vào bịch để cấy giống. Với những cách làm nghiêm ngặt đó, sản phẩm nấm sò của gia đình ông làm ra được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Mỗi năm, nhờ trồng nấm sò và mộc nhĩ đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập lớn. Hiện tại, ông đang có dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường.

Ngoài mô hình trồng nấm sò và mộc nhĩ của gia đình ông Thành, trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện nay đang có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN do hội viên nông dân làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng khoai môn chỉ tím (xã Dân Lý), mô hình trang trại tổng hợp (xã Đồng Tiến), mô hình trồng bơ, trồng măng trúc (xã Thọ Sơn)... Trao đổi về vấn đề này, ông Nhữ Mai Thỏa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn, cho biết: Xác định KH&CN chính là “chìa khóa” trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nông dân về vai trò của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất; đồng thời triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua việc xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, tổ chức tập huấn và chuyển giao tiến bộ KH&CN cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để cập nhật thông tin, quy trình kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, thông tin thị trường. Nhờ đó, đa số nông dân đã mạnh dạn đầu tư vật tư, vốn để đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Tại huyện Hoằng Hóa, hiện cũng có nhiều mô hình do hội viên nông dân làm chủ ứng dụng KH&CN mang lại hiệu quả thu nhập cao như: mô hình nuôi cua quảng canh, trồng rau sạch (xã Hoằng Lưu); trồng măng tây, hoa ly (xã Hoằng Châu); trồng rau sạch (xã Hoằng Đạt, Hoằng Hợp, Hoằng Giang),... Chúng tôi đến tham quan vườn rau quả được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lê Duy Kỳ (xã Hoằng Lưu), đúng lúc ông đang thu hoạch lứa dưa chuột baby. Ông Kỳ cho biết: nhận thấy xu hướng sử dụng rau sạch của người dân ngày càng tăng cao nên đầu năm 2019, được HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) chuyển giao công nghệ, gia đình tôi đã xây dựng 6.000m2 nhà lưới để trồng rau sạch theo hướng VietGAP. Đây là mô hình đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân. Trồng rau theo mô hình này cây phát triển tương đối tốt, năng suất cao hơn từ 40 - 50%, thời gian thu hoạch nhanh hơn 10 ngày so với trồng rau trên đất..

Những năm qua, để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng KH&CN trong sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng các mô hình, dự án ứng dụng KH&CN và chuyển giao cho nông dân. Tính riêng trong quý I năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở hội đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao KH&CN cho 30.085 lượt cán bộ, hội viên nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cây, con năng suất, hiệu quả cao. Nhờ đó, đã xây dựng được 39 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc... Ngoài ra, hội cũng chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đồng thời, việc đưa những ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]