“Chia lửa” với chiến trường Điện Biên
Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã giáng đòn quyết định xóa sổ “pháo đài bất khả xâm phạm”, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong mốc son chói lọi tạc vào lịch sử dân tộc, Thanh Hóa tự hào đã có nhiều đóng góp to lớn cho chiến dịch toàn thắng.
Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư Liệu
Sử sách nói nhiều về chiến thắng Điện Biên Phủ, thế nhưng tôi muốn được nghe ai đó từng đi qua những năm tháng xưa kể lại để có thể cảm nhận được hơi thở của một thế hệ anh hùng. Đem ước muốn ấy, tôi xuôi về phía sông Mã, chạy dọc Quốc lộ 1A, tới xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) gặp cụ Nguyễn Đức Ngọc. Ngày ấy, cụ Ngọc là trưởng đoàn dân công xe đạp thồ của xã. Đội quân xe thồ của cụ có nhiệm vụ lấy hàng từ huyện Quảng Xương để vận chuyển lên Điện Biên. Tuyến đường xa 500 - 600 km, địa hình hiểm trở, trong khi nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút nên đội quân của cụ phải rất khẩn trương. Trong quá trình vận chuyển, mỗi người 1 xe thồ nhưng đoạn nào dốc quá thì 3 người một xe, người buộc dây kéo phía trước, hai người đẩy phía sau mới vượt qua được. “Việc sử dụng xe đạp thồ làm phương tiện vận tải phục vụ chiến đấu chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới, chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Dù là phương tiện thô sơ nhưng đoàn quân xe thồ mang sức mạnh phi thường, đọ sức cùng xe tăng, máy bay tối tân hiện đại của quân xâm lược để làm nên chiến thắng lẫy lừng”, cụ Ngọc chia sẻ.
Ngoài nhân chứng hiếm hoi chúng tôi may mắn được gặp, tất cả những chiến công vang dội, oanh liệt của quân, dân Thanh Hóa còn được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh qua nhiều tư liệu, hiện vật vô cùng quý giá. Trong đó, chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg lương thực/chuyến đặt ở chính giữa phòng trưng bày như một minh chứng hùng hồn về “binh chủng” xe đạp thồ trong chiến dịch. Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, xã Định Liên (Yên Định) gây ấn tượng mạnh với khách tham quan khi biết trong tình thế cấp bách, ông đã tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để hoàn thành chiếc xe làm phương tiện tải lương phục vụ chiến dịch. Góp phần làm nên “kỳ tích” của cuộc chiến còn là hình ảnh các đại đội công binh, thanh niên xung phong ngày đêm tiếp lương, tải đạn, phá bom, sửa đường đảm bảo mạch máu giao thông; hình ảnh chiến sĩ Thanh Hóa phấn khởi bên chiến lợi phẩm tại chiến trường, hay giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ...
Chiếc xe đạp thồ được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: T.P
Trong chiến thắng Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đã dồn sức cao nhất cho chiến dịch. Cả 3 đợt, Thanh Hóa đã huy động 178.924 dân công dài hạn và ngắn hạn, gần bằng 70% toàn chiến dịch. Số thanh niên lên đường tòng quân là 18.890 người, bằng cả 7 năm trước đó. Những người con quê hương Thanh Hóa chân trèo, vai vác, có mặt ở nhiều đại đoàn chủ lực trực tiếp tiến quân vào Điện Biên và tham gia nhiều trận đánh vào các cứ điểm quan trọng của địch. Nổi bật là tấm gương anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, không để pháo rơi xuống vực thẳm. Hay nữ dân công Hà Thị Miên đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường vận tải đạn vào mặt trận. Nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ như Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man và hàng nghìn dân công hỏa tuyến quê hương Thanh Hóa ngã xuống trên các nẻo đường. Máu của các cô bác, anh chị đã thấm đỏ trên những cung đường, nhuộm thắm màu cờ trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất tử của mọi thời đại.
Không chỉ là hậu phương lớn chi viện về sức người, Thanh Hóa còn là hậu phương lớn cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Những đoàn thuyền ngược dòng sông Mã; những chuyến xuyên rừng trèo đèo, vượt suối bí mật đưa hàng về nơi tập kết hay những đoàn xe thồ, dân công gánh bộ nối tiếp nhau rầm rập ngày đêm trên các nẻo đường lên Điện Biên. Ngày ấy, có thời điểm thóc dự trữ của tỉnh không còn, lúa cũng chưa đến ngày thu hoạch, Nhân dân Thanh Hóa đã “dốc bồ, đổ thúng” để kho lương thêm hạt gạo nuôi quân. Người người ra đồng tỉa từng dẻ lúa vàng, chín trước ở đầu bông để có đủ lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường. Cả 3 đợt của chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động được 34.927 tấn lương thực, vượt gần 7.000 tấn so với số lương thực Trung ương giao. Lịch sử đã ghi nhận chiến thắng Điện Biên Phủ với sự góp công rất lớn của những “chị gánh, anh thồ” huyền thoại. Nhiều dân công quê hương Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như các ông Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc... nổi tiếng cả nước được nhiều người ngưỡng mộ.
“Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó” là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp to lớn của quân, dân Thanh Hóa khi “chia lửa” với chiến trường Điện Biên, góp phần tô thắm trang sử vàng oanh liệt của dân tộc.
Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 20:15:00
Xanh lại bản Lát
-
2024-02-14 10:54:00
Huyện Thạch Thành phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2024
Xuân về trên quê hương Châu Ngọc
Khởi sắc vùng cao Quan Sơn
Nụ cười phía chân mây
Quả còn mùa xuân
Hà Trung khí thế mới, động lực mới
Đề xuất mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước cho công dân từ 0 - 6 tuổi
BHXH tỉnh Thanh Hóa: Đồng lòng vì mục tiêu an sinh xã hội
Ngư dân xứ Thanh “xông biển” đầu năm
Vĩnh Lộc với mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững