(Baothanhhoa.vn) - Cùng là người dân tộc thiểu số, cùng sinh ra ở thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, rồi cùng tham gia chống Pháp và họ đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đó là ông Trương Công Man và ông Lò Văn Bường.

Chuyện hai người anh hùng đánh Pháp

Cùng là người dân tộc thiểu số, cùng sinh ra ở thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, rồi cùng tham gia chống Pháp và họ đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đó là ông Trương Công Man và ông Lò Văn Bường.

Chuyện hai người anh hùng đánh PhápNhà thờ Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man tại xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) đang được người cháu là Trương Công Hùng (đứng bên trái) giữ gìn và hương khói. Ảnh: K.H

Người anh hùng khoác áo lửa

Sinh năm 1930, Trương Công Man, người Mường, ở xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) từ khi lớn lên đã nuôi ý chí trả thù cho ông ngoại... Chính vì thế mà chàng trai người dân tộc Mường rất vui mừng khi được đi bộ đội.

Tác giả Bùi Minh Tâm trong cuốn sách “Người anh hùng khoác áo lửa - liệt sĩ Trương Công Man”, có kể lại tin cu Man (Trương Công Man) đi bộ đội lan nhanh trong bản. Bà con truyền nhau: Cu Man tòng quân. Cu Man đi bộ đội. Cu Man được vào Bộ đội Cụ Hồ. Cu Man ra trận đánh Tây.

Nhập ngũ năm 1947, chàng trai 17 tuổi những ngày đầu ở đơn vị huấn luyện tân binh, “Man ngắm nhìn những khẩu súng trường như một vật yêu quý. Man nghĩ: Mình đã bắn được cái ná, bây giờ lại biết bắn cái súng nữa thì sướng thật”.

Sau khóa huấn luyện tân binh, Trương Công Man được bổ sung vào Đại đội 269, Tiểu đoàn 391, Trung đoàn 52, Đại đoàn Đồng Bằng - một trong những đại đoàn chủ lực chiến đấu vùng địch hậu ở vùng đồng bằng sông Hồng thuộc Sư đoàn 320.

Kể từ trận đánh đầu tiên, tân binh Trương Công Man đã tỏ ra gan dạ điềm tĩnh, có tinh thần dũng cảm, chiến đấu hết mình. Trải qua các chiến dịch Lê Lợi, chiến dịch Quang Trung... trận nào Trương Công Man cũng được ban chỉ huy tiểu đoàn biểu dương, ban chỉ huy trung đoàn tặng giấy khen.

Cuối năm 1951, Sư đoàn 320 được điều về hoạt động ở Phát Diệm (Ninh Bình). Tháng 1/1952, trong trận Yên Ninh, khi đơn vị được lệnh xuất kích, Trương Công Man lập tức xung phong diệt địch ngay. Bị thương vào sườn, Trương Công Man vẫn nén đau, bám sát đại đội trưởng để truyền lệnh kịp thời. Trận đánh vừa kết thúc, địch tập trung máy bay, đại bác các nơi bắn về liên tục và ác liệt. Cả ngày, Trương Công Man nhiều lần như con thoi chạy đi, chạy về giữa đồng nước, dưới làn bom đạn, đưa lệnh của trên xuống các đơn vị và tham gia chuyển thương binh về trạm. Năm lần bị thương, không rời trận địa, Trương Công Man vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao và cùng với đồng đội chuyển được 15 thương binh ra ngoài an toàn.

Rồi ở các trận Tầm Phương, Thái Ninh, An Bình (Thái Bình), Trương Công Man luôn dũng cảm, kể cả bị thương cũng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ tiêu diệt địch mà còn gọi hàng và thu vũ khí của chúng. Vì thế, trong thời gian ngắn, Trương Công Man đã được trung đoàn, đại đoàn khen thưởng 9 lần và được bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đặc biệt, người chiến sĩ trẻ này rất vinh dự được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nắm tay hô vang “Chiến sĩ khoác áo lửa” tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1952).

Trong trận tiến công đồn Tìm (Đông Quan, Thái Bình), đơn vị vừa mở được một hàng rào thì đại bác địch ở các vị trí khác tập trung bắn về dữ dội. Tổ đánh bộc phá tiếp tục mở cửa dưới hỏa lực địch, bị thương vong gần hết, Trương Công Man xung phong lên đánh tiếp và bị trọng thương. Trước lúc hy sinh, Trương Công Man còn nhắn lại đồng đội: Các đồng chí giữ vững quyết tâm, làm tròn nhiệm vụ.

Ngày 31/8/1955, Trương Công Man được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

“Xương máu của liệt sĩ Trương Công Man và đồng đội đã để lại vùng đất quê lúa Thái Bình. Khắc ghi công lao đó, Đảng bộ và Nhân dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng đã xây dựng khu lăng mộ, đài tưởng niệm và nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man. Nhà thờ của Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man tại xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) cũng được xây dựng khang trang. Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trong vùng, mà còn là địa chỉ hành hương tới thăm viếng của các đoàn trong huyện, ngoài tỉnh mỗi dịp lễ, tết”, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phú Bùi Văn Lịch cho biết.

Người xây dựng hàng chục cơ sở cách mạng

Tháng 8/1948, chàng trai người dân tộc Thái Lò Văn Bường (sinh năm 1924) ở thôn Cộc Chẻ, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) lên đường nhập ngũ. Từ năm 1948-1953, người chiến sĩ trẻ này chiến đấu và hoạt động ở những vùng rừng núi âm u như Viêng Say, Sầm Nưa, Sầm Tớ, Xiêng Khoảng thuộc nước bạn Lào... nơi Sư đoàn 335 đóng quân.

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở đây, Lò Văn Bường cùng đồng đội âm thầm gây dựng cơ sở ở vùng sau lưng địch. Đại đội của ông gồm 150 đồng chí cùng với bộ đội giải phóng Lào chia nhỏ thành từng đội từ 2 - 3 người tiếp cận với Nhân dân ở các thôn, bản, tuyên truyền cho họ biết “mọi người cùng nhau đánh Tây, giải phóng đất nước thì ta mới sung sướng, nếu không đánh Tây, họ sẽ bắt ta đi lính, mất người, mất của”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lò Văn Biển (sinh năm 1974) - cháu ruột của anh hùng Lò Văn Bường, cho biết: Khi bác Bường còn sống, bác thường kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày hoạt động ở vùng đồi núi âm u, khí hậu khắc nghiệt và quân địch luôn lùng sục gắt gao. Trong đó, tôi nhớ mãi câu chuyện kể: Tháng 1/1952, tổ của bác được nhận nhiệm vụ lên xây dựng cơ sở. Vào một buổi chiều, trên đường vào bản thì gặp ngay trung đội giặc đang đi sục sạo. Tên dẫn đầu nhìn thấy bác vừa định la lên thì bác đã nhanh chóng nằm xuống dùng súng bắn bị thương một số tên. Quân giặc thấy vậy bắn dữ dội. Quân giặc tưởng bác đã mất, chúng bỏ đi, lùng sục vào nhà dân để vơ vét. Dù mang nhiều vết thương ở tay phải, lưng và mắt, nhưng bác vẫn cố lết về nơi tạm trú của tổ. Rồi chuyện đằng đẵng 3 tháng trời chỉ có ăn ngô với rau rừng trừ bữa. Còn là biết bao gian khó khác...

Sách “Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lẹ” có ghi về chiến sĩ Lò Văn Bường: Trong 5 năm chiến đấu và hoạt động ở miền Tây giúp nước bạn Lào, ông và đồng đội đã xây dựng được 28 cơ sở làng, lập được 70 đội du kích, huấn luyện được nhiều cán bộ làm nòng cốt tại thôn xã. Đứng lên chỉ đạo Nhân dân 2 lần chống lại âm mưu dồn dân của giặc. Trong những thành tích đáng nể đó có một phần công lao rất lớn của ông.

Chính nhờ sự mưu trí dũng cảm của mình, ông đã lập nhiều chiến công trong việc xây dựng cơ sở cách mạng sau lưng địch ở miền Tây nước bạn Lào. Ông nhiều lần được Quân khu IV, Sư đoàn 335 khen thưởng, là Chiến sĩ thi đua của bộ đội tình nguyện giúp nước bạn Lào. Tháng 5/1956, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ 3 (1956).

Không chỉ tham gia kháng chiến chống Pháp, ông còn tham gia chống Mỹ, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch từ cầu Hàm Rồng đến Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).

Sau này, với cương vị Chính trị viên, Phó Huyện đội Thường Xuân, ông tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong công việc và là Đại biểu Quốc hội.

Về thôn Chẻ Dài (sáp nhập từ thôn Dài và thôn Cộc Chẻ), chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lẹ Vi Văn Tuyến cho biết: "Năm 1994, căn nhà gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lò Văn Bường được Bộ Quốc phòng quan tâm xây tặng. Sau đó, năm 2008, khi ông bị ốm, ngôi nhà tiếp tục được chỉnh trang lại với một số thiết bị cần thiết. Hiện nay ngôi nhà này, vợ chồng người cháu sử dụng để thờ cúng ông”.

“Có sống với ông Bường mới hiểu tại sao ông là anh hùng. Không chỉ kiên cường trong mưa bom, bão đạn, ông còn là một người làm kinh tế giỏi với tài hồi sinh cây quế đặc sản nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao ở Thường Xuân. Thậm chí, được Nhà nước quan tâm, muốn đổ con đường nhựa vào tận nhà mang tên ông, nhưng ông một mực từ chối, chỉ mong được dành số tiền đó làm đường cho bà con... Nay con đường vào xã, vào thôn xe chạy bon bon, nhưng ông Bường thì đã về thế giới người hiền”, ông Lương Văn Cháy - một người bạn vong niên của ông Lò Văn Bường, cho biết.

Giờ đây, những địa phương nơi mà Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trương Công Man và Lò Văn Bường sinh sống đã thay đổi nhiều, cuộc sống của bà con không chỉ ấm no mà còn khá giả hơn. Những con đường đi lên Xuân Lẹ (Thường Xuân), Cẩm Phú (Cẩm Thủy) dù thuận lợi hơn nhiều, nhưng dấu chân của những người như anh hùng Lò Văn Bường, Trương Công Man vẫn còn in đậm qua nhiều câu chuyện hào hùng một thuở, như một lời nhắc nhở con cháu sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ trước đã trải qua, đã hy sinh và đã cống hiến.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]