(Baothanhhoa.vn) - Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được xem là một trong những khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, chất lượng và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chấn chỉnh đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư (Bài 1): Thay đổi tác phong, lề lối làm việc

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được xem là một trong những khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, chất lượng và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chấn chỉnh đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư (Bài 1): Thay đổi tác phong, lề lối làm việcNgười dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Đông Tiến (Đông Sơn). Ảnh: P.V

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Tháng 4-2023, Công ty CP May Vạn Lợi, xã Thăng Long (Nông Cống) được chuyển đổi thành Công ty TNHH May xuất khẩu Vạn Lợi, chuyên về lĩnh vực may mặc quần áo thời trang, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Với 14 chuyền may, xuất khẩu khoảng 12.000 sản phẩm/tháng, hiện doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho 630 lao động với mức thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Morimoto Jun, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Vạn Lợi, cho biết: “Là tập đoàn đa quốc gia, đã đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam, đến với Thanh Hóa, tôi đánh giá cao môi trường đầu tư, hỗ trợ cho xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong đó ấn tượng trước thái độ niềm nở, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, nhất là luôn đồng hành, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp mỗi khi có vấn đề phát sinh. Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Thanh Hóa là điểm đến để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trước tiên, cuối năm 2023, công ty sẽ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên 20 chuyền may, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động”.

Để nhà đầu tư có được những ấn tượng tốt đẹp, coi Thanh Hóa là điểm dừng chân chiến lược, bền vững, từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Nghị quyết số 02 đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong từng lĩnh vực. Từ hiệu quả Nghị quyết số 02 mang lại, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” là 1 trong 4 khâu đột phá để thực hiện. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa tiếp tục lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để triển khai nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa. Thực hiện khâu đột phá này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu ở mức cao, trong đó phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về 4 chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX và PCI.

Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11-2017, đến nay Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện được vai trò là đầu mối việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm điện tử trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp, trực tuyến, trung tâm còn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ từ xa, nhận trả kết quả tại nhà qua chuyển phát nhanh giúp người dân hạn chế được thời gian, chi phí đi lại.

“Trước đây, để hoàn tất các TTHC cho doanh nghiệp, tôi phải đi đến nhiều sở, ban, ngành liên quan, thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Nay, chỉ cần đến đây, hoàn tất một thủ tục giao dịch và hẹn ngày nhận kết quả. Cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm, nếu thiếu các thủ tục thì được hướng dẫn chỉ có bổ sung một lần duy nhất, không có hiện tượng nhũng nhiễu, “câu giờ” như trước” - anh Hoàng Quốc Trường, cán bộ Công ty May xuất khẩu Việt Thanh cho biết.

Để nâng cao hiệu quả CCHC, Thanh Hóa cũng nhanh chóng triển khai quá trình chuyển đổi số gắn với CCHC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả tích cực. Văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản đi trên hệ thống là 462.035/463.064 văn bản, đạt 99,78%; tỷ lệ văn bản được ký số đạt trên 99%, giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước. Với hệ thống hội nghị trực tuyến thuộc diện lớn nhất cả nước (hơn 600 điểm cầu) và 18 phòng họp không giấy tờ của các đơn vị đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, tạo môi trường hội họp nhanh chóng, tiết kiệm, khoa học. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã lần đầu tiên tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI), từ đó tạo ra sự cạnh tranh và tạo động lực để các sở, ngành, địa phương cải cách một cách đồng bộ, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa trong những năm tới.

Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (diễn ra vào ngày 19-4-2023), thì năm 2022, chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Thanh Hóa đạt 87,11 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2021); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 85,31 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (tăng 19 bậc so với năm 2021).

Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ

Không chỉ ở cấp tỉnh, tại các trung tâm giao dịch “Một cửa” cấp huyện, cấp xã cũng đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các TTHC. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những hoạt động, mô hình cụ thể như: “Thứ ba, thứ năm - ngày không viết”, “Thứ sáu - ngày không hẹn” ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa); “Lễ tân hành chính” và “Giờ làm việc thứ 9” ở huyện Đông Sơn; “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” được thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh... Qua khảo sát, đã có hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC, đây là con số rất đáng phấn khởi cho sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Mới đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C cũng không giảm bớt không khí làm việc nhộn nhịp tại bộ phận “một cửa” xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân). Các công dân đến làm TTHC được cán bộ, công chức tận tình hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng. Đồng chí Lê Đôn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Những năm qua, việc xây dựng nền hành chính phục vụ luôn được đảng ủy xã quan tâm sát sao. Cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. TTHC nào người dân không hiểu phải giải thích rõ ràng; thủ tục nào không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người dân đến nơi khác giải quyết. Từ năm 2020, xã xây dựng mô hình “Ngày không viết” đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Lý Đình Sĩ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã tập trung đẩy mạnh cải cách các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, đưa Thọ Xuân dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hai năm liên tiếp (2021, 2022) Thọ Xuân đều dẫn đầu 27 huyện, thị xã, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI). Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thọ Xuân có 19 dự án đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 9 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn huyện, với tổng số vốn đăng ký hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Để theo dõi, kịp thời chấn chỉnh công tác CCHC trên địa bàn toàn tỉnh, hàng tháng Ban Chỉ đạo CCHC cấp tỉnh đều có văn bản “Báo cáo tình hình thực hiện TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, đồng thời ra các văn bản nhắc nhở, chỉ đạo công tác CCHC đến tận từng ngành, từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hà Trung Đỗ Thị Thủy cho biết: “Nhằm tạo chuyển biến hơn nữa trong tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung yêu cầu Phòng Nội vụ hàng tháng phải có báo cáo nhanh, hàng quý có báo cáo đánh giá về kết quả việc thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trên các chỉ tiêu về thực hiện chuyển đổi số, xử lý TTHC hướng đến sự nhanh chóng, công khai, minh bạch, không để tồn đọng việc giải quyết hồ sơ TTHC. Điểm số CCHC của huyện năm 2022 đạt 91,39 điểm, xếp thứ 4/27 đơn vị cấp huyện. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 cấp huyện đạt tỷ lệ 100%, cấp xã đạt tỷ lệ 98,2%. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 4 cấp huyện đạt tỷ lệ 100%, cấp xã đạt tỷ lệ 97,2%. Đến nay, Hà Trung đã rà soát, cắt giảm được 23 TTHC cấp huyện, 193 TTHC cấp xã”.

Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thân thiện, đồng hành trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD. Trong đó, thu hút 33 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD cho 3 dự án; tiếp nhận 6 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,1 triệu USD. Những con số về thu hút đầu tư đã phản ánh sinh động và thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả này cũng minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực cao của lãnh đạo tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong đó có mục tiêu đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Nhóm PV

Bài 2: Khắc phục tình trạng phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]